Thiên thạch chứa cyanide mang sự sống đến Trái đất

Cyanide có thể đóng vai trò quan trọng trong phát triển sự sống trên Trái đất. Các nhà khoa học cho rằng, những hợp chất hóa học này có thể đến Trái đất trên các thiên thạch.

Các mẫu thiên thạch rơi gần Murchison (Australia) năm 1969 chứa các cyanide trong cấu hình ổn định cùng với sắt và carbon monoxide.

Cũng các hợp chất này xuất hiện trong enzyme gọi là hydrogenas, có trong vi khuẩn và cổ khuẩn. Điều này cho thấy, sự sống trên Trái đất non trẻ có thể có nguồn gốc từ thiên thạch, hoặc Trái đất non trẻ tạo ra các cyanide.

Nhóm các nhà khoa học ở ĐH Boise State (Mỹ) bắt đầu tìm kiếm cyanide trong thiên thạch rơi xuống Trái đất năm 2011, sau khi phát hiện ra các nucleobase trong thiên thạch. Trông chúng như có nguồn gốc từ các cyanide nhưng các nhà khoa học chưa khẳng định. Đặc biệt là các cyanide hoạt động rất mạnh, vì thế chúng có thể tham gia vào nhiều phản ứng, thậm chí cả trên thiên thạch trước khi thiên thạch rơi xuống Trái đất.

Các nhà khoa học đã phân tích các mẫu thiên thạch được thu thập chủ yếu tại châu Nam cực. Năm mẫu trong số đó là thiên thạch carbonaceous chondrite chứa nucleobase và cả axit amin. Một trong mẫu đó là thiên thạch Murchison, rơi xuống Australia năm 1969.

“Dường như các cyanide có thể tồn tại hàng tỷ năm trong vũ trụ và rơi xuống Trái đất. Điều này là kết quả từ quan sát cấu hình ổn định cùng với sắt và carbon monoxide” – ông Michael Callahan, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết như vậy.

Thiên thạch có thể đóng vai trò quan trọng trong phát tán sự sống trong vũ trụ. Cho đến nay vẫn chưa có chứng cớ đủ mạnh để khẳng định giả thuyết này. Rất có thể chúng ta sẽ tìm thấy chứng cớ từ mẫu vật lấy ở tiểu hành tinh Bennu do tàu thăm dò OSIRIS-Rex của NASA mang về Trái đất vào năm 2023.

Theo Nauka

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/thien-thach-chua-cyanide-mang-su-song-den-trai-dat-4017901-b.html