Thiên tai bất thường uy hiếp người dân

Từ đầu tháng 8 đến nay, đồng bằng sông Cửu Long liên tiếp hứng chịu nhiều trận thiên tai bất thường với cường độ lớn hơn nhiều lần những năm trước. 'Đảo ngọc' Phú Quốc đã phải hứng chịu đợt mưa lớn và kéo dài nhất trong lịch sử 100 năm qua, gây ngập sâu. Tại Cà Mau, sóng 'công phá' liên tiếp làm sạt lở đê biển, uy hiếp cuộc sống của hàng trăm hộ dân… Còn người dân các tỉnh Tây Nguyên đang phải gồng mình khắc phục hậu quả sau mưa lũ kinh hoàng.

Khắc phục sạt lở đê biển Tây (Cà Mau).

Khắc phục sạt lở đê biển Tây (Cà Mau).

Ngập lụt chưa từng thấy

Liên tiếp những ngày qua, Kiên Giang phải hứng chịu những trận mưa lớn bất thường và người dân đảo ngọc Phú Quốc bàng hoàng chứng kiến trận ngập lớn chưa từng thấy. Hàng nghìn ngôi nhà bị ngập chìm trong nước, có đoạn nước dâng tận nóc nhà. Gần 2.000 người dân được sơ tán đến nơi tránh trú. Nước ngập cao, chảy xiết gây sạt lở, chia cắt một số tuyến đường khiến việc đi lại, buôn bán của người dân gặp vô vàn khó khăn. Sân bay Phú Quốc buộc phải đóng cửa vì ngập nước, ngưng hoàn toàn các chuyến bay cả trong nước và quốc tế…Tổng thiệt hại ước tính hơn 107 tỷ đồng.

Ông Lê Đình Quyết - Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn khu vực Nam Bộ, cho biết lượng mưa trong đợt lũ vừa qua cao nhất lịch sử đảo ngọc. Lượng mưa trung bình nhiều năm tại Phú Quốc là 2.776 mm. Trong đó, lượng mưa trung bình tháng 8 hàng năm là 458 mm. Riêng lượng mưa từ ngày 1/8 đến 13h ngày 9/8/2019 đã lên tới 1.120 mm, xấp xỉ 40% tổng lượng cả năm, cao gấp 2,44 lần trung bình tháng 8.

“Lượng mưa trung bình của ngày 8/8 là 254 mm, gấp 10 lần bình thường. Ngày 9/8, mưa tiếp tục kéo dài ở đảo nên lượng mưa tăng lên gấp 15 lần bình thường và điều này chưa từng có trong vòng 100 năm ở Phú Quốc…” - ông Lê Quốc Anh - Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang, cho biết thêm.

Mưa lũ bất thường khiến cuộc sống của hàng trăm hộ dân trong vùng lũ bị chia cắt, sinh hoạt bị đảo lộn hoàn toàn. Chỉ ảnh hưởng bởi áp thấp nhiệt đới mà mưa như trút nước gây ngập lụt cả đảo là điều cư dân trên đảo chưa từng thấy bao giờ. Đặc biệt tình trạng ngập ở đây chủ yếu tập trung tại thị trấn Dương Đông - nơi phát triển đô thị nóng nhất tại Phú Quốc trong thời gian vừa qua đã khiến mọi người cùng chung những câu hỏi: Liệu có phải do rừng bị chặt phá; tình trạng lấn sông suối, gây tắc nghẽn dòng chảy và do phát triển quá nóng về cơ sở hạ tầng trên đảo đã góp phần gây ra tình trạng ngập lụt kinh hoàng này?

Nhiều tuyến đê xung yếu bị uy hiếp

Tuyến đê biển Tây ở tỉnh Cà Mau có chiều dài 108km, đi qua 3 huyện U Minh, Trần Văn Thời và Phú Tân và đi qua 10 xã và 2 thị trấn, có nhiệm vụ phòng chống, giảm nhẹ thiên tai, ngăn triều cường, nước biển dâng và gió bão cấp 9; bảo vệ hơn 26.000 hộ dân sinh sống ven biển, gần 129.000 ha đất sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; cấp nước mặn và tiêu thoát nước thải phục vụ nuôi trồng thủy sản; ngăn mặn, giữ ngọt, tiêu úng, xổ phèn phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Những đợt sóng dữ dội tấn công đê biển.

