Thiết chế nào chế ngự lòng tham của không ít doanh nhân?

Doanh nhân lập doanh nghiệp làm ăn kinh tế đều mong muốn gia tăng lợi nhuận một cách tối đa nhưng nếu vượt khỏi giới hạn thì sẽ bị trả giá.

Thời gian qua, không ít các doanh nhân một thời từng "làm mưa làm gió" trên thị trường đã vướng vòng lao lý vì các vi phạm pháp luật. Thời điểm bị khởi tố, bắt giam, họ đang là người đứng đầu các tập đoàn lớn như ông Trịnh Văn Quyết - nguyên Chủ tịch tập đoàn FLC, ông Đỗ Anh Dũng - nguyên Chủ tịch Tập đoàn Tân Hoàng Minh, bà Trương Mỹ Lan - Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát …

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Tên tuổi của họ gắn với những tòa nhà văn phòng tráng lệ ở các đô thị, khu dân cư cao cấp ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, hay những khu nghĩ dưỡng, khách sạn cao cấp, sân golf đẳng cấp quốc tế, hãng hàng không tư nhân... Họ có đóng góp cho xã hội không? Chắc chắn tôi và mọi người đều nhìn ra là có. Ngoài tạo ra những công trình xây dựng lớn lao thì chính họ cũng là người đã tạo ra hàng trăm nghìn việc làm cho người dân…Chính vì thế, điều quan trọng là cần làm gì để có được một thiết chế hiệu quả thúc đẩy doanh nghiệp làm giàu chính đáng, khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường của doanh nhân, doanh nghiệp phục vụ đất nước đóng góp cho xã hội, chế ngự được lòng tham của không ít doanh nhân.

Ai đã làm doanh nhân đi lên bằng tự lực tự cường không phải do cha truyền con nối thì sẽ thấu hiểu kinh doanh nó vất vả như thế nào, điều này tôi đã làm và đã hiểu. Tuy nhiên không phải vì vất vả nhọc nhằn hay những thành quả mình tạo ra mà quên đi văn hóa doanh nhân, đạo đức doanh nhân, trách nhiệm doanh nhân với đất nước với nhân dân thì không thể chấp nhận được.

Những doanh nhân, doanh nghiệp tôi đã nêu ở trên vốn dĩ ban đầu cũng là những doanh nhân vượt khó đi lên. Tuy nhiên khi đến một tầm cao, có nhiều quan hệ khủng trong xã hội, tiền và quyền đều có thì họ đã không kiềm chế được lòng tham xem nhẹ pháp luật, lợi dụng kẽ hở của luật pháp, tận dụng các mối quan hệ có thể bao bọc được…nên đã bất chấp làm trái, lừa đảo nhân dân, bắt tay một số quan chức thoái hóa biến chất làm thất thoát tài sản nhà nước…

Họ đã quên đi rằng ngoài tiền cần có đạo đức kinh doanh, đạo đức làm người, họ không nghĩ rằng những đồng tiền nhân dân đưa cho họ bằng cách này cách khác là mồ hôi và nước mắt dành dụm của cả một gia đình. Bao nhiêu gia đình tan nát hạnh phúc vì tiền đưa cho các doanh nhân không lấy được hay lợi dụng tín nhiệm để chiếm đoạt tài sản của họ khiến bao gia đình rơi vào thế tan gia bại sản.

Tất cả xuất phát từ thiếu đạo đức, lương tâm thiếu trong sáng, thiếu chân thiện mỹ mà ra. Vậy chúng ta cần làm gì để hạn chế tối đa mặt xấu, phát huy, khơi thông sức mạnh để các doanh nhân tài giỏi không vướng vào lao lý, dồn công sức làm giàu cho bản thân, doanh nghiệp, đem lại lợi ích nhân dân, phục vụ đất nước. Theo tôi, doanh nhân, Nhà nước và Nhân dân cần có mối quan hệ máu thịt lẫn nhau và làm tốt một số điều cơ bản sau đây.

