Thiên tài

Chàng họa sĩ Yegor Savvitch ngồi trên giường trong cái không khí ảm đạm buổi sáng, đầy vẻ chán nản. Bên ngoài, không gian như đã chuyển sang thu.

Những đám mây sũng nước giăng kín bầu trời. Vài cơn gió lạnh bẻ rạp đám cây sang một bên. Mấy chiếc lá vàng đang xoay tròn trong gió. Tạm biệt mùa hè! Bức tranh thiên nhiên u sầu tuyệt đẹp và thơ mộng theo cách riêng của nó, đặc biệt là theo cách nhìn của người nghệ sĩ. Yegor thì khác, anh chẳng mấy vui gì trước cái vẻ đẹp buồn bã đó. Chàng nghệ sĩ của chúng ta đang chìm đắm trong nỗi buồn. Niềm an ủi duy nhất của anh là ý nghĩ ngày mai anh sẽ rời khỏi nơi này. Chất đống trên giường, trên ghế, trên bàn và cả sàn nhà là những gối, những đệm, đồ trải giường, và các loại hộp nhàu nát. Yegor cũng chẳng buồn quét nhà; rèm cửa chẳng buồn hạ xuống, bởi chỉ hôm sau thôi là anh sẽ chuyển vào thị trấn.

Thực ra, Yegor đang trong kỳ nghỉ hè ở nhà một góa phụ. Bà góa phụ chủ nhà đang đi tìm thuê xe ngựa để ngày mai Yegor di chuyển vào thị trấn. Tranh thủ lúc vắng mặt của người mẹ khó tính, Katya, cô con gái bà góa phụ đang ở độ tuổi hai mươi, tới ngồi một lúc lâu trong phòng chàng họa sĩ trẻ. Chỉ ngày mai thôi, Yegor sẽ rời xa, mà cô thì có nhiều điều muốn nói. Cô ngồi đó, lan man hết chuyện này qua chuyện khác, nhưng vẫn chẳng nói được lấy một phần mười những gì mình muốn nói. Nước mắt lưng tròng, cô chăm chú nhìn cái đầu bù xù của Yegor với tất cả nỗi niềm hạnh phúc pha lẫn u sầu. Còn Yegor thì trông xù xì chẳng khác nào một con thú hoang, tóc rủ ngang vai, râu mọc tua tủa từ tận cổ, từ mũi và cả hai tai. Đôi mắt mất hút dưới lớp lông mày rậm rịt, dày và bết lại đến độ nếu có con ruồi hay bọ cánh cứng nào đó sa vào, nó sẽ chẳng bao giờ tìm thấy đường ra khỏi cái mê hồn trận đó. Yegor vừa nghe Katya nói vừa ngáp dài, mệt mỏi. Khi Katya bắt đầu thút thít thì Yegor quay ra nhìn cô nghiêm nghị từ sau lớp lông mày rậm rịt, nhíu mày cất lên cái giọng trầm, nặng của mình:

“Anh không thể cưới em được”.

“Nhưng vì sao?”-Lời Katya như gió thoảng.

“Vì một họa sĩ và thực tế là bất cứ ai sống vì nghệ thuật đều không thể lập gia đình. Người nghệ sĩ phải được tự do, không bị trói buộc vào gia đình”.

“Nhưng em thì cản trở gì anh?”.

Minh họa: Mạnh Tiến.

“Anh không nói riêng anh, mà nói chung là như vậy… Các tác giả và họa sĩ nổi tiếng không ai lấy vợ cả”.

“Và anh cũng sẽ nổi tiếng, em biết rõ điều đó. Nhưng hãy đặt mình vào vị trí của em. Em sợ mẹ. Mẹ rất nghiêm khắc và dễ nổi giận. Nếu biết rằng anh sẽ không cưới em, và chẳng có gì hết… mẹ sẽ mắng em chết mất. Ôi, em mới bất hạnh làm sao! Mà anh cũng còn chưa trả tiền trọ nữa chứ!...”.

“Quỷ thật! Anh sẽ trả”.

Yegor chồm dậy, đi tới đi lui.

Lúc sau, Yegor bảo: “Anh cần phải ra nước ngoài!”.

Anh chàng họa sĩ bảo Katya rằng chẳng có gì dễ hơn xuất ngoại. Tất cả những gì cần làm là vẽ một bức tranh và bán lấy tiền để đi.

