Thiệt hàng trăm tỷ USD vì trừng phạt Nga: EU chấp nhận?

EU nhiều lần tuyên bố trừng phạt Nga khiến họ thiệt hại lên tới hàng trăm tỉ USD nhưng vẫn không gỡ bỏ trừng phạt.

Cựu Phó Thị trưởng thành phố Linz (Áo) Detlef Wimmer hôm 19/4 đã tham dự Diễn đàn kinh tế Quốc tế Yalta tổ chức tại Crimea và công bố con số gây sốc.

Cựu Phó Thị trưởng thành phố Linz Detlef Wimmer tham dự Diễn đàn Yalta của Nga. Ảnh: Facebook

Theo ông Detlef Wimmer, các lệnh trừng phạt chống Nga do Mỹ khởi xướng đã khiến Áo thiệt hại khoảng 100 tỷ USD.

Ông Wimmer khẳng định rằng: “Áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, Mỹ đã làm tổn hại đến hoạt động kinh doanh của nhiều nước, bao gồm cả các nước châu Âu... Ước tính rằng thiệt hại của chúng tôi đạt khoảng 100 tỷ USD do các lệnh trừng phạt”.

Trước đó, hồi tháng 9/2017, báo cáo của Đặc phái viên LHQ Idris Jazairi đánh giá về tác động của các lệnh trừng phạt Mỹ và EU áp đặt lên Nga cho thấy, các lệnh trừng phạt đã khiến thị trường ở phương Tây bị thiệt hại lên tới 100 tỷ euro (khoảng 114 tỷ USD).

Con số này không nằm ngoài dự tính của các nhà quan sát.

Không chỉ Áo thiệt hại nặng nề về kinh tế vì trừng phạt Nga. Đức thậm chí còn tính thiệt hại kinh tế theo từng tháng.

Các chuyên gia từ Viện Kiel về kinh tế thế giới đã ước tính mỗi tháng nền kinh tế Đức chịu lỗ 727 triệu USD, đây là mức thiệt hại nghiêm trọng với quốc gia châu Âu này.

Các nhà phân tích nói rằng Berlin chịu gần 40% tổng thiệt hại của phương Tây do tình trạng quan hệ kinh tế và thương mại với Nga xấu đi.

Còn trong năm 2015, tổn thất của các nước phưng Tây do các hạn chế thương mại với Nga lên đến 44 tỷ USD, và EU chiếm 90% trong số liệu thiệt hại này.

Thủ tướng Nga đã từng nói về các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga như "gậy ông đập lưng ông" khi châu Âu cũng phải chịu tổn thất kinh tế.

Thủ tướng Nga nói trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Euronews hồi tháng 10/2018: "Ban đầu là 430 tỷ euro, và sau đó kim ngạch đã giảm xuống còn 220-230 tỷ. Câu hỏi đặt ra là: Châu Âu đã chịu những mất mát gì sau tất cả? Và câu trả lời là vô cùng rõ ràng: Thiếu việc làm. Sụt giảm lợi nhuận. Mất tự tin".

Đáng nói rằng, dù nhận thức rõ ràng những thiệt hại của nền kinh tế EU và các nước thành viên nhưng cho đến nay, giới chức cấp cao ở EU không có những bước đi thực chất nhằm cải thiện quan hệ EU- Nga theo hướng gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.

Một bức ảnh biếm họa việc các nước châu Âu coi biện pháp trừng phạt kinh tế như là một công cụ chính trị.

Đối phó với các lệnh trừng phạt từ nước ngoài, Moscow gia tăng tổ chức các diễn dàn kinh tế thu hút đầu tư ở cả châu Á và châu Âu, thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào trong nước.

Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Yalta lần thứ 5 là một dịp như vậy. Diễn đàn này được tổ chức ngày 17-20/4 mang tên "Thế giới, Nga, Crimea và thực tế thế giới mới".

Người đứng đầu Cộng hòa Crimea Sergei Aksyonov cho biết, Diễn đàn Yalta đã giúp Crimea kết bạn với nhiều quốc gia trên thế giới hơn và giúp trấn an người dân rằng, họ sẽ không phải chịu đựng các lệnh trừng phạt thêm nữa.

"Chúng tôi đã thấy chúng tôi có bao nhiêu đồng minh. Hôm nay chúng tôi hiểu rằng chúng tôi không phải chịu số phận trừng phạt" - ông Aksyonov nói.

Song, việc có thêm những hợp tác kinh tế của các thị trường nước ngoài đến với Crimea chỉ có thể giảm phần nào tác động của các lệnh trừng phạt kinh tế chứ khó có khả năng khiến họ thúc đẩy để gỡ bỏ các biện pháp trừng phạt này.

Đông Phong

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/thiet-hang-tram-ty-usd-vi-trung-phat-nga-eu-chap-nhan-3378708/