Thiệt hại do chậm nạo vét luồng hàng hải Hải Phòng

TP Hải Phòng là cửa ngõ ra biển của các tỉnh phía bắc với hơn 40 cảng biển lớn, nhỏ. Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã công bố quy chuẩn luồng hàng hải Hải Phòng với chiều dài hơn 72 km, chuẩn tắc thiết kế sâu trung bình 7 m. Với đặc thù là hạ lưu của một loạt các sông lớn, luồng hàng hải Hải Phòng thường xuyên phải duy tu, nạo vét để bảo đảm chuẩn tắc thiết kế. Tuy nhiên, từ đầu năm 2017, do vướng các thủ tục, các tuyến luồng Hải Phòng chưa thể nạo vét duy tu, bị sa bồi đến 70 cm, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp vận tải, khai thác.

Giảm lượng hàng vận chuyển

Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền bắc (BÐATHHMB) là đơn vị được giao thực hiện việc duy tu nạo vét các tuyến luồng hàng hải từ Quảng Ninh đến Quảng Ngãi. Tại các tuyến luồng hàng hải Hải Phòng, hằng năm đơn vị này đảm nhiệm duy tu nạo vét khoảng 1,5 đến 2 triệu m3 bùn thải. Trước năm 2017, việc duy tu nạo vét thực hiện định kỳ, bảo đảm các tuyến luồng ở độ sâu 7 m, lượng bùn thải được đổ ra vùng biển cách đảo Cát Bà 5 km. Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty BÐATHHMB Dương Ngọc Ðức cho biết, từ đầu năm đến nay, đơn vị không thể tiến hành duy tu nạo vét luồng Hải Phòng do Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã chính thức có hiệu lực, với các quy định mới về xả thải khá chặt chẽ. Việc đáp ứng các quy định này đòi hỏi nhiều điều kiện khắt khe và mất thời gian. “Nếu không nạo vét kịp, các tuyến luồng sẽ bị sa bồi thêm và không thể giải ngân vốn cho năm 2017” - Phó Tổng Giám đốc Dương Ngọc Ðức chia sẻ.

Theo Phó Tổng Giám đốc Cảng Hải Phòng Phạm Hồng Minh, hiện nay luồng hàng hải Hải Phòng đã bị sa bồi đến 70 cm. Theo chuẩn tắc thiết kế, tuyến luồng Hải Phòng có độ sâu 7 đến 7,2 m, có thể đáp ứng được tàu trọng tải lớn vào làm hàng, nay độ sâu luồng chỉ còn khoảng 6,5 m. Luồng hàng hải không được nạo vét, sẽ gây thiệt hại cho nhiều doanh nghiệp cảng biển, hãng tàu, doanh nghiệp logistics,... ảnh hưởng lớn tới việc lưu thông hàng hóa và lợi thế cạnh tranh kinh tế của các cảng biển Việt Nam. Theo tính toán của các nhà chuyên môn, cứ sa bồi 10 cm, sẽ làm giảm lượng vận chuyển 300 tấn hàng hóa trên tàu. Tàu 10 nghìn tấn, trước đây có thể làm hàng bình thường tại cảng, nay chỉ còn khoảng tám nghìn tấn, mất đi khoảng 20% công suất. Tàu trọng tải lớn không thể vào luồng, các hãng tàu phải tính biện pháp cắt hàng hoặc thuê đơn vị khác chuyển tải. Không chỉ đơn thuần giảm công suất vận chuyển, luồng cạn còn khiến các doanh nghiệp bị thiệt hại dây chuyền. Trước đây luồng sâu, các hãng tàu có thể vào làm hàng, không phải chờ đợi thủy triều. Nay cốt luồng thấp, tàu phải chờ đến khi triều cường mới vào được cảng. Thời gian di chuyển trên luồng mất khoảng 3 giờ, chỉ chậm một chút có thể phải đợi cả ngày. Việc này ảnh hưởng dây chuyền đến các tàu, gây xáo trộn lịch trình và tiến độ giao hàng. Ðó là chưa kể nếu tàu đi thuê, mỗi giờ tàu “chết”, doanh nghiệp phải mất chi phí hàng chục nghìn USD. Ðại diện hãng tàu NYK tại Hải Phòng đánh giá: Theo kế hoạch, năm 2017, hãng điều động nhiều tàu lớn cập cảng Hải Phòng làm hàng. Trong tình trạng luồng không bảo đảm chuẩn tắc thiết kế, hãng phải thay đổi, sử dụng loại tàu cỡ trung bình 1.200 TEUs, nhưng để an toàn, hãng chỉ dám xếp 850 TEUs, các tàu nhiều khi vẫn phải chờ thủy triều lên mới vào cảng, làm phát sinh chi phí rất cao.

