Thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp siêu nhỏ

Hiện nay, tại hầu hết các nước trên thế giới, chiếm đông đảo trong lực lượng DN vẫn là nhóm DN vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ. Ngay tại đất nước láng giềng Trung Quốc, DN nhỏ và siêu nhỏ được xem là lực lượng mới trong phát triển kinh tế xã hội, với vai trò không thể thay thế. Hiện nay, số DN này đang chiếm tới hơn 50% doanh thu thuế, hơn 60% GDP và hơn 90% số DN tại Trung Quốc.

Tương tự như vậy, ở Việt Nam, số DN tư nhân có quy mô vừa và nhỏ lên tới hơn 98%, trong đó chủ yếu là DN nhỏ và siêu nhỏ. Do quy mô nhỏ nên số lượng lao động trong mỗi DN cũng khá nhỏ, trung bình là 18 lao động. Ngoài ra, năng suất lao động ở khu vực kinh tế tư nhân tương đối thấp.

Trong bối cảnh kinh tế Việt Nam ngày càng hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới, dù có quy mô nhỏ, siêu nhỏ, song vai trò của khối DN tư nhân này lại vô cùng quan trọng. Xuất phát từ việc nhìn nhận rõ tầm quan trọng đó, thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều chuyển biến tích cực về mặt chính sách, điển hình việc thay đổi nhận thức, phát triển kinh tế thị trường, trên cơ sở đó tạo đà hỗ trợ, thúc đẩy DN nhỏ, siêu nhỏ phát triển. Tuy nhiên, điểm đáng chú ý trong câu chuyện này là, chính sách đã có song tính thiết thực lại chưa cao.

Tại Việt Nam, vài năm trở về trước hay ngay ở thời điểm hiện tại, tiếp xúc trực tiếp với các DN nhỏ, siêu nhỏ, "nỗi niềm" chung mà các DN phản ánh chủ yếu vẫn là gặp không ít khó khăn trong việc tiếp cận vốn cũng như các chính sách hỗ trợ. Các DN siêu nhỏ và hộ kinh doanh cá thể vẫn phải tự vận động, liên kết để hợp tác kinh doanh mà thiếu vắng vai trò rõ nét của chính sách nhà nước.

Dễ thấy, hội nhập kinh tế càng sâu, áp lực cạnh tranh càng nhiều và nếu không được hỗ trợ kịp thời, phù hợp, các DN nhỏ, siêu nhỏ sẽ là đối tượng dễ dàng "gục ngã" trước nhất. Vì thế, có lẽ việc đẩy mạnh hơn nữa cải thiện môi trường kinh doanh, hiện thực hóa các chính sách hỗ trợ, nhất là hỗ trợ các DN gia nhập thị trường là điều không thể trì hoãn thêm nữa. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua hệ thống chính sách, nhiều chuyên gia cho rằng, để có thể "chèo chống" trước "sóng" lớn của quá trình hội nhập kinh tế, các DN nhỏ, siêu nhỏ thực sự cần sự dẫn dắt từ các thành phần DN khác. Động thái này nhằm giúp các DN vừa học hỏi, vừa hỗ trợ nhau cùng phát triển. Trong trường hợp này, Chính phủ cần đặc biệt thể hiện rõ vai trò dẫn dắt, thúc đẩy để quá trình cộng tác, kết nối giữa các DN đạt hiệu quả cao nhất có thể.

Đức Quang

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/thiet-thuc-ho-tro-doanh-nghiep-sieu-nho.aspx