Katya tán thưởng: “Chắc chắn rồi! Vậy sao anh không vẽ luôn một bức trong mùa hè này đi?”.

Yegor càu nhàu: “Em nghĩ là anh có thể làm việc được trong cái nhà kho này sao? Còn nữa, anh lấy đâu ra mẫu để vẽ chứ?”.

Có tiếng đập cửa dữ dội ở tầng dưới. Katya chạy vội xuống nhà. Còn lại một mình, Yegor đi tới đi lui hồi lâu giữa đống đồ lộn xộn. Có tiếng bà góa phụ vứt đồ sành sứ xoang xoảng và lớn tiếng xỉ vả mấy người nông dân đã đòi bà những 2 rúp mỗi xe. Lợm giọng, Yegor dừng lại trước chiếc tủ, nhíu mày nhìn chằm chằm vào chai vodka.

Giọng người góa phụ nhiếc móc Katya vẫn vang lên từ tầng dưới: “Quỷ tha ma bắt cái thứ con gái như mày đi!”.

Yegor rót vội một ly vodka xuống họng. Mây đen dần tan trong tâm trí và Yegor thấy như bản ngã đang mỉm cười với chính mình. Yegor lại mơ tới khi mình trở nên nổi tiếng. Dẫu không mường tượng được ra những tác phẩm trong tương lai của mình sẽ như thế nào, nhưng Yegor lại hình dung rất rõ nét việc các tờ báo sẽ viết gì về mình, các cửa hàng sẽ bán chân dung của mình ra sao, và cả những ánh mắt ghen tị của bạn bè. Rồi anh chàng họa sĩ thấy mình đang đứng giữa một phòng tranh rộng lớn, bao quanh là những cô gái đẹp cuồng nhiệt. Nhưng hình ảnh đó chẳng mấy rõ nét bởi Yegor chưa bao giờ nhìn thấy hay bước chân vào một phòng tranh nào trong đời. Những cô gái đẹp đó cũng chẳng có gì nổi bật, bởi ngoại trừ Katya, Yegor cũng chưa từng biết tới người phụ nữ nào đáng yêu hơn. Những người chưa hiểu gì về cuộc sống thường hình dung cuộc sống từ trong sách vở. Yegor thì lại chẳng biết cuốn sách nào. Anh chàng từng cố gắng đọc Gogol, nhưng đã nhanh chóng “đi tìm những giấc mơ” ngay từ trang thứ hai.

Bà góa phụ đặt chiếc ấm xa-mô-va lên bếp, nói vọng ra: “Cái bếp chết tiệt! Không chịu bén gì cả. Katya đâu, mang thêm than tới đây!”.

Anh chàng họa sĩ đang mơ màng bỗng thấy khát khao được chia sẻ hy vọng và ước mơ của mình với một ai đó. Yegor đi xuống nhà bếp, nơi bà góa phụ to béo và Katya đang bận rộn với cái bếp cáu bẩn giữa đám khói đang phun ra từ chiếc ấm xa-mô-va.

Ngồi xuống băng ghế dài gần chiếc nồi lớn, Yegor bắt đầu nói: “Là một nghệ sĩ rất tuyệt! Tôi có thể đi tới bất cứ nơi nào, làm bất cứ những gì tôi muốn. Không phải ai cũng cần phải làm việc trong văn phòng hay ở ngoài đồng. Tôi chẳng có cấp trên cũng như văn phòng nào cả… Tôi mới chính là cấp trên của tôi. Và như thế, tôi đang cống hiến cho nhân loại!”.

Sau bữa tối, Yegor tự “sáng tác” cho mình một “giấc nghỉ”. Thực ra thì Yegor thường lăn ra ngủ từ lúc nhập nhoạng tối. Nhưng lần này thì sau bữa tối đã có mấy người tới chọc ghẹo, cười nói và gọi tên anh. Yegor mở mắt, nhận ra anh bạn Ukleikin, người họa sĩ phong cảnh đã dành cả mùa hè ở quận Kostroma.

Yegor phấn khởi: “Ái chà! Tôi đang thấy ai thế này?”.

Hai người bạn gặp nhau tay bắt, mặt mừng, hỏi han tíu tít.

“Xem anh mang về thứ gì nào? Tôi cá là phải có cả trăm bản phác thảo ấy chứ”, Yegor hỏi trong khi Ukleikin mở túi đựng hành lý.

“À… tớ có làm vài việc. Còn cậu thì sao? Cậu đã vẽ được gì rồi?”.

