Thiên tai hay nhân tai?

Thảm họa thiên nhiên dồn dập khiến giới khoa học một lần nữa lại đặt ra câu hỏi về biến đổi khí hậu, về tác động của con người tới mức độ nghiêm trọng của thảm họa.

Chỉ trong tháng 9-2018, thế giới chứng kiến hàng loạt thảm họa gây ra bao nỗi đau. Từ trận động đất kèm theo sóng thần xảy ra ở thành phố Palu, Indonesia, cho tới các siêu bão như Florence và Mangkhut gây thiệt hại lớn cho những nước bị ảnh hưởng. Thảm họa thiên nhiên dồn dập khiến giới khoa học một lần nữa lại đặt ra câu hỏi về biến đổi khí hậu, về tác động của con người tới mức độ nghiêm trọng của thảm họa.

Thiên nhiên ngày càng cực đoan, khó lường

Trận động đất 7,5 độ Richter gây sóng thần xảy ra vào ngày 28/9/2018 đã khiến giới khoa học phải ngạc nhiên. Khi động đất xảy ra, tâm chấn nằm ở dọc bờ biển đảo Sulawesi, cách thành phố Palu 80km về phía Bắc. Chỉ trong chừng 30 phút, những cơn sóng cao tới hơn 5 mét đã ập vào Palu, phá hủy nhà cửa, đập tan xe cộ, giết chết ít nhất gần 2.000 người.

Các nhà khoa học cho rằng một trận động đất cường độ như vậy trước đây không tạo ra sóng thần hủy diệt như ở Indonesia vừa rồi. Ông Jason Patton, một nhà địa vật lý thuộc công ty tư vấn về động đất Temblor và là giảng viên tại Trường Đại học Humboldt ở California, nói: "Chúng tôi đã nghĩ là trận động đất đó có thể gây sóng thần, nhưng không phải cơn sóng thần lớn như vậy. Khi những sự kiện như vậy xảy ra, chúng ta có thể tìm hiểu nhiều hơn về những thứ chúng ta chưa từng quan sát thấy trước đây".

Thành phố Palu ở Indonesia ngổn ngang sau trận động đất, sóng thần ngày 28-9-2018.

Trước đó không lâu, hai trong số những cơn bão nhiệt đới nguy hiểm nhất năm 2018 đã để lại những hậu quả nặng nề.

Bão Florence đổ bộ gần bãi biển Wrightsville, Bắc Carolina ngày 14/9, được xếp vào bão cấp độ 1 với sức gió 150km/h. Cơn bão làm ít nhất 37 người chết, lượng mưa 913mm gây mưa như trút và lụt lội kéo dài cho bờ biển Đông Nam nước Mỹ, khiến nó trở thành cơn bão gây lụt lội nghiêm trọng nhất từng xảy ra ở Bắc Carolina và thứ 8 ở Mỹ, ước tính thiệt hại từ 17 đến 22 tỷ USD. Năm trước đó, cơn bão Harvey, gây thiệt hại 125 tỷ USD với 88 người chết, đã trút một lượng mưa bất thường 1.539mm từ ngày 25/8 tới 1/9. Đây là lượng mưa lớn nhất từng được ghi nhận trong một cơn bão nhiệt đới ở Mỹ.

Trước đó, bão Katrina tàn phá New Orleans năm 2005 gây thiệt hại 160 tỷ USD theo thời giá hiện nay và cướp sinh mạng của 1.833 người. Còn bão Maria ảnh hưởng tới Puerto Rico năm 2017 gây thiệt hại 90 tỷ USD và 2.975 người thiệt mạng.

Trong khi đó, cơn bão Mangkhut ở phía Tây Bắc Thái Bình Dương diễn ra cùng thời điểm Florence được đánh giá là siêu bão nhiệt đới mạnh nhất năm 2018. Siêu bão đã ập vào miền nam Philippines với gió cấp độ 5, vùi dập tơi bời khu vực này trước khi hướng tới Trung Quốc. Xét về sức mạnh, siêu bão Mangkhut tương đương bão cấp độ 5, sức gió 210km/h, có lúc đạt tới 285km/h, gây hủy diệt mạnh. Bão Mangkhut là cơn bão mạnh nhất ập vào Philippines kể từ năm 2013.

