Thiết bị bay không người lái - hình thức khủng bố mới

Sau một số vụ máy bay không người lái làm ảnh hưởng đến hoạt động của nhiều sân bay lớn trên thế giới, việc sử dụng thiết bị bay không người lái tấn công các tài sản mang tính chiến lược quốc gia như vụ tấn công vào cơ sở lọc dầu Abqaiq và một nhà máy lọc dầu tại Khurais ở sâu trong lãnh thổ Saudi Arabia hồi cuối tuần trước đang đặt ra nhiều thách thức đối với an ninh, trước hết trong lĩnh vực dầu mỏ. Các vụ tấn công này càng khẳng định thêm những lo ngại của các chuyên gia an ninh về một hình thức khủng bố mới trong bối cảnh sự phát triển như vũ bão của công nghệ cho phép các thiết bị bay không người lái hoạt động trên diện rộng hơn.

Thiết bị bay không người lái, hình thức khủng bố mới.

Thiết bị bay không người lái, hình thức khủng bố mới.

Saudi Arabia là quốc gia có chi tiêu quốc phòng lớn thứ ba thế giới, chỉ sau hai cường quốc là Mỹ và Trung Quốc nhưng không có khả năng bảo vệ các cơ sở lọc dầu phi quân sự của mình ở Abquaiq và Khurais. Mỹ cho rằng các cuộc tấn công đã được thực hiện bằng thiết bị bay không người lái được trang bị tên lửa hành trình. Cuộc tấn công đã khiến sản lượng dầu thô quốc tế sụt giảm 5%, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thị trường toàn cầu và viễn cảnh nhiên liệu tăng giá trong những ngày tới.

Các thiết bị bay không người lái được các cường quốc quân sự như Mỹ, Anh, Israel sử dụng khoảng 10 năm trước với những cái tên như Predator, Reaper hay Hermes. Nhắc đến tên gọi của các thiết bị đã có thể cảm nhận được các cường quốc này đánh giá rất cao sức mạnh của chúng. Tuy nhiên, thời thế đã thay đổi với sự phát triển của công nghệ ở cả thị trường dân sự và quân sự. Giá cả của các thiết bị bay không người lái đã giảm đáng kể nhưng độ hữu dụng tăng lên nhanh chóng.

Điều này cho phép các quốc gia có quốc phòng hạn chế như Iran nhanh chóng phát triển các chương trình máy bay không người lái có khả năng tấn công. Sự tham gia cuộc chạy đua công nghệ bay không người lái của các nhân tố ngoài quốc doanh đã góp phần phổ biến công nghệ này. Bên cạnh đó, sự phát triển nhanh chóng của các thiết bị nổ tự chế tạo (IEDs) của quân nổi dậy trong thời kỳ Mỹ chiếm đóng Iraq sau năm 2003 đã cho thấy một sự tiến triển khác trong cuộc đua này. Những thiết bị như vậy có thiết kế đơn giản, thường chỉ cần một số đạn pháo, mìn và một kíp nổ từ xa, chẳng hạn như điện thoại di động. Với cấu trúc không quá phức tạp, IEDs nhanh chóng trở nên nguy hiểm với khả năng gây thương vong cho quân đồng minh. Đồng thời, khả năng điều khiển từ xa cho phép tránh các cuộc đối đầu trực tiếp và hạn chế sự vượt trội về công nghệ quân sự của quân đồng minh. Thành công của IEDs ở Iraq đã dẫn tới sự phát triển của loại vũ khí này ở các chiến trường khác như Afghanistan và Somalia.

Các thiết bị bay không người lái đã trở nên phổ biến và được các lực lượng nổi dậy sử dụng như thứ vũ khí hữu dụng chống lại các lực lượng quân sự mạnh trên thế giới. Năm 2018, phiến quân Syria đã cố gắng thực hiện một cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái nhằm vào căn cứ không quân của Nga. Trong thời gian qua, các thiết bị bay không người lái đã được xác định có liên quan đến một số vụ tấn công ở Saudi Arabia, được cho là xuất phát từ Yemen và Iraq.

Vụ tấn công ở Abqaiq và Khurais cho thấy mối đe dọa ngày càng lớn từ các thiết bị bay không người lái. Khi công nghệ tiếp tục phát triển với chi phí thấp, nhu cầu của các lực lượng nổi dậy, khủng bố và thậm chí những người chống đối chính phủ sẽ ngày càng tăng.

Mặc dù nhiều quốc gia đã tìm cách ngăn chặn mối đe dọa này thông qua các phương tiện công nghệ cao và đắt tiền, nhưng về cơ bản, các thiết bị bay không người lái vẫn đang là một công cụ hiệu quả của các lực lượng nổi dậy, khiến ngay cả các cường quốc cũng phải e ngại.

Minh Châu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thiet-bi-bay-khong-nguoi-lai-hinh-thuc-khung-bo-moi-111865.html