Thiếu chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp bán lẻ nội

Thời gian gần đây, việc DN nước ngoài liên tục khai trương, đưa vào hoạt động hệ thống cửa hàng tiện lợi, kinh doanh thời trang đã khiến thị trường bán lẻ Việt Nam tăng tốc sau một thời gian phát triển chậm chạp.

Mặc dù thị trường bán lẻ đã lấy lại đà phát triển nhưng DN Việt vẫn đứng ngoài cuộc bởi nội lực yếu trong khi chính sách ưu đãi lại thiếu hụt.
Việt Nam - thị trường hấp dẫn
Sau khi khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP Hồ Chí Minh (tháng 9/2016), đến tháng 11/2017 nhãn hiệu thời trang Zara (Tây Ban Nha) tiếp tục mở thêm cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại TTTM Vincom Bà Triệu. Cũng trong lĩnh vực thời trang, từ tháng 9/2011 đến nay, Tập đoàn đa quốc gia H&M (Thụy Điển) đã liên tục khai trương cửa hàng kinh doanh thời trang tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội.
Từ tháng 6 năm nay, thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục được hâm nóng khi Công ty CP Seven System Việt Nam đã chính thức khai trương cửa hàng tiện lợi 7-Eleven đầu tiên tại Việt Nam, dự kiến trong 10 năm tới sẽ mở khoảng 1.000 cửa hàng 7-Eleven. Đây là chuỗi cửa hàng tiện lợi thương hiệu Nhật Bản thứ 3 vào Việt Nam, sau FamilyMart và Ministop. Ngoài 7-Eleven, phân khúc cửa hàng tiện lợi còn xuất hiện nhiều cái tên ngoại khác như Circle K, B’Mart… Nhãn hiệu Uniqlo (Nhật Bản) đã có kế hoạch thâm nhập thị trường Việt Nam trong thời gian tới. Trong khi đó, DN bán lẻ Hàn Quốc Lotte Mart dự kiến sẽ mở 60 cửa hàng vào năm 2020 so với con số 13 cửa hàng hiện đang hoạt động.

 Người tiêu dùng mua hàng nông sản tại siêu thị Vinmart. Ảnh: Thu Hương

Người tiêu dùng mua hàng nông sản tại siêu thị Vinmart. Ảnh: Thu Hương

Việc các DN bán lẻ quốc tế liên tục đầu tư cho thấy, Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn. Bảng xếp hạng năm 2017 do hãng tư vấn A.T.Kearney (Mỹ) vừa công bố cũng đánh giá Việt Nam đứng ở vị trí thứ 6 trong các thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới. Trưởng khu vực Đông Nam Á của A.T. Kearney, ông Soon Ghee Chua cho biết: Nguyên nhân khiến Việt Nam tăng bậc về chỉ số xếp hạng trong năm 2017 là do Luật Đầu tư khá thông thoáng đã góp phần thúc đẩy sự hấp dẫn đối với các nhà bán lẻ nước ngoài. Hơn nữa, nền kinh tế Việt Nam cũng đang chuyển đổi theo hướng mở rộng đầu tư của khối tư nhân và hướng tới xuất khẩu hàng hóa giá trị cao. Điều này sẽ giúp tăng thu nhập bình quân và mức chi tiêu dùng trong dài hạn. “Đây là những lý do khiến các nhà bán lẻ nước ngoài đặt nhiều niềm tin vào thị trường Việt Nam” - ông Soon Ghee Chua nhận định.
Khó cạnh tranh với doanh nghiệp ngoại
Theo Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ Việt Nam còn rất nhiều tiềm năng vì kênh bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ. Dự báo đến năm 2020, kênh bán lẻ này sẽ nâng tỷ lệ lên 45%, cả nước sẽ có khoảng 1.200 - 1.300 siêu thị và hàng nghìn cửa hàng tiện ích. Mặc dù tiềm năng phát triển còn nhiều nhưng DN Việt Nam hầu như dậm chân tại chỗ trong quá trình phát triển hệ thống bán lẻ. Nhận định về thực trạng này, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) Lê Việt Nga nêu rõ: Hầu hết các DN bán lẻ Việt Nam đều là DN nhỏ và siêu nhỏ. Đặc biệt, Việt Nam chưa xây dựng được chính sách ưu đãi để DN nội cạnh tranh với DN ngoại trong quá trình mở cửa thị trường cho DN bán lẻ nước ngoài đầu tư theo cam kết WTO.
Nhìn nhận về chính sách hỗ trợ DN trong quá trình đầu tư hệ thống bán lẻ, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Thị Hải Thanh cho rằng, hiện DN bán lẻ Việt Nam không được hưởng ưu đãi về cơ chế tài chính, tín dụng nên khó cạnh tranh với DN ngoại. Vì vậy, Nhà nước nên cho DN được hưởng tín dụng ưu đãi khi đầu tư hệ thống bán lẻ để đủ sức phát triển thành DN bán lẻ quy mô lớn.
Đồng tình với ý kiến này, đại diện Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, để hỗ trợ DN bán lẻ Việt Nam mở rộng hệ thống phân phối, Nhà nước nên bổ sung ngành bán lẻ, bao gồm tất cả các loại hình bán lẻ vào danh mục ưu đãi đầu tư trong Luật Đầu tư, chứ không nằm trong nhóm cơ sở hạ tầng như hiện nay. Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, DN bán lẻ nội nên liên kết, tạo sức mạnh để giành lại thị trường nội địa.

Khuynh hướng tiêu dùng của người Việt đã thay đổi từ chợ truyền thống chuyển sang các siêu thị tiện ích. Vì vậy, các DN Việt Nam phải nắm bắt được tâm lý này để vừa phát triển theo hình thức kinh doanh mới để giữ thị phần, đồng thời tiếp tục duy trì hệ thống phân phối bán lẻ ở các chợ để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
PGS.TS Nguyễn Văn Nam - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và Cạnh tranh (Bộ KH&CN)

Thu Hương

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/thieu-chinh-sach-uu-dai-cho-doanh-nghiep-ban-le-noi-304262.html