Thiên nhiên và con người trong 'Phía Tây có đàn hươu cao cổ'

Thiên nhiên sẽ luôn là nơi con người tìm tới để xoa dịu những đau đớn và thương tổn, bất chấp đó cũng là thương tổn do chính con người trực tiếp gây nên

Tháng 9/1938, theo yêu cầu của Quý bà Sở thú Belle Benchley, hai con hươu cao cổ với sức sống kỳ diệu đã sống sót khỏi cơn bão New England từng càn quét dữ dội mạn Đông nước Mỹ, được vận chuyển trên xe đầu kéo từ đầu này tới đầu kia đất nước, trở thành những con hươu cao cổ đầu tiên ở miền Nam California.

Hơn sáu thập kỷ sau, vào năm 1999, khi sục sạo trong kho lưu trữ của sở thú San Diego, nữ nhà văn Lynda Rutledge đã vô tình tìm thấy những mẩu ghi chép tường thuật lại câu chuyện vô tiền khoáng hậu này, nhưng dường như tất cả chúng vẫn chưa thể thôi thúc bà kể lại một câu chuyện.

Phải vài năm sau đó, khi Trái đất bắt đầu bước sang thế kỷ XXI và những tổn thất đầu tiên tới từ “đợt tuyệt chủng thứ sáu” bắt đầu được thành hình, bà mới thật sự cho rằng bản thân mình phải viết. Và thế là câu chuyện của Cô Gái, Chàng Trai, Tóc Đỏ, Ông Già và một thằng nhóc du thử du thực chỉ mới độ mười bảy, mười tám tuổi, bắt đầu hành trình xuyên Mỹ hơn ba mươi ngày đêm, đã chính thức được chào đời.

Thiên nhiên tráng lệ

Trong mục lời đề từ ở đầu cuốn sách, Lynda Rutledge đã dành trọn một trang để gửi lời cảm ơn tới “những cô cậu hươu cao cổ cưỡi bão thứ thiệt”, tức nguồn cảm hứng lớn lao đã khích lệ bà bắt đầu sáng tác nên thiên tiểu thuyết tuyệt vời này. Chắc cũng chính bởi lý do đó mà khi đề cập tới hình tượng trung tâm của Phía Tây có đàn hươu cao cổ, không thể không nhắc tới hình tượng thiên nhiên - kết tinh qua hình hài của hai con hươu cao cổ Phi châu, được khắc họa đầy đẹp đẽ và khôn cùng tráng lệ.

Trong thiên tiểu thuyết, thiên nhiên là một hình tượng đa nghĩa hiện lên với nhiều vai trò và chiều kích phức tạp. Nó vừa là đối tượng được con người chở che, bảo vệ, vừa là mục tiêu bị con người truy lùng, săn đón; vừa là đòn bẩy để con người bộc lộ bản chất hoang dã, man dại, vừa là nơi chốn thanh khiết mở rộng vòng tay ấp ôm con người, là nơi để con người trở về và tỉnh thức những những nét đẹp thiện lành vốn có.

 Sách Phía tây có đàn hươu cao cổ. Ảnh: TMC.

Sách Phía tây có đàn hươu cao cổ. Ảnh: TMC.

Phía Tây có đàn hươu cao cổ bắt đầu bằng khung cảnh tan hoang của bến cảng New York sau cơn bão lịch sử, giữa cái phông nền tăm tối của thời kỳ Đại Suy thoái dẫn tới cảnh đói kém của không ít con người. Có thể nói, cuốn sách khởi nguồn với nhiều cái chết: những cái chết hiển hiện bởi thiên tai và những cái chết ẩn khuất chỉ chờ chực vồ lấy những kẻ thiếu ăn, thiếu mặc.

Trong hoàn cảnh đó, sự xuất hiện của hai con hươu cao cổ tựa một phước lành kỳ diệu. Nó tác động sâu sắc vào tâm trí của những kẻ chứng kiến, nó hồi sinh những linh hồn vốn đã bị vùi chôn trong tuyệt vọng. Quan trọng hơn cả, nó có khả năng gieo mầm một mục đích sống, ban phát một ý nghĩa tồn tại, mà đối với riêng Woodrow Wilson Nickel, đó chính là phải đeo đuổi hai sinh vật đẹp đẽ đó tới tận cùng.