Hàng năm, những cơn bão vùi dập các nước nghèo tại Châu Á - Thái Bình Dương nhiều hơn và mạnh hơn so với Mỹ. Ví như bão Bhola năm 1970, giết chết 300.000 đến 500.000 người Bangladesh. Bão Haiyan hủy diệt Philippines tháng 11/2013 khiến hơn 7.000 người thiệt mạng, 1.062 người mất tích.

Cùng với mùa bão kỷ lục trên Đại Tây Dương năm 2017, những thảm họa diễn ra năm 2018 khiến người ta đặt ra câu hỏi về những thay đổi nào sẽ diễn ra trong cuối thế kỷ 21 trong hoạt động của bão nhiệt đới, nhất là trong bối cảnh tình trạng ấm lên toàn cầu diễn ra ngày càng rõ? Một câu hỏi nữa cũng được đưa ra là liệu hoạt động của con người có gây ra sự gia tăng hoạt động của bão trên Đại Tây Dương nói riêng hay hoạt động của bão nhiệt đới trên toàn cầu nói chung?

Con người và mối quan hệ với biến đổi khí hậu

Theo Báo cáo Đặc biệt về khoa học khí hậu năm 2017, tần suất và mức độ của các cơn bão cực đoan gây lụt lội sẽ gia tăng do mực nước biển tăng. Các mô hình dự báo tỷ lệ lượng mưa do bão có thể sẽ tăng 10-15% tới cuối thế kỷ 21. Cường độ bão trung bình có thể sẽ tăng 45%.

Khí thải gây hiệu ứng nhà kính tác động mạnh tới khí hậu Trái đất.

Ngoài ra, báo cáo còn nhận định tần suất các cơn bão cực đoan nhất có thể gia tăng. Thay đổi trong đặc điểm bão có thể làm gia tăng rủi ro lụt lội không chỉ do ảnh hưởng của mực nước biển tăng.

Ông Tom Knutson, Chủ tịch nhóm công tác về biến đổi khí hậu và bão nhiệt đới thuộc Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) trong báo cáo tổng kết về hai vấn đề trên đã nhấn mạnh: "Ủy ban liên chính phủ về Báo cáo đánh giá lần thứ 5 về biến đổi khí hậu đã trình bày một bằng chứng khoa học mạnh mẽ rằng phần lớn tình trạng ấm lên toàn cầu trong nửa thế kỷ qua rất có thể là do khí thải gây hiệu ứng nhà kính mà con người tạo ra".

Khi đặt ra câu hỏi điều này có ý nghĩa thế nào với hoạt động của bão, ông Tom Knutson đã đưa ra một loạt dự báo về sự liên quan của con người với biến đổi khí hậu và hoạt động của bão lũ.

Thứ nhất, mực nước biển tăng. Ông Knutson cho rằng tình trạng này có sự góp phần lớn của con người. Mực nước biển tăng có thể khiến bão nhiệt đới gây ra các đợt sóng trào cao hơn.

Thứ hai, tỷ lệ lượng mưa do bão nhiệt đới sẽ tăng trong tương lai vì tình trạng ấm lên do con người gây ra và độ ẩm không khí tăng. Các mô hình dự báo tỷ lệ lượng mưa tăng 10 -15% trong vòng bán kính 100km của cơn bão nếu nhiệt độ Trái đất tăng 2 độ C.

Thứ ba, cường độ bão nhiệt đới trên toàn cầu sẽ tăng (từ 1 đến 10% tùy theo mô hình dự báo) với kịch bản nhiệt độ Trái đất tăng 2 độ C. Thay đổi này sẽ cho thấy tiềm năng hủy diệt của mỗi cơn bão sẽ gia tăng và quy mô bão sẽ không giảm. Hiện tương quan giữa quy mô bão và tình trạng ấm lên do con người gây ra còn chưa chắc chắn.

Thứ tư, tỷ lệ bão nhiệt đới toàn cầu đạt cấp độ rất mạnh (cấp 4 và 5) có thể sẽ tăng trong thế kỷ tới vì tình trạng ấm dần do con người gây ra.

