Thiên thạch to như tòa nhà 100 tầng đang hướng đến Trái Đất

Nhưng bạn có thể yên tâm, bởi nó sẽ không rơi xuống hành tinh của chúng ta.

Trong vòng hơn 1 tuần nữa, một thiên thạch có kích thước lớn hơn tòa nhà Empire State ở New York sẽ tiến gần đến Trái Đất với vận tốc gần 17.000 km/h.

Thiên thạch 2006 QQ23 đang cách Trái Đất khoảng 7,3 triệu km, với vận tốc 16.740 km/h. Đây là khoảng cách nằm trong định nghĩa "thiên thạch đến gần Trái Đất" của NASA và cũng được xếp vào hạng "có nguy cơ".

Thiên thạch 2006 QQ23 sẽ đến gần Trái Đất vào ngày 10/8 với vận tốc 16.740 km/h, nhưng rất ít có khả năng va chạm với Trái Đất. Ảnh: Getty.

Thiên thạch 2006 QQ23 sẽ đến gần Trái Đất vào ngày 10/8 với vận tốc 16.740 km/h, nhưng rất ít có khả năng va chạm với Trái Đất. Ảnh: Getty.

Đường kính của thiên thạch 2006 QQ23 khoảng 570 m, lớn hơn cả tòa nhà Empire State với 102 tầng. Tuy vẫn được đưa vào diện "có nguy cơ", gần như không có khả năng thiên thạch này va chạm với Trái Đất.

Theo Space, NASA theo dõi rất nhiều thiên thạch, sao chổi đến gần Trái Đất để đảm bảo nhận biết được mọi nguy cơ có thể xảy ra. Nếu như có nguy cơ một thiên thạch hay sao chổi đi vào quỹ đạo Trái Đất, NASA sẽ phải tính đến phương án làm lệch quỹ đạo của chúng.

Kelly Fast, nhà nghiên cứu tại Phòng nghiên cứu phòng thủ của NASA cho biết đến nay đội ngũ của bà chưa thấy một thiên thạch nào có khả năng va chạm với Trái Đất. Tuy nhiên, vẫn có khả năng một sự cố như vậy xảy ra.

"Chính những thiên thạch mà chúng tôi chưa phát hiện ra mới đáng lo ngại", bà Fast nói với CNN.

Mỗi năm, có khoảng 6 thiên thạch với kích thước tương đương 2006 QQ23 sẽ đi tới "gần" Trái Đất như vậy. Theo nghiên cứu về thiên thạch gần Trái Đất của phòng nghiên cứu động cơ đẩy JPL, hiện có khoảng 900 thiên thạch với đường kính trên 1 km, tức là lớn hơn rất nhiều so với 2006 QQ23, đang di chuyển trong hệ Mặt Trời.

"Tàu đánh chặn" DART của NASA có thể làm thay đổi quỹ đạo của các thiên thạch có khả năng va chạm với Trái Đất. Ảnh: NASA.

Trong vài năm tới, NASA có thể giới thiệu một loại tàu đánh chặn có tên DART. Con tàu không gian này sẽ được phóng vào những vật thể có nguy cơ va chạm với Trái Đất nhằm thay đổi quỹ đạo của chúng.

DART là dự án đầu tiên áp dụng kỹ thuật tác động động học nhân tạo của NASA. Nếu thành công, dự án sẽ mở ra khả năng đánh chặn các thiên thạch có nguy cơ va chạm với địa cầu trong tương lai.

Đối tượng của dự án DART là tiểu hành tinh Didymos, gồm hai vật thể, dự kiến tiến sát Trái Đất vào năm 2022 và năm 2024. Đường kính của hai vật thể thuộc tiểu hành tinh Didymos lần lượt là 780 m (Didymos A) và 160 m (Didymos B).

"Kỹ thuật tác động động học sẽ thay đổi tốc độ của thiên thạch bằng một tác động nhỏ vào tốc độ vốn có của nó. Tác động vào thời điểm phù hợp trước khi xảy ra va chạm sẽ khiến thiên thạch di chuyển xa khỏi Trái Đất", NASA cho biết.

Hoạt động của các thiên thạch từ lâu đã là trọng tâm trong nghiên cứu của NASA. Các kính viễn vọng và các cơ quan do NASA tài trợ theo dõi các vật thể vũ trụ, tính toán quỹ đạo và xác định liệu chúng có phải là nguy cơ cho địa cầu hay không.

Các thiên thạch với kích thước nhỏ đâm vào Trái Đất mỗi ngày và bị đốt cháy khi bay qua thượng tầng khí quyển. Tuy nhiên, những vật thể có kích thước lớn không bị đốt cháy sẽ gây ra thảm họa khủng khiếp nếu va chạm với "hành tinh xanh". Theo tính toán, va chạm với vật thể có kích thước lớn hơn 1 km có khả năng gây ra tác động toàn cầu.

Bầu trời trên Hỏa tinh, Thủy tinh có màu gì? Sự tán sắc ánh sáng tạo nên các dải màu khác nhau trên bầu trời ở Trái Đất. Vậy bầu trời ở các hành tinh khác trong không gian có màu sắc thế nào?

Nhật Minh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/thien-thach-to-nhu-toa-nha-100-tang-dang-huong-den-trai-dat-post974247.html