Thiên đường du lịch thành điểm nóng

Là một hòn đảo cận nhiệt đới nổi tiếng của Hàn Quốc vớ những bãi biển ngọc ngà, những sân golf tuyệt đẹp, Jeju thu hút rất nhiều du khách quốc tế trong suốt nhiều thập kỷ qua. Nhưng trong những tháng gần đây, hòn đảo nghỉ dưỡng này còn phải tiếp nhận một kiểu du khách mới - những người tị nạn đến từ Yemen.

Người dân đảo Jeju biểu tình phản đối người tị nạn hôm 30/6/2018.

Hani al-Junaid, một phóng viên 37 tuổi người Yemen, là một trong số những người đến đảo Jeju để tránh khỏi chiến sự ở Yemen. “Ở Yemen không còn chỗ an toàn cho tôi trốn nữa” - Junaid nói về cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn nhất thế giới đang diễn ra ở quê hương anh.

Junaid đặt bước chân đầu tiên lên đảo Jeju, nằm ở vùng biển phía Nam đất nước Hàn Quốc, trong tháng Năm vừa qua, và hiện vẫn đang chờ đợi chính quyền nước này chấp nhận đơn xin tị nạn của mình. “Tôi nghe nói Hàn Quốc đang mở cửa tiếp nhận công dân Yemen” - Junaid nói. Nhưng điều đó không hẳn chính xác. Việc phải tiếp nhận hàng trăm người Yemen đã tạo ra một làng sóng phản đối từ phía người dân, từ đó hình thành phong trào biểu tình chống người tị nạn đầu tiên ở Hàn Quốc. “Hãy trục xuất những người tị nạn giả mạo!” - một biểu ngữ xuất hiện trong một cuộc biểu tình diễn ra hồi cuối tháng Sáu vừa qua trên đảo Jeju, có viết.

Không chỉ ở Jeju, làn sóng này còn lan tới cả thủ đô Seoul. Người dân còn gửi tới Tổng thống Moon Jae-in một thỉnh cầu thư trực tuyến để kêu gọi ngừng tiếp nhận người tị nạn, và bức thư này đã thu hút được 714.000 người ủng hộ - mức cao kỷ lục đối với một thỉnh cầu thư ở Hàn Quốc. Chính phủ của Tổng thống Moon sau đó tuyên bố sẽ xem lại các bộ luật để thắt chặt hơn việc tiếp nhận đơn xin tị nạn.

Vì sao chọn Jeju?

Sự nổi tiếng của đảo Jeju đối với người dân trong nước hiện đang phai nhạt theo năm tháng, khi mà người dân xứ Hàn với thu nhập ngày càng cao thích di chuyển tới những danh lam thắng cảnh ở nước ngoài hơn. Bởi vậy, để hồi sinh lại nền công nghiệp du lịch, chính quyền trên đảo đã áp dụng chính sách miễn thị thực cho phần lớn du khách nước ngoài, bắt đầu từ năm 2002, từ đó thu hút được lượng lớn du khách từ Trung Quốc và khu vực Đông nam Á.

Khi Hãng hàng không AirAsia bắt đầu mở tuyến đường bay thẳng từ Kuala Lumpur, Malaysia tới đảo Jeju vào tháng 12/2017, hòn đảo này lập tức nhận được sự chú ý của những người tị nạn Yemen. Họ coi nó như một bước đệm để tới đại lục Hàn Quốc nhờ chính sách miễn thị thực.
Hàng nghìn công dân Yemen đã bỏ trốn sang Malaysia bởi nước này cũng có cộng đồng người Hồi giáo và cũng không yêu cầu thị thực du lịch. Nhưng họ lại không thể lưu lại Malaysia quá 90 ngày trong khi chính quyền Kuala Lumpur cũng không cấp diện tị nạn cho họ; bởi vậy mà Jeju trở này nơi trốn lý tưởng hơn.

Trong 5 tháng đầu năm nay, 561 người Yemen đã tới Jeju, tăng từ mức 51 người trong suốt khoảng thời gian năm ngoái. Junaid, người đến Jeju vào ngày 29/5 năm nay, đã đến vừa kịp lúc. Vào ngày 1/6, Hàn Quốc đã liệt Yemen vào danh sách 11 quốc gia mà công dân cần có thị thực để đến đảo Jeju.

Ngày 30/4, tức một tháng trước khi Junaid tới Jeju, Chính phủ Hàn Quốc đã cấm 487 người xin tị nạn Yemen vẫn đang trên đảo Jeju rời khỏi nước này cho tới khi đơn xin tị nạn của họ được xem xét lại.

“Jeju là lựa chọn tốt nhất của chúng tôi” - Jamal Nasiri, 43 tuổi, một cựu quan chức ngành nông nghiệp đến từ Yemen, nói - “Chúng tôi nghĩ về tương lai, giữ cho con cái chúng tôi được an toàn và gửi chúng tới một nơi tốt đẹp hơn, bởi chúng tôi là con người”.

Muaadh Galal Mohammed al-Razeqee cùng người vợ đang mang thai đã bỏ trốn khỏi Yemen hồi tháng Năm vừa qua và đến đảo Jeju chỉ 6 ngày sau đó, sau khi mua một tấm vé trị giá 150 USD của hãng AirAsia.

“Ở Yemen, bom dội xuống mọi lúc” - Razeqee nói - “Không có nước, không có điện, không công ăn việc làm, không trường học, không có gì cả. Làm sao tôi đảm bảo được một cuộc sống tốt cho con trai mình? Nhiều người nói về đảo Jeju, và tôi nghĩ rằng sẽ có một cơ hội ở đó”.