Thế nhưng vừa qua, tuyến đê biển Tây thuộc xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời đã bị sạt lở với chiều dài tuyến đê hơn 350 m. Nước dâng cao kỷ lục, nước mặn đã tràn qua mặt đê vào vùng ngọt hóa, ảnh hưởng trực tiếp hàng trăm hộ dân sinh sống khu vực này.

Phó Giám đốc Sở NNPTNT Cà Mau Tô Quốc Nam cho biết, từ trước tới nay, tại địa phương chưa từng ghi nhận đợt thủy triều nào dâng cao, kèm theo sóng lớn như vậy.

Ông Trần Văn Kim ngụ ở ấp Kinh Mới, xã Khánh Hải cho biết: Đoạn đê phòng hộ trước nhà mới được gia cố, cao chừng 3 mét nhưng thủy triều và các đợt sóng cứ như muốn làm sập tất cả. Nhìn thấy từng đợt sóng lớn đánh liên tiếp vào đê, có lúc phủ cả lên mặt đê mà xót ruột. Triều cường dâng cao chưa từng thấy, ai cũng thấp thỏm nỗi lo vỡ đê.

Ông Tô Quốc Nam cho biết, đoạn đê xung yếu đã xử lý xong. Ngành chức năng địa phương sẽ tiếp xử lý và hộ đê đối với những đoạn đê xung yếu còn lại. “Mặc dù đoạn đê trên đã được xử lý an toàn, nhưng chúng tôi vẫn duy trì lực lượng túc trực 24/24 để kịp thời xử lý khi diễn biến xấu có thể xảy ra. Địa phương đã ban bố bố tình huống khẩn cấp nhằm huy động mọi nguồn lực cho công tác bảo vệ đê biển Tây” – ông Nam nhấn mạnh.

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, những ngày qua thiên tai đã làm 1 người chết, 1 người bị thương. 91 căn nhà bị sập, 472 căn nhà tốc mái. Thủy triều dâng cao đã làm ngập hơn 1.800 căn nhà, 1 trường học và 2.540 m lộ giao thông... Ngoài ra, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh, mưa lớn kết hợp với nước biển dâng cao bất thường làm cho nước biển tràn qua toàn tuyến đê biển Tây từ 0,3m – 0,4m. Nghiêm trọng nhất là đoạn Ba Tỉnh – Kinh Mới với chiều dài 12,5 km. Đoạn sạt lở thuộc ấp Thời Hưng, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời với chiều dài hơn 500m, có nguy cơ vỡ đê.

Lực lượng chức năng huyện đảo Phú Quốc di dời dân khỏi vùng bị ngập nước.

Thiệt hại do mưa lũ gây ra rất lớn. UBND tỉnh Cà Mau đã có văn bản kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương khẩn cấp hỗ trợ hơn 73,8 tỷ đồng phục vụ công tác gia cố đê và di dời dân cư vùng nguy cơ sạt lở, ảnh hưởng triều cường, nước biển dâng. Trong đó, tỉnh cần hơn 23 tỷ đồng để khắc phục ngay 2.100 m đê sạt lở nghiêm trọng; trên 35 tỷ đồng để xử lý những đoạn sạt lở nguy hiểm ảnh hưởng đến đê biển Tây với chiều dài 5.447 m; 15 tỷ đồng để bơm đất, tạo bãi, phục hồi đai rừng phòng hộ đoạn từ Kinh Mới - Đá Bạc, Ngọn Tiểu Dừa với chiều dài 7.000 m.

Ghi nhận từ ngành chức năng của tỉnh Cà Mau, bờ biển Tây nhiều năm trở lại đây liên tục bị sạt lở, làm mất khoảng 20 – 25 m/năm, cá biệt có những nơi lên đến 50 m/năm. Thực trạng này không chỉ làm mất đất rừng phòng hộ ven biển mà còn làm nhiều hộ dân bị mất sinh kế, đời sống bị ảnh hưởng rất lớn.

Quốc Trung

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/moi-truong/thien-tai-bat-thuong-uy-hiep-nguoi-dan-tintuc444450