Thiết thực phòng chống nạn tảo hôn

Thời gian qua, huyện Phước Sơn tổ chức nhiều hoạt động thiết thực nhằm nâng cao nhận thức đối với thanh thiếu niên trên địa bàn về nạn tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, góp phần xóa bỏ hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Hội thi “Rung chuông vàng” diễn ra tại Trường PTDTNT Phước Sơn. Ảnh: TẤN SỸ

Nâng cao nhận thức

Từ đầu tháng 11 đến nay, Phòng Dân tộc, Huyện đoàn, Trung tâm Y tế huyện Phước Sơn đã phối hợp tổ chức hội thi tìm hiểu kiến thức về phòng chống tảo hôn và sức khỏe sinh sản vị thành niên.

Đây là hoạt động nhằm nâng cao nhận thức cho các em trong độ tuổi vị thành niên hiểu biết nguyên nhân, hệ lụy, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Mặc dù là ngày nghỉ, song tại nhà đa năng Trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) huyện Phước Sơn vẫn rất đông học sinh. Các em đến đây vừa tham gia hội thi “Rung chuông vàng” vừa cổ vũ cho các bạn tìm hiểu kiến thức về nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống.

Gói 150 câu hỏi do ban tổ chức đưa ra liên quan đến các vấn đề như Luật Hôn nhân gia đình, về hệ lụy của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, hậu quả của quan hệ tình dục khi chưa đến tuổi trưởng thành, các quy định pháp luật về bình đẳng giới, hôn nhân gia đình, kế hoạch hóa gia đình… đã được 150 em học sinh tìm hiểu và trả lời nhanh, chính xác.

Xuất sắc vượt qua 150 học sinh Giẻ Triêng tham gia hội thi, Lê Như Ngọc (lớp 10/1, Trường PTDTNT huyện Phước Sơn) giành giải Nhất. “Khi trường có kế hoạch tổ chức hội thi, em đã tìm đọc tài liệu liên quan đến vấn đề tảo hôn - hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản vị thành niên...

Đây là dịp để em bổ sung kiến thức để bảo vệ sức khỏe, đồng thời chia sẻ những hiểu biết cho các bạn cùng trang lứa hiểu và xa rời nạn tảo hôn - hôn nhân cận huyết thống và xây dựng một cuộc sống tốt đẹp, an toàn hơn” - Như Ngọc chia sẻ.

Thông qua hình thức thi “Rung chuông vàng”, gần 1.000 học sinh ở 6 đơn vị trường học tại thị trấn Khâm Đức, các xã Phước Năng, Phước Hiệp và Phước Thành đã tham gia tìm hiểu kiến thức liên quan đến tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống…

Đây là hoạt động nhằm cung cấp thông tin, phổ biến pháp luật, nâng cao nhận thức và ý thức cho các em nằm trong độ tuổi vị thành niên hiểu biết nguyên nhân, hệ lụy, hậu quả của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, vận động xóa bỏ những hủ tục lạc hậu trong hôn nhân còn tồn tại ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chủ động phòng tránh, ngăn ngừa

Ông Nguyễn Đức An - Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT Phước Sơn cho biết, học sinh ở các xã về ở nội trú để học tập, tiếp xúc với nhau hàng ngày, nên rất dễ nảy sinh tình cảm, nguy cơ dẫn đến tình trạng tảo hôn.

“Vì vậy, cùng với hội thi nêu trên, nhà trường còn lồng ghép nội dung tuyên truyền nạn tảo hôn - hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản vị thành niên vào các giờ học ngoại khóa.

Từ đó, cung cấp kiến thức để các em phòng tránh, quan trọng nhất là giúp học sinh hiểu về tình bạn, tình yêu, về giới tính, tình dục, hôn nhân để các em không rơi vào tình trạng quan hệ tình dục sớm hay lấy vợ lấy chồng khi chưa đủ tuổi” - ông An nói.

Theo bà Hồ Thị Hồng Hảo - Trưởng phòng Dân tộc huyện Phước Sơn, năm 2022, toàn huyện xảy ra 51 trường hợp tảo hôn, nhưng năm nay giảm còn 24 trường hợp. Kết quả đó tuy vẫn còn đáng lo ngại, song cũng thể hiện sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, địa phương.

Phòng Dân tộc huyện đã chủ trì mở nhiều đợt truyền thông đến vùng sâu, vùng xa, khó khăn nhất, chọn đối tượng là nam nữ thanh niên dễ nằm trong diện nguy cơ tảo hôn - hôn nhân cận huyết thống. Bên cạnh đó, đơn vị còn chủ động tổ chức hội thi “Rung chuông vàng”.

“Chúng tôi mong muốn, các em học sinh Giẻ Triêng sẽ là những tuyên truyền viên tích cực để tiếp tục vận động bà con, anh em trong dòng tộc thực hiện tốt pháp luật về tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cũng như việc nâng cao sức khỏe cho cộng đồng.

Thông qua công tác tuyên truyền nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu có hiệu quả tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và nâng cao nhận thức cho học sinh về sức khỏe sinh sản vị thành niên. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng dân số và nguồn nhân lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại Phước Sơn” - bà Hảo nói.

TẤN SỸ

Nguồn Quảng Nam: https://baoquangnam.vn/xa-hoi/thiet-thuc-phong-chong-nan-tao-hon-152208.html