Thiết kế lại toàn bộ hệ thống thang, bảng lương

Đề án được nghiên cứu toàn diện, cả về hệ thống bảng lương, về sắp xếp lại các chế độ phụ cấp... Về cơ chế lần này sẽ có nhiều điểm mới, phân cấp phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương, Đề án cũng sẽ tính toán lại việc trả lương cán bộ, công chức, viên chức gắn với hiệu quả công việc.

Công chức, viên chức TPHCM làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước được thí điểm trả lương theo hiệu quả công việc (ảnh minh họa)

Công chức, viên chức TPHCM làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước được thí điểm trả lương theo hiệu quả công việc (ảnh minh họa)

Không trả lương theo bằng cấp

Theo tin từ Bộ Nội vụ, Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp (DN) sẽ được trình lên Trung ương vào tháng 5 tới. “Đây là một vấn đề phức tạp, nhạy cảm, rất khó, liên quan đến nhiều vấn đề, từ đời sống người hưởng lương đến các vấn đề ổn định xã hội, cả về bảo hiểm, tuổi hưu…, đã được Hội nghị T.Ư bàn qua nhiều lần” - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng chia sẻ.

Thông tin về Đề án này, Vụ trưởng Vụ Tiền lương (Bộ Nội vụ) Nguyễn Quang Dũng cho biết, phạm vi của Đề án gồm tiền lương trong khu vực DN và lương cho CBCCVC, LLVT hưởng lương trong khu vực công. Ngay từ những ngày đầu năm 2017, BCĐ đã yêu cầu các bộ ngành địa phương tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện gửi về cơ quan thường trực để tổng hợp; Phó Thủ tướng cùng Bộ trưởng Nội vụ đã thành lập đoàn đi nghiên cứu khảo sát thực tế các bộ, ngành, địa phương và cử các cơ quan thành viên BCĐ đi học tập nước ngoài và làm việc với các tổ chức quốc tế để vận dụng các kinh nghiệm tại Việt Nam; đã đặt nhiều chuyên đề đối với các chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý trong lĩnh vực tiền lương. Đến nay, BCĐ đã bước đầu dự thảo đề án, Bộ Nội vụ đã báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ và cơ bản được đồng tình, được Hội đồng Lý luận T.Ư đánh giá cao.

Theo ông Dũng, nội dung của Đề án được nghiên cứu toàn diện, cả về hệ thống bảng lương, về sắp xếp lại các chế độ phụ cấp... Nhất là, về cơ chế lần này sẽ có nhiều điểm mới, phân cấp phân quyền cho các bộ, ngành, địa phương. Chẳng hạn, từ trước đến nay, chúng ta quy định tiền lương theo ngạch bậc “cứng”, các thủ trưởng đơn vị không có quyền gì trong tuyển dụng nhân tài, thì trong Đề án tiền lương này đã đề cập trao quyền cho thủ trưởng các bộ, ngành, địa phương có cơ chế để tuyển những người có năng lực vào bộ máy và trả tiền lương xứng đáng. Đồng thời, Đề án cho phép các địa phương có quyền tự chủ: Khi tự cân đối được ngân sách nhà nước, tự đảm bảo được nguồn cải cách tiền lương trong một giai đoạn ổn định ngân sách thì cũng được quyền tự quyết định tiền lương cao hơn.

"Đề án cải cách tiền lương liên quan đến cả hệ thống chính trị, nên chúng tôi sẽ phải thiết kế lại toàn bộ hệ thống bảng lương”, ông Dũng khẳng định.

Công chức, viên chức TPHCM làm việc ở các cơ quan quản lý nhà nước được thí điểm trả lương theo hiệu quả công việc (ảnh minh họa)

Dự kiến năm 2021 thực hiện cải cách chính sách tiền lương

Mới đây, tại cuộctọa đàm khoa học “Cải cách chính sách bảo hiểm xã hội và cải cách chính sách tiền lương” do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức - Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng Ban Chỉ đạo Nhà nước về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH) và chính sách ưu đãi người có công cho biết, một số điểm mới trong tư duy cải cách tiền lương là xây dựng 2 bảng lương, một bảng lương dành cho các chức danh vị trí việc làm, một bảng dành cho cán bộ làm công việc thuần túy về chuyên môn, khắc phục được bất cập khi trả lương theo bằng cấp. “Cán bộ, công chức, người lao động trong khu vực công có trình độ cao hơn thì lương cao hơn, lương của cấp trên cao hơn cấp dưới, tránh tình trạng ngược lại như hiện nay”, Phó Thủ tướng nói.

Đề án cũng đặt ra định hướng chi trả thu nhập của cán bộ, công chức theo thông lệ quốc tế là tỷ trọng lương chiếm không quá 70% thu nhập và phụ cấp không được quá 30% (hiện nay nhiều cơ quan, chức danh chi trả phụ cấp rất cao, làm méo mó quan hệ tiền lương). Bên cạnh đó, Đề án cũng bãi bỏ cách tính lương theo hệ số mà quy định về số tuyệt đối trong thang, bảng lương; xác định mức lương tối thiểu là mức sàn thấp nhất, được luật hóa, không ai được trả thấp hơn. Ngoài ra còn quy định mức lương tối thiểu giờ; bãi bỏ can thiệp của Nhà nước vào thang, bảng lương của doanh nghiệp, tiến tới liên thông giữa tiền lương khu vực công và tư.

Để thực hiện thành công cải cách chính sách tiền lương, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành phải hoàn thành xây dựng vị trí việc làm, chức danh nghề nghiệp, thực hiện hiệu quả 2 Nghị quyết số 18 và 19 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tinh gọn bộ máy và đổi mới hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập.

Cũng tại Tọa đàm này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết sau khi Đề án được thông qua thì từ năm 2021, cả nước mới bắt đầu thực hiện cải cách chính sách tiền lương.

Mới đây, TP Hồ Chí Minh đã triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù đã ban hành quy định chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức. Điều đặc biệt lưu ý là thu nhập tăng thêm này sẽ được chi trả căn cứ theo hiệu quả công việc của cán bộ, công chức, viên chức tại từng cơ quan, đơn vị. Dù mang tính đặc thù, nhưng cách làm này chắc chắn sẽ giải quyết được ít nhiều bất cập đặt ra trong chính sách tiền lương hiện nay.

GIANG ĐÔNG-KIM NHUNG

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/thiet-ke-lai-toan-bo-he-thong-thang-bang-luong-d71959.html