'Thiên đường đồ Nhật' dưới gầm cầu Thăng Long đã bị dẹp

Sau sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền huyện Đông Anh và Tổng Cty Đường sắt Việt Nam, khu vực 'thiên đường đồ Nhật' lấn chiếm gầm cầu Thăng Long về cơ bản đã được dẹp bỏ.

Chủ cơ sở cho biết những sẽ sớm thu dọn những hạng mục còn lại trả lại mặt bằng cho khu vực gầm cầu - Ảnh: PV.

Chủ cơ sở cho biết những sẽ sớm thu dọn những hạng mục còn lại trả lại mặt bằng cho khu vực gầm cầu - Ảnh: PV.

Chiều 16.9, hết thời hạn ra “tối hậu thư" cho những hộ lấn chiếm khu vực gầm cầu Thăng Long, đại diện UBND huyện Đông Anh cho biết, sau hơn nửa tháng vận động tuyên truyền, một số hộ đã chủ động di dời.

“Trong 5 ngày tới, chính quyền sẽ tiến hành cưỡng chế giải tỏa những hộ còn lại. Sau giải tỏa, nếu các trường hợp cố tình tái vi phạm phải được lập biên bản trong vòng 48 giờ và tổ chức cưỡng chế theo quy định của pháp luật”, vị đại diện cho hay.

Hình ảnh "thiên đường đồ Nhật" gầm cầu Thăng Long được PV ghi nhận tháng 8.2018.

Theo ghi nhận của phóng viên, khu vực “thiên đường đồ Nhật” với hàng chục tấn đồ cơ khí cơ bản đã được di dời, chỉ còn tồn lại một số ít máy móc và không có người đến mua bán. Chủ cơ sở cho biết, trong những ngày tới sẽ tiến hành thu dọn nốt để trả lại hiện trạng cho khu vực gầm cầu.

Trước đó, Báo Lao Động có loạt bài phản ánh về tình trạng lấn chiếm cầu Thăng Long. Đặc biệt, trụ B7 – B9 của cầu bị một cơ sở đổ bêtông, quây tôn kín mít thành khu vực buôn bán đồ cũ, giới thiệu rầm rộ là hàng nội địa Nhật Bản đã qua sử dụng.

Dân chơi đồ cũ Hà thành gọi khu vực này là “thiên đường đồ Nhật” bởi lúc nào cũng có hàng trăm tấn hàng máy móc với đủ loại thiết bị có giá dao động từ 3 triệu – 6 triệu đồng đổ về đây. Mặt trái của khu vực này là gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hành lang an toàn cầu, an toàn giao thông đường sắt.

Sau phản ánh của Báo, UBND huyện Đông Anh và Tổng Cty Đường sắt Việt Nam đã đưa ra quyết tâm phải dẹp các khu vực lấn chiếm, trả lại mặt bằng cho cầu Thăng Long.

VÂN TRƯỜNG

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/ban-doc/thien-duong-do-nhat-duoi-gam-cau-thang-long-da-bi-dep-631241.ldo