Xuất phát từ cái chết, tiếp lực từ sự sống, cuộc phiêu lưu có một không hai cứ vậy đột ngột bắt đầu. Xuất phát từ New York, băng qua New Jersey, Delaware, Maryland, Washington D.C, Tennessee, Arkansas, Oklahoma, Texas, New Mexico, Arizona rồi tới California, cuộc phiêu lưu đã đưa nhân vật đi dọc đất nước Mỹ, liên tục tiếp nối từ những không gian này tới những không gian khác. Xuyên suốt cuộc hành trình, cặp hươu cao cổ - một biểu tượng tráng lệ của thiên nhiên hoang dã, luôn được đặt ở vị trí trung tâm.

Trước hết, nó là động cơ quan trọng nhất để bắt đầu cuộc hành trình, đồng thời, nó cũng là mục đích cuối cùng mà cuộc hành trình hướng tới. Mặt khác, cũng chính nhờ cuộc hành trình, với sự cơi nới về chiều kích không gian, về sự mở rộng về phạm vi thực tại, hàng loạt biến cố mới bắt đầu có cơ hội xuất hiện. Biến cố đặt nhân vật vào vô vàn thách thức, buộc nhân vật phải lựa chọn hành động, từ đó tạo xung lực để cốt truyện tiếp tục phát triển, để nhân vật có thêm những biến chuyển về chất, để vượt thoát khỏi cõi vô tri và tỉnh thức trở thành những con người thông tuệ.

Con người thông tuệ

Vốn dĩ, con người không phải là loài thông tuệ, không thông tuệ như cái cách mà con người tự đánh giá mình. Nếu thiên nhiên “vốn đã toàn vẹn, sống bằng tiếng nói mà ta không nghe thấy, hiểu biết vượt xa tầm hiểu biết hạn hẹp của con người”, đạt tới trạng thái hoàn thiện mà con người luôn ao ước, thì con người lại không may mắn như vậy.

Về bản chất, con người vốn là một thành tố của tự nhiên, vốn thuộc về tự nhiên và tự nhiên cũng luôn tồn tại bên trong con người. Tuy nhiên, điều đáng buồn là nhiều kẻ lại không ý thức được điều đó, chúng chấp nhận để cái xấu lấn lướt và không ngừng thèm khát được thiên nhiên quy phục, như gã mèo béo trọc phú với những toa tàu kèn trống lố lăng nhồi đầy động vật, hay tên biến thái sa mạc tàn sát thú vật chỉ đơn thuần phục vụ cho mục đích giải trí.

Bởi vậy, nếu so với loài sư tử - sinh vật tồn tại bằng máu và sinh mạng của những cá thể yếu ớt hơn, con người cũng không khác mấy - mà chính điều này đã khiến cho loài người trở nên kém hoàn thiện. Dẫu vậy, “sư tử thì không có lựa chọn nào khác ngoài việc làm sư tử. Con người thì có”.

Một điều khiến con người khác với loài hoang dã trong tự nhiên là con người có khả năng thay đổi và thực sự có thể thay đổi. Theo đó, một trong những nguyên nhân khiến con người có thể thay đổi - đó chính là sự khoan dung tới từ thiên nhiên.

Trong Phía Tây có đàn hươu cao cổ, điều bất ngờ là những người thiếu thốn nhất lại là những người dễ có khả năng thay đổi nhất. Woody, chàng trai mồ côi mười bảy tuổi, vốn từng chịu kiếp lang bạt, bất định, từng đánh đổi lòng kiêu hãnh và sự thật chỉ để đổi lấy một đồng bạc hai mươi đô, vì tự nhiên mà đã trở thành một người đàn ông trưởng thành biết suy nghĩ, tìm thấy nơi mà mình thực sự thuộc về, nguyện gắn bó cả đời cùng bầy hươu cao cổ.

