Thiêng liêng mảnh đất Long Khốt!

Trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Long Khốt là điểm trọng yếu chiến lược, nằm án ngữ trên tuyến đường hành lang biên giới Việt Nam - Campuchia, rất thuận tiện cho ta trong việc chuẩn bị quân lực tấn công địch ở biên giới và thông qua tuyến hành lang này dễ dàng vận chuyển quân lực, nhu yếu phẩm về chiến trường Đồng Tháp Mười, Long An,...

Giai đoạn 1958-1975, chính quyền Sài Gòn đặt quân lỵ Tuyên Bình tại xã Thái Bình Trung và chi khu tại khu vực Long Khốt. Đây được xem là “pháo đài chống cộng vùng biên giới” của địch. Về phía ta, Sư đoàn 5 được Quân ủy, Bộ Chỉ huy Miền giao nhiệm vụ tiêu diệt chi khu Long Khốt, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào quần chúng nổi dậy để mở rộng vùng giải phóng. Trung đoàn 174 phối hợp các đơn vị cùng Sư đoàn 5 bắt đầu tấn công chi khu Long Khốt. Từ ngày 09 đến 16/6/1972, phía ta chiếm được trận địa nhưng cũng bị tổn thất lớn.

Bước sang đợt hoạt động mùa khô năm 1973-1974, Trung đoàn 174 một lần nữa được giao nhiệm vụ tiêu diệt chi khu Long Khốt và tiếp tục giải phóng các chốt điểm của địch như Thái Trị, Gò Da, Chùa Nổi, hoàn thành nhiệm vụ khai thông tuyến hành lang vào trung tâm Đồng Tháp Mười, cùng lực lượng địa phương Long An chiến đấu bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng cho đến ngày miền Nam hoàn toàn được giải phóng (30/4/1975).

Nhưng niềm vui độc lập chưa được bao lâu thì tập đoàn phản động Pôn Pốt của Campuchia đã gây ra cuộc chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Ta quyết chiến để bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ mà tiêu biểu là trận đánh 43 ngày đêm bảo vệ Đồn Long Khốt (từ ngày 14/01 đến 27/02/1978). Đây là trận chiến bảo vệ đồn rất anh dũng và cuối cùng, kết thúc thắng lợi thuộc về ta.

Mỗi tấc đất, gốc cây, ngọn cỏ của chiến trường Long Khốt đều thấm đẫm máu xương, mồ hôi, nước mắt của cán bộ, chiến sĩ Long An và Sư đoàn 5 đã ngã xuống, làm cho nơi đây trở thành địa điểm chứng tích lịch sử đặc biệt trong việc xác định chủ quyền lãnh thổ biên cương Tổ quốc.

Mảnh đất Long Khốt hào khí và thiêng liêng, vùng đất với vị trí tiền tiêu nơi biên cương Tây Nam Tổ quốc đã ghi vào lịch sử hào hùng của dân tộc một mốc son vàng chói lọi làm sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Trong cuộc chiến đấu khốc liệt ấy, quân ta đã giành chiến thắng oanh liệt nhưng cũng có những mất mát, đau thương không gì bù đắp được. Hàng ngàn chiến sĩ giải phóng quân và đồng bào, Nhân dân Long An đã chiến đấu, anh dũng hy sinh, vĩnh viễn nằm lại trên mảnh đất này.

Sống anh dũng, thác vinh quang. Mồ hôi, nước mắt và máu xương của biết bao thế hệ cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân đã hòa vào đất đai, sông, rạch, cỏ cây nơi đây và trở thành bất tử. Sự hy sinh to lớn ấy của các liệt sĩ đã tạc nên hình hài đất nước mà nhà văn, Đại tá Trần Thế Tuyển - cựu chiến binh đã tham gia các trận chiến tại khu vực Đồn Long Khốt, ngân lên:

Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc,

Hồn bay lên hóa linh khí Quốc gia

Ngàn năm mãi mãi ngân nga

Tiếng chuông Long Khốt gấm hoa dâng đời.

Với những thành tích vẻ vang, oanh liệt, ngày 20/12/1979, Đồn Biên phòng Long Khốt vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.

Thả hoa đăng trên dòng sông Long Khốt (Ảnh: Nguyễn Hội)

Thả hoa đăng trên dòng sông Long Khốt (Ảnh: Nguyễn Hội)

Khu vực Đồn Long Khốt được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ra quyết định xếp hạng Di tích quốc gia vào năm 2019. Trước đó, năm 1997, Di tích lịch sử Khu vực Đồn Long Khốt đã được UBND tỉnh xếp hạng Di tích cấp tỉnh nhằm phát huy giá trị của di tích trong giáo dục truyền thống lịch sử cách mạng, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, khơi gợi ngọn lửa nhiệt tình cách mạng trong công cuộc bảo vệ và xây dựng, phát triển đất nước. Đây là nơi tưởng niệm, tri ân 8.247 anh hùng, liệt sĩ thuộc Trung đoàn 174 và các trung đoàn phối thuộc khác của Sư đoàn 5, anh hùng, liệt sĩ các huyện Đồng Tháp Mười qua các thời kỳ.

Di tích quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt vốn mang những giá trị lịch sử, an ninh, quốc phòng, văn hóa và nhân văn sâu sắc, nay đã được tiếp thêm nguồn lực và sinh khí mới để từng bước trở thành một di tích cách mạng vừa mang ý nghĩa tâm linh, hướng về biết bao các thế hệ đã hy sinh trên mảnh đất thiêng liêng này, vừa khẳng định chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.

Từ khi được xây dựng, Khu di tích lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt trở thành điểm viếng thăm, giáo dục truyền thống quan trọng trong huyện, tỉnh và cả khu vực.

Hàng năm, vào ngày 19/5, người dân địa phương và các cựu chiến binh, thân nhân các liệt sĩ, thanh, thiếu niên tụ họp về đây, tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu và tri ân các anh hùng, liệt sĩ; thả hoa đăng trên dòng sông Long Khốt; dâng hương và lễ vật tưởng niệm anh linh các anh hùng, liệt sĩ đã anh dũng hy sinh cho nền độc lập, thống nhất nước nhà.

Công trình Di tích lịch sử quốc gia Khu vực Đồn Long Khốt được xây dựng giai đoạn 2, có quy mô, ý nghĩa to lớn hơn. Đây không chỉ là một địa danh lịch sử mà còn là biểu tượng cho tinh thần quật cường, ý chí kiên trung của quân và dân ta trong các cuộc kháng chiến trường kỳ, “quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”.

Trải qua gần 5 thập kỷ, từ vùng đất đẫm máu xương của các liệt sĩ ngày nào, giờ đây, vùng đất Long Khốt đã “thay da, đổi thịt”, trở thành vùng đất ấm áp nghĩa tình. Nhà nước và Nhân dân địa phương cùng nhau xây dựng nông thôn mới với hạ tầng đồng bộ.

Vùng đất Long Khốt anh hùng đã “hồi sinh” và không ngừng phát triển; đời sống vật chất và tinh thần của người dân nơi đây ngày càng ấm no, hạnh phúc./.

Tôn Thất Hùng

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/thieng-lieng-manh-dat-long-khot--a176501.html