Yegor đỏ bừng mặt, cúi xuống cạnh giường rút ra một chiếc khung phủ đầy bụi và mạng nhện.

“Xem này… Một cô gái đứng bên cửa sổ sau khi chia tay chồng chưa cưới. Mất ba buổi ngồi vẽ đấy, nhưng vẫn chưa xong hẳn”.

Trong tranh là Katya ngồi mờ mờ bên khung cửa sổ. Bên ngoài là khu vườn có đám tử đinh hương phía xa. Ukleikin tỏ vẻ không thích thú với bức tranh cho lắm.

“Ừm!... Có chút không khí… và chút cảm xúc. Bức tranh cũng đem lại chút cảm giác về không gian, nhưng… nhưng cái bụi cây này thì chói… chói quá!”.

Chai vodka lập tức được đưa tới.

Tối muộn, Kostyliov tới nhập hội. Kostyliov, quãng 35 tuổi, cũng là một tay cọ mới vào nghề có triển vọng, chuyên vẽ tranh lịch sử. Anh chàng mới đến cũng để tóc dài, mặc chiếc áo cổ tròn kiểu Sếch-xpia. Nhìn thấy chai vodka, anh chàng nhăn mặt, phàn nàn về chứng tức ngực của mình nhưng trước lời mời nhiệt tình của hai người bạn, Kostyliov vẫn làm gọn một ly.

Khi đã ngà ngà say, Kostyliov nói: “Tôi vừa mới nghĩ tới một đề tài. Tôi muốn vẽ một thứ gì đó mới… về Hoàng đế Herod hay Clepentian, hay một gã đê tiện nào đó, hiểu không nhỉ? Để mà đối chiếu gã với Thiên Chúa giáo. Một mặt là Đế chế La Mã và mặt khác là Thiên Chúa giáo… Tôi muốn chuyển tải cái tinh thần đó, các anh hiểu không? Cái tinh thần!”.

Dưới tầng, tiếng quát tháo của bà góa phụ vọng lên: “Katya, mang dưa chuột ra đây! Sang nhà Sidorov xin ít nước cơ-vát về đây. Thật là tệ quá!”.

Trên tầng, ba vị nghệ sĩ như ba con sói bị nhốt, lồng lộn đi tới đi lui. Họ nói không ngừng, sôi nổi và chân thành, hào hứng và mê say. Nghe họ nói, người ta thấy họ như nắm cả tương lai, tiền bạc và đỉnh cao danh vọng trong tay vậy. Chẳng ai trong họ nhận ra rằng thời gian đang trôi qua một cách lãng phí, rằng cuộc sống của mỗi ngày đang sắp tàn và rằng họ đang sống nhờ rất nhiều vào sự chu cấp của người khác, họ chưa làm được bất cứ một điều gì cả. Họ không nhận ra rằng họ đang sống và buộc phải tuân theo một quy luật bất khả kháng là trong số hàng trăm người khởi nghiệp đầy hứa hẹn thì chỉ có hai hoặc ba người đạt tới đỉnh vinh quang. Những người còn lại sẽ phải lùi về phía sau, không một tiếng vang hay chỉ làm nền cho kẻ chiến thắng… Họ vẫn vui vẻ và hết sức vui vẻ, nhìn thẳng về phía tương lai!

Một giờ sáng, Kostyliov vuốt thẳng cổ áo, chào tạm biệt ra về. Ukleikin ngủ lại cùng Yegor. Trước khi đi nằm, Yegor xuống bếp tìm chút nước uống. Trong ánh nến mờ tối, Katya đang ngồi trên chiếc hòm gỗ, hai tay siết chặt đầu gối, mắt trân trân nhìn lên phía trên. Trên gương mặt đang tái đi vì mệt mỏi là nụ cười hạnh phúc và đôi mắt lấp lánh.

“Katya? Em đang nghĩ gì vậy?” Yegor hỏi.

Katya thì thầm: “Em đang nghĩ tới khi anh thành người nổi tiếng. Em không thể không tưởng tượng ra viễn cảnh anh sẽ trở thành người nổi tiếng… Em đã nghe lỏm được câu chuyện của các anh… Vậy là em cứ mơ màng và mơ màng…”.

Katya phá lên cười, rồi lại khóc, tôn kính đặt hai tay lên vai thần tượng của mình.

Truyện ngắn của Anton Chekhov (Nga) HOÀNG SƠN (dịch

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/thien-tai-599346