Thứ 5, con người ít biết về sự thay đổi hoạt động của bão. Ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, có bằng chứng xuất hiện cho thấy các cơn bão nhiệt đới cường độ mạnh đang có xu hướng dịch chuyển về phía cực Trái đất và có thể cũng liên quan tới tình trạng ấm dần lên do con người gây ra. Tuy vậy, ở Đại Tây Dương, còn quá sớm để kết luận rằng hoạt động của con người, đặc biệt là khí thải gây hiệu ứng nhà kính khiến Trái đất ấm dần, đã gây ảnh hưởng lên hoạt động của bão. Thực ra, hoạt động của con người đã gây thay đổi đối với hoạt động của bão nhiệt đới ở đây nhưng chưa tới mức nhận ra được hoặc do hạn chế của quá trình quan sát.

Gấp rút hành động

Theo ông Andrew Sheng, thành viên Viện Toàn cầu châu Á, từ bão, lở đất cho tới lụt lội, rõ ràng là hành động của con người đang ảnh hưởng tới môi trường.

Cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump hoài nghi về biến đổi khí hậu, nhưng Báo cáo Khoa học Khí hậu của Chương trình Nghiên cứu sự thay đổi toàn cầu của Mỹ xuất bản năm 2017 kết luận rằng: "Rất có thể rằng các hoạt động của con người, đặc biệt là khí thải gây hiệu ứng nhà kính, là nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng ấm lên trên Trái đất từ giữa thế kỷ 20".

Nồng độ CO2 đã vượt ngưỡng 400 PPM - đây là nồng độ CO2 xuất hiện lần cuối cách đây 3 triệu năm, khi đó cả nhiệt độ trung bình và mực nước biển đều cao hơn đáng kể. Khoảng 1/3 lượng khí thải carbon là do hoạt động làm mát và sưởi ấm của con người gây ra. 1/3 là do giao thông và 1/3 là do sản xuất công nghiệp.

Khi con người liên tục xả CO2 vào không khí, cộng với hoạt động tàn phá rừng và hệ sinh thái, khí hậu sẽ bị biến đổi, Trái đất ấm dần lên, kéo theo các hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan.

Theo tờ Economist, ảnh hưởng của những cơn bão mạnh vừa qua như Florence và Mangkhut đều liên quan tới lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính gia tăng. Vì lý do đó mà những cơn bão trong tương lai có thể sẽ nghiêm trọng hơn những cơn bão trước đó.

Mối liên hệ với biến đổi khí hậu xuất phát từ lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính tích tụ dần trong không khí và bởi tình trạng phá rừng. Hai điều này tạo ra sự mất cân bằng trong nguồn năng lượng vào và ra khỏi hành tinh, khiến nhiệt độ tăng cao. Khoảng 90% năng lượng bổ sung đó tích tụ ở các đại dương.

Theo ông Kevin Trenberth thuộc Trung tâm Nghiên cứu Khí quyển quốc gia Mỹ, bão Florence hay Mangkhut đều lấy năng lượng từ nguồn nhiệt tích tụ ở đại dương. Đại dương càng ấm thì bão càng mạnh và càng kéo dài.

Nghiên cứu gần đây đã khám phá chi tiết những ảnh hưởng này bằng cách sử dụng các sự kiện thực. Ông Trenberth đã chỉ ra rằng nhiệt độ ở sâu dưới đại dương trước cơn bão Harvey ở Mỹ đã đạt đỉnh ở mức toàn cầu và ở Vịnh Mexico. Dữ liệu ghi lại ngay sau cơn bão cho thấy nhiệt độ giảm ở Vịnh Mexico tương ứng với lượng mưa mà cơn bão này trút xuống. Do đó, ông Trenberth và đồng nghiệp kết luận bão Harvey lẽ ra không gây mưa nhiều như thế nếu không xảy ra tình trạng biến đổi khí hậu do con người tạo nên.

Ông Kerry Emanuel thuộc Viện Công nghệ Massachusetts ước tính khí thải gây hiệu ứng nhà kính của con người đã khiến nguy cơ xảy ra một cơn bão như Harvey năm 2017 cao hơn gấp 6 lần. Tới năm 2100, nguy cơ này sẽ cao gấp 18 lần so với cuối thế kỷ 20.

Trước những bằng chứng khoa học khó phủ nhận, các quốc gia cần phải gấp rút hành động trước khi quá muộn để cứu Trái đất và con người khỏi những thảm họa ngày càng khắc nghiệt, khó lường.

Nhật Minh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/binh-luan-quoc-te/antgdb-26_-thien-tai-hay-nhan-tai-517313/