Một là, xây dựng môi trường văn hóa doanh nhân đạo đức trong sáng, đoàn kết, sáng tạo, giám nghĩ, dám làm, sẵn sàng chia sẻ, thượng tôn pháp luật, hợp tác để tạo sức mạnh doanh nhân dân tộc Việt Nam, không làm theo kiểu mạnh ai người đó làm, sống chết không ai hay, bất chấp vì lợi nhuận. Để làm tốt vấn đề này ngoài Hiệp hội doanh nhân, doanh nghiệp cần có vai trò chung sức, đồng lòng từ phía các cơ quan Nhà nước trong việc dẫn dắt và kết nối. Đặc biệt sớm thu gọn doanh nghiệp nhà nước chuyển dịch cho các doanh nghiệp ngoài nhà nước để phát triển. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng văn hóa doanh nhân, đạo đức doanh nhân, năng lực quản trị doanh nghiệp để doanh nhân xác định rõ vai trò, trách nhiệm, có hành lang pháp lý đủ để khuyến khích doanh nhân chân chính làm giàu cho bản thân, cho xã hội và đóng góp xây dựng đất nước.

Hai là, phía các cơ quan nhà nước phải xây dựng được hệ thống pháp luật đảm bảo tính thống nhất, không chồng chéo, đủ sức để kiểm soát doanh nhân, doanh nghiệp để tránh lợi dụng kẻ hở để bắt tay với cán bộ nhà nước làm sai trục lợi vi phạm pháp luật.

Mặt khác pháp luật phải đáp ứng và tạo ra sân chơi thuận lợi, bình đẳng cho doanh nghiệp, dẫn dắt, kiến tạo phát triển, loại bỏ thủ tục gây rắc rối phiền hà trong kinh doanh. Đặc biệt là vấn đề bình đẳng, công khai, minh bạch, không có yếu tố xin - cho, ngăn chặn triệt để doanh nghiệp sân trước, sân sau của quan chức. Đồng thời nêu cao tinh thần cán bộ phục vụ doanh nghiệp để phát triển, loại bỏ những cán bộ với tư tưởng doanh nghiệp là “mỏ vàng” để khai thác, có tiền thì thủ tục mới trôi, không có tiền thì tìm đủ lý do bắt lỗi, kéo dài…Đây là một hiện tượng khiến không ít doanh nhân, doanh nghiệp phàn nàn hiện nay.

Lãnh đạo các cấp phải xem doanh nghiệp là đối tác, khách hàng để phục vụ tốt nhất nhằm tạo ra của cải cho xã hội và nâng cao vị thế doanh nghiệp Việt Nam, phải nghĩ rằng không có doanh nghiệp quốc gia mạnh sẽ không có quốc gia hùng mạnh.

Ba là, đối với công dân cũng cần nâng cao hiểu biết để không bị lừa dối, tăng cường giám sát cộng đồng phản ánh sớm những dấu hiệu của doanh nhân, doanh nghiệp làm ăn phi pháp khi mới biểu hiện. Mặt khác trong lao động sản xuất cũng nghiêm túc, sáng tạo tăng năng suất lao động (năng suất lao động Việt Nam chỉ bằng 1/16 của Singapore). Cùng với đó, tăng đoàn kết cán bộ, nhân viên trong doanh nghiệp, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao để có doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh đủ sức cạnh tranh với thế giới, sớm loại bỏ tư tưởng trông hết giờ để về, thấy sai cũng im lặng, thiếu tiết kiệm. Vì doanh nghiệp có mạnh thì thu nhập người lao động mới cao, phúc lợi mới tốt, doanh nghiệp mới phát triển bền vững.

Phan Văn Lâm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/thiet-che-nao-che-ngu-long-tham-cua-khong-it-doanh-nhan-post234719.gd