Thiết kế sinh thái: Thiếu cơ chế khuyến khích

Đối với thiết kế sinh thái hoạt động này vẫn chưa phát triển ở Việt Nam do còn thiếu các công cụ pháp lý, cơ chế khuyến khích và cả nhận thức của DN.

Thiết kế sinh thái (TKST) là một phần quan trọng để thực hiện kinh tế tuần hoàn, sản xuất và tiêu dùng bền vững. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn chưa phát triển ở Việt Nam do còn thiếu các công cụ pháp lý, cơ chế khuyến khích và cả nhận thức của doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.

Hội thảo "Thiết kế sinh thái góp phần thúc đẩy sản xuất và tiêu dùng bền vững và kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam" do Bộ Công Thương tổ chức. Ảnh: Bùi Hiền

TKST là cách tiếp cận chủ động hướng tới sự phát triển của sản phẩm, dịch vụ, giảm thiểu tác động môi trường trong suốt vòng đời sản phẩm, tạo ra các sản phẩm và dịch vụ có tác động môi trường thấp nhất có thể. Trên thế giới, TKST đang ngày càng được chú trọng đẩy mạnh, đem lại các lợi ích về kinh tế - xã hội và môi trường. Theo báo cáo của Chương trình hành động về nguồn lực và rác thải của Anh (WRAP), TKST góp phần giảm 6,6 triệu tấn khí nhà kính, tránh được việc sản xuất 12,6 triệu tấn vật liệu tồn dư. Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, việc xây dựng và ban hành các công cụ chính sách, hỗ trợ nâng cao năng lực, áp dụng TKST trong các lĩnh vực có tiềm năng là cần thiết và ý nghĩa.

Tại Việt Nam, các sáng kiến và nhu cầu nâng cao năng lực, thực hành về TKST trong lĩnh vực sản phẩm có tiềm năng xuất khẩu như đồ uống, thực phẩm, dệt may… có xu hướng gia tăng, góp phần thúc đẩy sử dụng hiệu quả nguyên, nhiên vật liệu, tuần hoàn chất thải, giảm phát thải khí nhà kính. Đồng thời, đáp ứng các yêu cầu, quy định, tiêu chuẩn, cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, phát triển bền vững.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Chánh Văn phòng Sản xuất và tiêu dùng bền vững; Phó Vụ trưởng Vụ Tiết Kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) - cho biết: TKST là hợp phần quan trọng trong Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững, với các nhiệm vụ chính bao gồm: Xây dựng chính sách, áp dụng mô hình bền vững và thúc đẩy hợp tác liên kết, đổi mới công nghệ và đào tạo truyền thông nhằm thúc đẩy TKST. Các lĩnh vực sản phẩm như bao bì, may mặc, điện tử, đồ uống và thực phẩm được ưu tiên áp dụng mô hình này.

Thực tiễn đến nay, mặc dù TKST có tiềm năng, song việc áp dụng nhân rộng các mô hình chưa được đẩy mạnh. Nguyên nhân chính bắt nguồn từ các yếu tố khách quan và chủ quan: Thiếu công cụ chính sách về TKST, hiểu biết và năng lực triển khai áp dụng các mô hình bền vững thúc đẩy TKST còn hạn chế. Đánh giá cao vai trò của TKST trong triển khai Chương trình hành động quốc gia về sản xuất và tiêu dùng bền vững cũng như thực hiện kinh tế tuần hoàn, ông Patrick Haverman - Phó Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam - khẳng định: TKST như một công cụ mạnh mẽ giúp đạt được cân bằng giữa nguyên tắc bền vững, hiệu quả tài nguyên và ý thức về môi trường.

Theo ông Nguyễn Hồng Long - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, tư vấn sáng tạo và phát triển bền vững (CCS), thực hiện TKST sẽ giúp sản phẩm chất lượng cao hơn, sản xuất hiệu quả hơn; ít chất thải hơn cũng như tạo sự khác biệt của sản phẩm trên thị trường, mang lại sự hài lòng cho khách hàng cũng như góp phần xây dựng ngành công nghiệp phát triển bền vững hơn. Để thúc đẩy TKST, Việt Nam cần ưu tiên nghiên cứu, đánh giá, lựa chọn và xây dựng chính sách, tiêu chuẩn quy định nhằm thúc đẩy thực hiện TKST; tổ chức các khóa đào tạo tập huấn trong nước và quốc tế cho doanh nghiệp, nhà chính sách và các bên liên quan nhằm nâng cao năng lực, trao đổi kinh nghiệm về các quy định chính sách, công cụ chiến lược về TKST và thúc đẩy thực hành mô hình bền vững...

Trong bối cảnh thị trường đang dần chuyển hướng vào sản phẩm xanh và bền vững, các quốc gia trên khắp thế giới đang đặc biệt quan tâm đến việc xanh hóa sản phẩm và thiết lập các quy định nghiêm ngặt về môi trường, tiết kiệm năng lượng. TKST có tiềm năng giúp giảm đến 80% tác động môi trường của sản phẩm.

Thu Hường

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thiet-ke-sinh-thai-thieu-co-che-khuyen-khich-273812.html