Thiêng liêng cội nguồn Pắc Bó

'Hãy về thăm quê ta Pắc Bó/ Nơi Bác về nguồn nước mới sinh' - hai câu thơ của nhà thơ Tố Hữu năm nào, như lời mời gọi tha thiết khách bốn phương về thăm vùng đất nơi biên cương, đã đi vào trang sử hào hùng của dân tộc, đang ngày một đổi mới trong thời đại hôm nay. Ở đó, du khách tận mắt chứng kiến và ngẫm nghĩ về một Pắc Bó còn in bóng Cụ Hồ - vừa là 'Tiên', vừa là 'Bác' - vừa cao cả, thiêng liêng, nhưng cũng rất giản dị như một 'ông Ké' ngồi câu cá bên bờ suối thủa nào…

Suối Lê-nin. Ảnh: Mạnh Hưng

Suối Lê-nin. Ảnh: Mạnh Hưng

Hang Cốc Bó (thuộc khu di tích Pắc Bó, xã biên giới Trường Hà, huyện Hà Quảng, tỉnh Cao Bằng) là do Bác Hồ đặt tên - theo tiếng Tày, có nghĩa là "cửa nguồn". Người đặt tên cho hang đá lịch sử này như đã dự cảm được sức mạnh của rừng và nguồn nước. Mùa mưa, nguồn nước tuôn thành những dòng suối. Mùa khô, nước từ trong vách núi, âm thầm, bền bỉ, bất tận như sức sống tràn trong mạch cây, như sinh khí hòa trong trời đất. Có đặt chân lên mảnh đất nơi phên giậu Tổ quốc, mới thấy Pắc Bó đến với tâm hồn mỗi người dân đất Việt thật tự nhiên và thiêng liêng. Và tâm hồn của mỗi người đến với Pắc Bó cũng thật sáng trong, qua những bước chân nhẹ nhàng, kính cẩn.

Trong hành trình về nguồn những ngày cuối năm, tôi đã xuyên qua mây mờ từng đoạn đường quanh co sườn núi đến khu rừng lịch sử Trần Hưng Đạo, về hang Cốc Bó, qua suối Lê Nin, núi Các Mác, lán Khuổi Nậm. Lần đầu tiên có mặt ở nơi đầu nguồn cách mạng này, tôi chợt nhận ra, dù đã có dịp tới hay chưa từng gặp, thì Pắc Bó vẫn là những hình ảnh rất gần gũi, giản đơn nhưng rất thiêng liêng.

Có lẽ, từ thủa ấu thơ, qua trang sách học trò và những câu chuyện của người lớn, Pắc Bó trong trí tưởng tượng của tôi và thế hệ cùng trang lứa đã gần gũi, mà rất đỗi thiêng liêng. Đó là giọt nước ngọt lịm rơi trên phiến đá, là ngọn lửa ai thắp trong hang, là con nước sáng lung linh, là suối Lê Nin, tượng Các Mác do chính Bác tạc lên thạch nhũ...

Cho nên, với tôi, Pắc Bó không những chỉ gắn liền với máu thịt của lớp cha anh, không chỉ gắn liền với hơi thở non sông, mà còn là những gì thuộc về ký ức thời thơ trẻ. Sau này lớn lên, tôi đã hiểu thêm rằng, Cốc Bó tuy chỉ là một hang đá nhỏ giữa rừng sâu, nhưng chính là chiếc nôi, là máu thịt, là tinh lực của cả dân tộc, giống nòi. Và nếu Hà Nội là trái tim của Tổ quốc, thì vùng đất cách mạng Pắc Bó chính là nguồn sống của cách mạng Việt Nam.

Lịch sử còn ghi, sau 30 năm bôn ba tìm đường cứu nước ở chân trời, góc bể, kể từ năm 1911 - thời điểm người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời bến Nhà Rồng - đến ngày 28-1-1941, Bác mới được đặt chân lên mảnh đất địa đầu biên giới phía Bắc. Nơi đón Người trở về là mảnh đất bên cột mốc 108 (cũ) trên biên giới Việt Nam - Trung Quốc.

Ngay sau khi trở về đất Mẹ, Bác đã chọn hang Cốc Bó làm nơi ở và làm việc để lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Chính trong cái hang nhỏ giữa vùng biên ải lạnh lẽo, xa xôi, ngọn lửa yêu nước của Bác đã trở thành ngọn lửa thiêng thắp sáng vận nước. Và bắt đầu từ thời điểm này, Pắc Bó và Bác Hồ đã trở thành hai hình ảnh không thể rời nhau trong suy nghĩ của mỗi người dân Việt Nam. Cũng như tại ngôi nhà sàn của Bác ở Hà Nội, cho đến hôm nay và mãi sau này sẽ vĩnh viễn ghi dấu những kỷ niệm thiêng liêng, từ chiếc giường đá, mẩu củi khô cháy dở, khóm trúc vàng Bác trồng ngoài cửa hang, từ trang bản thảo Bác viết tay cho đến hàng chữ Bác khắc trên vách đá đánh dấu ngày trở về Tổ quốc.

Khách du lịch tham quan bàn đá - nơi Bác Hồ làm việc trong thời gian ở Pắc Bó. Ảnh: Mạnh Hưng

Thời gian ở Pắc Bó, có một điều tôi và các thành viên trong đoàn "phát hiện" ra là ba bụi trúc Bác trồng trước cửa hang để làm kỷ niệm theo đề nghị của đồng bào địa phương năm nào, giờ đây đã sinh sôi nảy nở thành một khu rừng nhỏ, lan ra cả bên bờ suối Lê Nin. Những bụi trúc giản dị, cũng như những đồ vật đơn sơ trong chiếc va li Bác mang về Pắc Bó, đã đem lại cho cách mạng Việt Nam, cho đồng bào cả nước một gia tài vô giá, một ngọn lửa thần kỳ soi sáng con đường đấu tranh giải phóng dân tộc...

Cũng ở Pắc Bó, niềm tin trong tôi như được nhân lên mãnh liệt khi tận mắt thấy núi Các Mác sừng sững như bức thành đồng sống mãi với thời gian, suối Lê Nin uốn lượn chảy quanh chân núi, dòng suối dưới chân lán Khuổi Nặm vẫn rì rào đêm ngày không bao giờ ngưng nghỉ. Trong trí tưởng tượng của tôi - người lần đầu tiên đặt chân lên vùng đất là cái nôi của cách mạng, vẫn còn đâu đây bóng hình "đồng chí già" trông chừng giấc ngủ cho anh bộ đội trẻ. Có lẽ, không chỉ có tôi mà với muôn triệu người con đất Việt trong và ngoài nước đều mến yêu hình ảnh đó cùng đôi dép cao su, cái quạt nan hay chiếc giường đá nơi hang sâu Cốc Bó - đều đã biến thành tâm niệm, cảm xúc và sức mạnh...

Pắc Bó sẽ giữ mãi muôn đời hơi thở ấm áp của Bác Hồ và chúng ta giữ mãi muôn đời hình ảnh vị cha già dân tộc bên bếp lửa hồng, với những đồng chí trung kiên đầu tiên của Đảng. Hình ảnh ấy đã ngấm vào máu thịt, nuôi chúng ta lớn khôn, dạy ta biết yêu, biết sống.

Mạnh Hưng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/thieng-lieng-coi-nguon-pac-bo/