Thiệt hại 2.000 tỉ đồng vì đường lậu

Không chỉ bị thiệt hại do nhập khẩu đường lỏng (HFCS- High- Fructose Corn Syrup) được chiết suất từ tinh bột bắp, đường nhập lậu từ Thái Lan cũng gây thiệt hại cho ngân sách và nông dân trồng mía lên đến 2.000 tỉ đồng/năm.

Ngân sách và nông dân trồng mía bị thiệt hại năng do đường nhập lậu. Ảnh: Trung Chánh

Trao đổi liên quan đến những thiệt hại do việc nhập lậu đường từ Thái Lan, ông Phạm Quang Vinh, Phó chủ tịch Hiệp hội mía đường Việt Nam (VSSA) cho biết, cái khó lớn nhất cho ngành mía đường Việt Nam hiện nay đó là việc nhập lậu đường mất kiểm soát.

Theo ông, một số doanh nghiệp dọc theo những địa phương giáp biên giới Campuchia, dù không có nhà máy sản xuất đường, nhưng được cấp phép cho sang chiết, cho nên, có một lượng lớn đường của Thái Lan được hợp thức hóa nên cơ quan quản lý thị trường cũng “bó tay”.

Ông Vinh cho biết, đường nhập lậu đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành mía đường Việt Nam với con số lên đến 2.000 tỉ đồng, bao gồm thiệt hại cho ngân sách và người trồng mía.

Cụ thể, ông Vinh dẫn số liệu do Hiệp hội mía đường Thái Lan cung cấp cũng như được các tổ chức đường thế giới thống kê cho thấy, đường Thái Lan nhập lậu sang Campuchia rồi vào Việt Nam mỗi năm lên đến 500.000 tấn, tức bằng 1/3 lượng đường do các doanh nghiệp trong nước sản xuất hàng năm (khoảng 1,5 triệu tấn).

Theo ông Vinh, với lượng đường nhập lậu vào Việt Nam như nêu trên, nhưng không phải chịu 5% thuế VAT như đường trong nước, cũng không phải đóng 5% thuế nhập khẩu theo cam kết của Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), tức đường nhập lậu không phải chịu 10% thuế. “Như vậy, nếu 1 kí lô gam đường có giá 10.000 đồng (hiện mức giá thực tế các nhà máy bán ra khoảng 11.000 đồng/kg), thì coi như 1 kí lô gam đường lậu rẻ hơn 1.000 đồng so với đường trong nước”, ông Vinh dẫn chứng và cho biết với 500.000 tấn đường nhập lậu đã gây thất thu cho ngân sách nhà nước 500 tỉ đồng.

Trong khi đó, theo ông Vinh, vì phải cạnh tranh với đường nhập lậu nên các công ty đường trong nước phải giảm giá bán xuống với mức giảm 1.000đồng/kg để có được mức giá ngang bằng với giá đường nhập lậu. Trong khi đó, để đảm bảo hiệu quả hoạt động, doanh nghiệp sản xuất đường trong nước buộc phải giảm giá mua mía nguyên liệu của nông dân.

“Đơn cử, mấy năm trước, khi giá đường 12.000 đồng/kg, thì Công ty cổ phần mía đường Cần Thơ (CASUCO) ký hợp đồng bao tiêu mía nguyên liệu cho nông dân 900.000 đồng/tấn. Còn bây giờ, giá đường 10.000 đồng/kg, thì ký bao tiêu 800.000 đồng/tấn, tương đương giảm 100.000 đồng/tấn”, ông Vinh dẫn chứng.

Như vậy, theo ông Vinh, với lượng mía nguyên liệu ép để sản xuất 1,5 triệu tấn đường là khoảng 15 triệu tấn, thì mức thiệt hại do giá mía giảm là 1.500 tỉ đồng hay nói cách khác nông dân trồng mía phải chịu thiệt hại lên đến 1.500 tỉ đồng do đường nhập lậu từ Thái Lan.

Những thiệt hại như nêu trên là chưa kể đến thiệt hại của doanh nghiệp do đường tồn kho xuất phát từ việc nhập khẩu đường lỏng HFCS được chiết suất từ tinh bột bắp với giá rẻ gây nên.

Cụ thể, theo tính toán của VSSA, nhập khẩu đường lỏng gia tăng mạnh trong giai đoạn từ 2015-2017 đã khiến doanh nghiệp đường bị thiệt hại lên đến 527 tỉ đồng trong giai đoạn này.

Trước tình hình này, ông Vinh cho biết, VSSA sẽ cùng với các doanh nghiệp ngành đường thuê luật sư nước ngoài xác định việc nhập khẩu đường lỏng HFCS cạnh tranh bất bình đẳng, gây thiệt hại cho ngành mía đường trong nước nhằm kiến nghị Chính phủ điều chỉnh bằng việc áp dụng hạn ngạch hoặc tăng thuế nhập khẩu.

Trung Chánh

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/277657/thiet-hai-2000-ti-dong-vi-duong-lau.html