Thiếu cơ chế đặc thù – du lịch Sa Pa liệu có thể phát triển đột phá?

Khoác trên mình chiếc áo khu du lịch quốc gia, dưới sự điều hành của bộ máy chính quyền đô thị, nhưng dễ thấy Sa Pa chưa có những bước phát triển đột phá xứng tầm như kì vọng, bởi sự thiếu sót ngay từ trong cơ chế.

Lần thứ hai ghé thăm Sa Pa, du khách Nguyễn Đình Sơn, đến từ Nghệ An vẫn phải thừa nhận rằng nơi đây sở hữu khung cảnh kì vĩ cùng khí hậu tuyệt vời, con người Sa Pa cũng rất giàu văn hóa và lòng hiếu khách. Nhưng so với nhiều điểm đến khác, địa phương này vẫn phát triển tự phát, chưa thực sự đầu tư để thu hút khách du lịch.

"Năm 2011 tôi đã đến đây nhưng quay lại thấy Sa Pa không có gì thay đổi mấy. Ngoài đỉnh Fansipan và bản Cát Cát là có sự đầu tư quy mô, còn núi Hàm Rồng ngày xưa thế nào bây giờ vẫn thế. Ngoài ra, Sa Pa còn thiếu sót các điểm vui chơi để du khách lưu lại một đêm cảm thấy có ý nghĩa chứ hiện tại không có gì cả, tối đến là im ắng hết".

Còn theo du khách Lê Hồng Lệ đến từ Hà Nội, con đường cao tốc hình thành đã rút ngắn khoảng cách giữa Sa Pa với Thủ đô, mở ra cơ hội dịch chuyển cho nhiều người mỗi dịp cuối tuần, nhất là ở nhóm trẻ. Nhưng thực tế muốn nán lại Sa Pa lâu hơn cũng không còn chỗ để đi: "Tôi nghĩ Sa Pa cần có thêm các điểm vui chơi để du khách đến. Ví dụ như thế hệ 9x chúng tôi hoặc thế hệ sau là Gen Z thường mong muốn có nhiều điểm chụp ảnh sống ảo, đấy cũng là một trong những tiêu chí để lựa chọn khi đi du lịch".

Du khách Nguyễn Đình Sơn (phải) trong lần cùng gia đình quay trở lại thăm núi Hàm Rồng

Thống kê mới nhất vào năm 2019, thời gian lưu trú bình quân của khách du lịch tại Sa Pa chỉ rơi vào khoảng 2 ngày. Trong thời gian này, du khách cũng bỏ nhiều tiền nhất vào ăn uống, vì ngoài ra không có nhiều lựa chọn đi đâu, làm gì.

Trong vài ba năm trở lại đây, các mô hình check-in đua nhau mọc lên ở Sa Pa như một làn gió mới mang đến cho du khách cơ hội tham quan, trải nghiệm, giải trí. Theo một cán bộ quản lý tại địa phương, đến nay toàn thị xã có khoảng 40 điểm check-in, nhưng để đủ điều kiện hoạt động thì rất ít nên hầu hết đều tự phát, manh mún, thu vé tham quan dưới dạng “combo” dịch vụ để lách luật, đương nhiên nhà nước cũng không thể thu được thuế.

Theo ông Phạm Cao Vỹ - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Lào Cai, doanh nghiệp là những người trực tiếp tham gia vào thị trường, nên muốn tồn tại buộc phải sáng tạo và nhanh nhạy. Nhưng ở Sa Pa hiện nay, nhiều mô hình du lịch muốn làm đúng, đủ gần như không thể, hoặc giả có hoàn tất được thủ tục thì cơ hội đã vuột khỏi tầm tay vì thời gian chờ đợi quá lâu.

"Không ai muốn làm sai cả. Tuy nhiên, giả sử doanh nghiệp muốn làm một điểm check-in hoặc một khu homestay thì người ta không biết phải xuất phát như thế nào để đến được đích chuẩn theo quy định. Chính vì vậy rất dễ dẫn đến vi phạm. Có những chỗ vừa mới mở ra, bắt đầu thu hút được khách là lại thấy quyết định tháo dỡ, rất thiệt hại cho doanh nghiệp" - ông Phạm Cao Vỹ nói.

Khách du lịch trên khu vực ga đến cáp treo Fansipan

Thực tế thời gian qua, đã có 2 điểm check-in ở Sa Pa là An Sa Pa và Vườn Vô cực vừa đi vào hoạt động đã bị cơ quan chức năng tuýt còi.

