Thiên tai năm nay xảy ra phức tạp hơn mọi năm

Năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc mưa đá xảy ra hơn mức bình thường vào nửa đầu năm. Còn nửa cuối năm, mưa, bão, lũ, ngập lụt cũng xuất hiện nhiều hơn và tác động nhanh hơn đến nước ta.

Thông tin trên được đưa ra tại Hội nghị toàn quốc về công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn năm 2024 được tổ chức sáng 10/5 do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì. Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố.

Tại hội nghị, ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn – Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, trong 4 tháng đầu năm, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như rét đậm, rét hại tại khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ; hạn hán, xâm nhập mặn tại đồng bằng sông Cửu Long; hạn hán khu vực Tây Nguyên.

Cùng đó, mưa đá, dông lốc liên tiếp xảy ra tại 19 tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ; nắng nóng vượt lịch sử tại 110/186 trạm quan trắc trên cả nước...

Đáng chú ý, nhiệt độ trung bình 4 tháng đầu năm nay tại các khu vực trên cả nước đều cao hơn so với trung bình nhiều năm từ 0,5 - 1,5 độ C. Riêng trong tháng 4 tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhiệt độ cao hơn từ 3,1 - 3,6 độ C.

Hội nghị do Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì.

Cùng đó, 110/186 trạm quan trắc trên cả nước đã ghi nhận giá trị nhiệt độ cao nhất ngày vượt giá trị lịch sử, đặc biệt tại Đông Hà (Quảng Trị) nhiệt độ ngày 28/4 đo được là 44 độ C. Đây là giá trị cao nhất từ năm 1976 đến nay tại Quảng Trị.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn cho rằng, hiện tượng El Nino đang suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính. Dự báo có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong các tháng cuối năm 2024.

“Biến đổi khí hậu tiếp tục tác động làm gia tăng tính cực đoan nên năm 2024 dự báo sẽ có diễn biến thiên tai phức tạp gồm cả nắng nóng, hạn mặn, dông lốc mưa đá hơn mức bình thường vào nửa đầu năm và mưa, bão, lũ, ngập lụt xuất hiện nhiều, tập trung vào nửa cuối năm. Đây là kịch bản tác động giống với hình thái diễn biến ENSO (dao động Nam) năm 2020”, ông Cường nói.

Theo nhận định của Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn, từ ngày 12-31/5 có khả năng xuất hiện 2 đợt nắng nóng và nắng nóng gay gắt trên diện rộng tập trung vào khoảng nửa cuối của tháng 5.

Ông Hoàng Đức Cường - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng thủy văn báo cáo tại hội nghị.

Từ tháng 6, nắng nóng gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, khu vực Bắc Trung Bộ và Trung Trung Bộ. Hiện tượng nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm trong tháng 7 - 8, đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Nắng nóng có xu hướng giảm dần từ nửa cuối tháng 8 ở Bắc Bộ và từ tháng 9 ở khu vực Trung Bộ.

Khu vực Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ từ 5-8/2024, tập trung tại các tỉnh từ Quảng Trị đến Bình Thuận..

Cùng đó, dự báo có khoảng 11-13 cơn trên Biển Đông và 5-7 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Hoạt động của bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng sẽ tập trung vào nửa cuối mùa bão (từ tháng 9-11).

“Trong nửa đầu mùa mưa bão, thiên tai sẽ tập trung ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Nguyên và với kịch bản La Nina xuất hiện. Bão sẽ tập trung nhiều vào giai đoạn cuối năm, nhiều bão hình thành trên Biển Đông và tác động nhanh hơn đến đất liền vào nửa cuối của năm", ông Cường cho hay.

Theo Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai, năm 2023, trên cả nước đã xảy ra 5.331 sự cố, thiên tai làm 1.129 người chết, mất tích. Trong đó, thiên tai đã làm 169 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế hơn 9.300 tỷ đồng.

Trong 4 tháng đầu năm, thiên tai đã làm 14 người chết, mất tích, thiệt hại vật chất ước tính khoảng 400 tỷ đồng.

Dương Hưng

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/thien-tai-nam-nay-xay-ra-phuc-tap-hon-moi-nam-post1635956.tpo