Thiết giáp hạm vừa sử dụng đại pháo vừa có tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ mạnh kinh hoàng

Thiết giáp hạm USS Missouri là một trong những chiến hạm mạnh nhất trong Thế chiến thứ 2, sau này chúng tiếp tục được nâng cấp bằng việc lắp tên lửa hành trình Tomahawk để tác chiến.

Chiến tranh Vùng Vịnh là cuộc chiến cuối cùng Hải quân Mỹ đưa các thiết giáp hạm vào sử dụng, chúng đã bắn những quả tên lửa Tomahawk vào quân đội Iraq. Sau cuộc chiến này USS Missouri (BB-63) một trong hai thiết giáp hạm tham gia trận chiến được đưa vào viện bảo tàng.

Như một phần của Trân Châu Cảng, USS Missouri (BB-63) được xem là một trong những bảo tàng quân sự nổi lớn nhất của Hải quân Mỹ, mọi chi tiết của con tàu này vẫn được giữ nguyên như khi nó còn hoạt động.

USS Missouri là một trong bốn thiết giáp hạm lớp Iowa của Hải quân Mỹ, nó được đặt tên theo tên tiểu bang Missouri nhằm tôn vinh tiểu bang này. Đây cũng là thiết giáp hạm cuối cùng được Hải quân Mỹ chế tạo trong Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Bên cạnh đó tàu chiến này còn là nơi diễn ra buổi lễ ký kết văn kiện đầu hàng vô điều kiện của Đế quốc Nhật Bản trước quân đồng minh, chấm dứt Chiến tranh Thế giới thứ hai.

Thiết giáp hạm USS Missouri được khởi động vào tháng 1-1941 tại xưởng đòng tàu hải quân New York, đúng ba năm sau đó vào đầu năm 1944 con tàu được hạ thủy.

Tháng 6-1944, USS Missouri chính thức được bàn giao cho Hải quân Mỹ. Sau khi chạy thử nghiệm ngoài khơi New York và diễn tập tác chiến trên biển tại vịnh Chesapeake con tàu này tiếp tục hành trình qua kênh đào Panama vào tháng 11-1944 để tiến ra Thái Bình Dương hội quân với hạm đội tàu chiến của Mỹ đang đóng tại Trân Châu Cảng vào cuối tháng 12-1944.

Lượng giãn nước tối đa tiêu chuẩn của USS Missouri là 45.000 tấn và có thể lên tới 52.000 tấn trong thời chiến, chiều dài tối đa của nó là 271m và có chiều cao cấu trúc thượng tầng lên tới 33m.

Với kích thước khổng lồ, USS Missouri cũng mang theo trên mình khối vũ khí đồ sộ với ba tháp pháo 406mm Mark 7 mỗi tháp pháo được trang bị tới ba nòng, với hai cụm tháp pháo ở phía trước thân tàu và một ở sau thân, cùng với đó là 10 tháp pháo nòng đôi 127mm Mark 12 được bố trí dọc hai bên thân tàu.

Từ năm 1980, nhằm đáp ứng yêu cầu tác chiến mới trên biển kho vũ khí của USS Missouri cũng được nâng cấp với việc trang bị thêm các tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk với 32 quả. Bên cạnh đó là tên lửa chống hạm RGM-84 Harpoon và bốn hệ thống vũ khí đánh chặn tầm gần Phalanx CIWS thay thế cho các mẫu pháo phòng không Bofors 40 và Oerlikon 20.

Để vận hành con tàu này cũng cần tới số lượng thủy thủ đoàn “khủng” với hơn 2.700 thủy thủ và sĩ quan làm việc trên tàu trong giai đoạn trước năm 1980. Sau khi được hiện đại hóa số người được rút xuống chỉ còn 1.800.

Nếu trong CTTG 2, USS Missouri được sử dụng để đối đầu với Nhật Bản thì trong Chiến tranh Lạnh nó lại là biểu tượng sức mạnh quân sự trên biển của Mỹ trước Liên Xô.

Trong Chiến tranh Vùng Vịnh (1990) hai thiết giáp hạm là USS Missouri và USS Wisconsin đều chỉ đóng vai trò hỗ trợ hỏa lực tầm xa.

Từ Vịnh Ba Tư các thiết giáp hạm này sẽ bắn các tên lửa hành trình Tomahawk và hải pháo hỗ trợ hỏa lực cho bộ binh Mỹ trên đất liền trong suốt Chiến dịch Bão táp sa mạc.

Trong khoảng thời gian sau đó nó cũng đã bắn ít nhất 300 quả đạn pháo 406mm vào các vị trí của Quân đội Cộng hòa Iraq đang chiếm đóng Kuwait.

Trong suốt lịch sử phục vụ trong Hải quân Mỹ của mình USS Missouri nhận được 11 ngôi sao chiến đấu và số huân chương trên có được là từ chiến tranh Thế giới thứ hai, chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Vùng Vịnh.

Hiện nay vai trò của các thiết giáp hạm sử dụng đại pháo đã không còn thay vào đó là các tuần dương hạm và khu trục hạm mang tên lửa hành trình Tomahawk.

Ngày nay những thiết giáp hạm còn sót lại làm viện bảo tàng như một chứng tích về sức mạnh và vai trò của chúng trong thời đại tên lửa chưa phát triển.

Cận cảnh tháp pháo 406mm phía sau thân tàu của USS Missouri, trọng lượng tính riêng của mỗi nòng pháo 406mm trên USS Missouri là hơn 121 tấn và dài tới gần 21m. Tốc độ bắn tối đa của nó có thể đạt là 2 phát/phút với tầm bắn hiệu quả lên đến 38km.

Một số hệ thống vũ khí hiện đại được lắp thêm sau này vào các thiết giáp hạm.

Với vai trò lịch sử to lớn của mình sau khi ngưng hoạt động vào năm 1992 còn tàu này được cải tạo lại thành một viện bảo tàng quân sự trên biển và đi vào hoạt động chính thức từ đầu năm 1999 cho đến tận ngày nay. Tính tới thời điểm hiện tại USS Missouri đã phục vụ được 72 năm và tham gia hầu hết các cuộc chiến có sự hiện của Hải quân Mỹ từ năm 1944-1990.

Việt Hùng

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/quan-su/anh-thiet-giap-ham-vua-su-dung-dai-phao-vua-co-ten-lua-hanh-trinh-tomahawk-cua-my-manh-kinh-hoang/798162.antd