Tổ chức Chữ Thập Đỏ và các nhóm từ thiện địa phương đã nhập cuộc để giúp đỡ người tị nạn Yemen, cung cấp hỗ trợ thuốc men, thực phẩm và chăn trong lúc họ đang chờ được xét đơn tị nạn. Razeqee cùng vợ của anh được một giáo viên dạy tiếng Anh cho ở tạm căn hộ của người này. Nhưng không phải ai trên đảo Jeju cũng chào đón họ như vậy.

Làn sóng phản đối người tị nạn

Khi hàng trăm người tị nạn Yemen - chỉ chiếm một phần nhỏ trong cộng đồng dân đảo gồm 660.000 người - sự hiện diện của họ đã gây ra rất nhiều nỗi quan ngại, thậm chí sự sợ hãi. “Nếu những người này an toàn, vậy tại sao Chính phủ không để họ tới đại lục như họ mong muốn?” - Kim Jin-yi, 32 tuổi, một người phản đối người tị nạn, nói.

Hàn Quốc vốn nổi tiếng là một xã hội đồng nhất và không muốn tiếp nhận người tị nạn. Nhưng điều đó đã thay đổi từ năm 2013, khi Hàn Quốc, dưới sức ép của các tổ chức nhân quyền, đã áp dụng một bộ luật mới nhằm vảo vệ người tị nạn. Kể từ đó, số lượng người xin tị nạn vào nước này đã tăng từ 2.896 (năm 2014) lên 9.942 (năm 2017).

Những người tị nạn Yemen chỉ chiếm một phần cực nhỏ trong cộng đồng 660.000 dân đảo Jeju .

Trong một cuộc biểu tình mới đây trên đảo Jeju, nhiều người sử dụng loa phóng thanh gọi những người tị nạn là những kẻ tội phạm tiềm ẩn hay những người sẽ cướp đi công ăn việc làm của họ. Nhiều người đặt câu hỏi rằng, tại sao Hàn Quốc phải tiếp nhận người tị nạn, trong khi Mỹ đang đóng cửa các đường biên?

Hơn 90% người tị nạn Yemen đến đảo Jeju là đàn ông. Họ nói rằng chỉ mong muốn có một nơi an toàn để sinh sống và làm việc, nhưng một số người dân trên đảo nói rằng họ quá sợ hãi những người tị nạn đến nỗi không dám cho con cái ra đường chơi. “Khi họ đi theo nhóm, phụ nữ luôn tránh xa khỏi họ” - Byun Jin-young, một người mẹ hai con 40 tuổi, nói.

Trên Internet, những kẻ theo chủ nghĩa reo rắc sợ hãi thậm chí còn tuyên truyền về cái mà chúng gọi là một cuộc xâm lược của những kẻ khủng bố và cưỡng hiếp đến từ thế giới Arab.

Định kiến

Hàng trăm người Yemen tháo chạy đến đảo Jeju đều cảm thấy bị mắc kẹt trong tình trạng hiện nay.

Marwan Saeed, một kỹ sư máy tính 38 tuổi đến từ Sana, thủ đô của Yemen, tới đảo Jeju vào thời điểm cuối tháng Năm. Anh đã phải bán chiếc xe hơi hiệu Huyndai của mình, trong khi vợ anh bán hết trang sức để có tiền cho hành trình tìm vùng đất hứa. Sau khi cạn tiền, anh chuyển tới một phòng trọ giá rẻ ở Jeju, và giờ đang phải ở trong một căn lều.

“Tôi từng nghĩ sẽ có cơ hội ở Jeju” - Saeed nói - “Nhưng họ giữ chúng tôi ở đây như động vật. Là con người, chúng tôi cũng có quyền được di chuyển. Có điểm gì khác biệt giữa người tị nạn Yemen và người tị nạn đến từ những nước khác?”.

Chính quyền trung ương Hàn Quốc hiện đang cố gắng trợ giúp những người Yemen bằng cách tìm cho họ công việc trên những tàu đánh cá, tại các trại nuôi cá hay trong những nhà hàng trong lúc chờ đơn tị nạn được xét duyệt - một quá trình có thể kéo dài nhiều tháng.

Kim Eun-young, một người dân trên đảo Jeju hiện đang đứng lớp dạy tiếng Hàn cho người Yemen, cho rằng nếu có vùng nào của Hàn Quốc cần phải đồng cảm với người tị nạn Yemen nhất, thì đó chính là Jeju. Trong khoảng thời gian Chiến tranh Triều Tiên những năm 1940, người dân đảo Jeju đã phải bỏ trốn sang Nhật Bản để tị nạn.

“Họ đã làm việc rất chăm chỉ ở các thành phố của Nhật Bản, như Osaka, và gửi tiền về để xây dựng cộng đồng ngày nay, xây dựng đường xá, trường học...” - bà Kim nói.

Định kiến của người dân đảo Jeju đã khiến rất nhiều người tị nạn Yemen đau lòng. Majid, 28 tuổi, đã lên tiếng bảo vệ đất nước Yemen của mình cũng như cách mà đàn ông nước này đối xử với phụ nữ. “Chúng tôi không đối xử với phụ nữ theo cách mà người ta nghĩ” - Majid nói - “Vậy người Hàn Quốc còn sợ hãi điều gì nữa? Mũi của chúng tôi chăng? Tôi không thể thay đổi cái mũi của mình được”.

Linh Chi

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/quoc-te/thien-duong-du-lich-thanh-diem-nong-tintuc415800