Theo ông Trần Sơn Bình - Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Lào Cai, chiểu theo quy định thì không thể không xử lý dù rằng phải áp dụng chế tài là bất khả kháng. Hiện nay đang có một bài toán rất khó giải ở Sa Pa trong câu chuyện quản lý, đó là ngoài quy định của Luật Du lịch thì việc phát triển du lịch ở địa phương còn phải tuân thủ nhiều pháp luật chuyên ngành khác như Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Di sản văn hóa…

"Đơn cử như vừa qua Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định 922 về phát triển du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới. Nhưng phát triển du lịch ở những khu vực đang là đất nông nghiệp, muốn phục vụ khách không chỉ đáp ứng nhu cầu tham quan mà tối thiểu nhất phải có chỗ đi vệ sinh, hay điểm phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi, thì như vậy lại trái với Luật Đất đai và các quy định chuyên ngành" - ông Trần Sơn Bình nói.

Ruộng bậc thang Sa Pa

Theo bà Hoàng Thị Vượng - Trưởng phòng Văn hóa Thông tin thị xã Sa Pa, Sa Pa được nâng cấp lên thị xã, được công nhận danh hiệu Khu Du lịch quốc gia chính bởi những yếu tố đặc thù, nhưng lại đang thiếu cơ chế đặc thù để phát triển, trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của nhà nước và tư nhân, vừa không phá vỡ cảnh quan và nét đẹp văn hóa. Muốn Sa Pa phát triển đột phá như mục tiêu đề ra không có cách nào khác là phải đột phá ngay từ trong cơ chế.

Bà Hoàng Thị Vượng nói: "Nếu thực sự muốn làm, thực sự muốn tạo điều kiện thì phải có một cơ chế đặc thù cho Sa Pa. Thế nhưng câu chuyện lại rất cứng nhắc, đó là mặc dù mọi người nói rằng cho Sa Pa cơ chế đặc thù, nhưng khi Sa Pa đề xuất cơ chế đặc thù thì các phòng ban liên quan lại trả lời là luật không quy định thế rồi lại thôi. Trong khi luật mà quy định rồi thì còn cần gì đặc thù nữa".

Theo ông Phan Đăng Toàn - Bí thư Thị ủy Sa Pa, thời gian qua, Sa Pa cũng tổ chức các đoàn đi học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nơi, và mới đây nhất là Đà Lạt (Lâm Đồng). Hiện, thị xã cũng đang giao cho các đơn vị chuyên môn nghiên cứu, xây dựng một quy chế thí điểm để trình xin ý kiến của tỉnh. Ví dụ cho phép tổ chức, cá nhân khai thác tài nguyên cảnh quan để thu hút du khách trên một diện tích nhất định; trong đó, khống chế tỷ lệ xây dựng cùng các nguyên tắc đối với công trình. Trường hợp đất nằm trong quy hoạch vẫn có thể tận dụng khai thác, nhưng phải kèm cam kết hoàn trả khi nhà nước giải phóng mặt bằng v.v…

"Trong Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển Sa Pa đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 đã có một nội dung là có cơ chế đặc thù cho Sa Pa, chúng tôi sẽ vận dụng vào đó để đề xuất với tỉnh. Và Trung ương cũng có quan điểm là những cái gì mới thì chúng ta đưa vào thí điểm, sau đó vừa làm vừa rút kinh nghiệm, hay thì phát huy còn không hay thì sẽ điều chỉnh, quan trọng là chúng ta quản lý như thế nào" - ông Phan Đăng Toàn nói.

Quản lý như thế nào vừa linh hoạt, vừa hiệu quả đối với du lịch Sa Pa vẫn là câu hỏi lâu nay đang còn bỏ ngỏ. Điều đáng nói là trong khoảng lặng ấy, thế giới ngoài kia vẫn không ngừng vận động, còn giữa một thị xã nhỏ bé đang phải khoác trên mình chiếc áo quá rộng thì sự sáng tạo, sự phát triển đang bị hạn chế; vô hình trung khiến nơi đây trở nên kém hấp dẫn trong mắt du khách và mục tiêu đưa Sa Pa thành Khu Du lịch quốc gia mang tầm quốc tế tự nhiên cũng thêm xa vời./.

An Kiên/VOV-Tây Bắc

Nguồn VOV: https://vov.vn/du-lich/thieu-co-che-dac-thu-du-lich-sa-pa-lieu-co-the-phat-trien-dot-pha-post997382.vov