Tóc Đỏ - cô gái quê sa cơ buộc phải kết hôn cùng một “người đàn ông tốt” song cô không thể đem lòng yêu thương, vì tự nhiên đã chấp nhận đạp đổ khỏi những rào khuôn từ định kiến xã hội, rong ruổi xuyên Mỹ trên chiếc xe Packard màu xanh, thực hiện bằng được mong muốn trở thành ký giả nổi tiếng với tên tuổi được ghi danh trên tạp chí Life danh giá. Và Ông Già, người với quá khứ là một khoảng mở không ai biết, cũng chẳng phải tự nhiên, mà đã trở thành một người hết mực bao dung và thông tuệ như bây giờ đó hay sao?

Bởi vậy, không đơn thuần chỉ là câu chuyện về thiên nhiên, về chuyến hành trình có một không hai đầy rẫy biến cố và thách thức nghẹt thở, Phía Tây có đàn hươu cao cổ còn là câu chuyện về tình người, về lòng nhân ái. Tình người, lòng nhân ái, lòng bao dung đối với đồng loại, có chăng, cũng chính được khởi phát từ thiên nhiên, là một bản chất thiện lành mà tự nhiên vốn dĩ đã gieo mầm bên trong mỗi con người.

Thiên tiểu thuyết đặt bối cảnh ở thời kỳ Đại Suy thoái, thời kỳ mà đói ăn là trạng thái tồn tại cơ bản của con người, nơi người ta có thể đánh đổi bất kỳ điều gì vì miếng ăn, trong giai đoạn mà những bất bình đẳng về chủng tộc, giới tính vẫn còn là những vấn đề tưởng chừng không thể dung hòa được của xã hội, một cậu thiếu niên sắp chết đói vẫn sẵn sàng trao đi đồng bạc nặng ngang một gia tài cho cô gái đồng hành cùng cậu trên những dặm đường, người đàn ông “không bao giờ chấp nhận những kẻ dối trá” vẫn sẵn sàng thứ tha cho những quyết định lầm lạc và bội phản, những người da màu tốt lành vẫn thết đãi những người da trắng lạ mặt một bữa ăn tử tế và giúp họ vượt qua khỏi cảnh khốn cùng mà không lấy một đồng công và ngược lại, những người da trắng vẫn quyết định che giấu thân phận cho một người da màu lạc lối trong đêm tối, bất chấp việc họ có thể bị trừng phạt.

Đẹp đẽ, cảm động và đầy triết lý, có thể thấy Phía Tây có đàn hươu cao cổ mang dáng dấp của một bản tụng ca thiên nhiên, tụng ca con người. Cuốn sách đưa độc giả “băng qua những ngọn núi hiểm trở mà kỳ vĩ, những sa mạc mênh mông đầy gió cát”, nó đặt con người trong những trạng huống phức tạp buộc họ phải suy nghĩ và thay đổi, nó soi chiếu con người ở cả hai mặt tốt xấu, ở cả khía cạnh vô tri lẫn thông tuệ, máu lạnh và nhân ái. Nó cho ta thấy con người có thể nhỏ bé như thế nào, mà tấm lòng khoan dung của thiên nhiên có thể rộng lớn tới ra sao.

Gấp lại cuốn sách, mình vẫn luôn nghĩ mãi tới cái kết của câu chuyện, khi mà Woody ngày nào, giờ đã kinh qua bao nỗi kinh hoàng được gieo rắc bởi cuộc thế chiến thứ hai, vẫn nguyện trở về thăm lại hai con hươu cao cổ, âm thầm lặng ngắm những tạo vật kỳ diệu ấy tới tận những năm tháng cuối cuộc đời mình. Quả thực, thiên nhiên sẽ luôn là nơi con người tìm tới để xoa dịu những đau đớn và thương tổn, bất chấp đó cũng là thương tổn do chính con người trực tiếp gây nên. Mỗi khi nghĩ về điều này, mình lại khóc.

Trần Mạnh Cường

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/thien-nhien-va-con-nguoi-trong-phia-tay-co-dan-huou-cao-co-post1436640.html