Ðược biết, tháng 5-2016, Tổng công ty BÐATHHMB đã thỏa thuận với Công ty CP Ðầu tư Nam Ðình Vũ về vị trí đổ vật liệu nạo vét duy tu các tuyến luồng Hải Phòng. Theo thỏa thuận này, Công ty CP Ðầu tư Nam Ðình Vũ đồng ý tiếp nhận vật liệu nạo vét từ các công trình luồng Hải Phòng, Phà Rừng và kênh Cái Tráp năm 2017 của Tổng công ty BÐATHHMB với khối lượng 1,2 triệu m3 đưa vào Khu công nghiệp Nam Ðình Vũ (diện tích hơn 900 ha tại phía nam đường ô-tô xuyên biển Tân Vũ - Lạch Huyện), để thi công san lấp mặt bằng khu công nghiệp. Vậy mà, không hiểu vì sao thỏa thuận này không được thực hiện?

Ách tắc từ đâu?

Từ năm 2016, TP Hải Phòng đã quy hoạch bảy vị trí đổ vật liệu nạo vét duy tu các tuyến luồng khu vực Hải Phòng. Theo đó, có năm vị trí đổ thải ven bờ gồm: Khu công nghiệp Nam Ðình Vũ; khu vực phía bắc kênh Cái Tráp; phía nam đảo Cát Hải; khu du lịch quốc tế Ðồi Rồng; đê quai lấn biển Tiên Lãng. Hai vị trí đổ thải ra biển gồm: Vị trí cách phao số 0 luồng Lạch Huyện khoảng 6 km về phía đông nam; khu vực ngoài khơi cảng Lạch Huyện cách 20 đến 25 km về phía nam - đông nam. Tuy nhiên, trong văn bản gửi UBND thành phố Hải Phòng, Cục Hàng hải Việt Nam cho rằng, tất cả bảy vị trí đổ thải này đều không khả thi. Năm vị trí ven bờ đều “vướng” những lý do khác nhau, hai vị trí đổ ra biển cũng “tắc” do một vị trí đã đầy, vị trí còn lại vướng về thủ tục giao khu vực biển. Cục Hàng hải Việt Nam đề xuất TP Hải Phòng một điểm đổ mới ngoài biển, cách phao số 0 luồng Lạch Huyện khoảng 7,5 km về phía nam. Theo tham mưu của Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng, cần ưu tiên đổ vật liệu nạo vét tại các vị trí theo quy hoạch như Khu công nghiệp Nam Ðình Vũ, khu du lịch Ðồi Rồng, khu vực bắc kênh Cái Tráp, sân gôn đảo Vũ Yên,... Về lâu dài, yêu cầu các dự án nạo vét duy tu luồng không được phép đổ vật liệu tại các vị trí ngoài khơi thuộc vùng biển Hải Phòng. UBND thành phố Hải Phòng cũng có quan điểm đồng ý đổ vật liệu nạo vét tại Khu công nghiệp Nam Ðình Vũ và khu du lịch Ðồi Rồng, theo phương pháp đổ bùn qua hố trung chuyển, phun hút theo đường ống vào bãi chứa.

Sau cuộc làm việc với Bộ GTVT, cuối tháng 6 vừa qua, TP Hải Phòng đã có văn bản gửi Cục Hàng hải Việt Nam “nhượng bộ” về vị trí đổ bùn nạo vét luồng Hải Phòng, đồng ý vị trí đổ bùn cách phao số 0 đoạn luồng Lạch Huyện khoảng 7,5 km về phía nam, trong đó nêu rõ: “Chỉ được thi công sau khi hoàn thành các thủ tục về môi trường, hàng hải theo các quy định liên quan”. Ngày 11-8-2017, Tổng công ty BÐATHHMB đã có hồ sơ thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (ÐTM) nạo vét, duy tu luồng Hải Phòng gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường. Sau khi xem xét, Bộ đã trả lại hồ sơ do báo cáo ÐTM có nhiều điểm chưa rõ, chưa đạt yêu cầu tổ chức thẩm định. Do chưa được phê duyệt ÐTM, Bộ cũng không tiếp nhận hồ sơ để cấp phép nhận chìm bùn thải cho dự án. Chỉ đến khi việc “tắc luồng” trở nên bức bách, Cục Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty BÐATHHMB mới tìm hiểu thông tin các đơn vị trên địa bàn có nhu cầu tiếp nhận vật liệu nạo vét để san lấp mặt bằng. Tháng 10 vừa qua, hai đơn vị là Công ty TNHH Thành Bình thực hiện dự án du lịch trên đảo Vũ Yên và Công ty Ðóng tàu Phà Rừng đồng ý tiếp nhận. Cục Hàng hải Việt Nam đã giao Tổng công ty BÐATHHMB hoàn thiện các thủ tục, để triển khai khởi công nạo vét trong tháng 12 này. Tuy nhiên, trong năm nay, việc nạo vét các tuyến luồng Hải Phòng đã không thể triển khai kịp.

Một câu hỏi được đặt ra: Có hay không việc các cơ quan của Bộ Tài nguyên và Môi trường gây “khó dễ” trong cấp phép đổ thải ra biển? Ðại diện Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam cho rằng, theo các quy định hiện hành, kiểm soát hoạt động nhận chìm chất nạo vét ở biển không phải gây khó khăn cho việc nạo vét luồng hàng hải, mà nhằm giám sát chặt chẽ hơn các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường biển, bao gồm cả việc nhận chìm. Quy định này phù hợp với xu hướng chung của thế giới, đồng thời triển khai thực hiện hiệu quả hơn các cam kết quốc tế mà Việt Nam đã tham gia hoặc cam kết thực hiện và phù hợp với chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước là “Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế”. Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hải Phòng Phạm Quốc Ka nêu quan điểm, Sở tham mưu cho thành phố không cấm các dự án nạo vét đổ vật liệu ra biển, chỉ yêu cầu phải hoàn thiện đầy đủ thủ tục ÐTM, giao khu vực biển và cấp phép nhận chìm theo Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Mặt khác, tham mưu cho thành phố hướng các dự án nạo vét ưu tiên đổ vật liệu nạo vét vào các điểm, dự án san lấp trên bờ nhằm tránh lãng phí tài nguyên và bảo vệ môi trường. Về lâu dài, Sở kiến nghị thành phố yêu cầu các dự án nạo vét duy tu luồng và công trình hàng hải trên địa bàn Hải Phòng không được phép đổ vật liệu tại các vị trí ngoài khơi thuộc vùng biển Hải Phòng để chủ động ứng phó sự cố môi trường biển. Hạn chế đổ vật liệu thải ra biển cần được coi là phương án “nhìn xa trông rộng”, được xác định ưu tiên không chỉ ở Hải Phòng mà ở các luồng hàng hải khác.

Không để thất thoát, tiêu cực trong nạo vét luồng

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định ban hành Quy chế quản lý hoạt động nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải và vùng nước cảng biển (áp dụng từ năm 2018). Trong khi chờ ban hành nghị định này, Thủ tướng Chính phủ đồng ý năm 2017 tiếp tục thực hiện cơ chế nạo vét, duy tu các tuyến luồng hàng hải theo quy định tại Quyết định số 73/2013/QÐ-TTg ngày 27-11-2013. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Giao thông vận tải tiếp thu ý kiến của các bộ liên quan, có các quy định nhằm quản lý hiệu quả nguồn lực đầu tư nạo vét, duy tu các tuyến luồng, không để thất thoát, lãng phí, tiêu cực trong quá trình thực hiện.

HOÀNG TRUNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/35029902-thiet-hai-do-cham-nao-vet-luong-hang-hai-hai-phong.html