Thiếu điểm trông giữ ô tô ở Hà Nội: Bài toán khó chưa có lời giải

Có một nghịch lý đang diễn ra ở nội thành Thủ đô Hà Nội, trong khi người dân đang gian nan trong việc tìm kiếm nơi gửi các phương tiện giao thông cá nhân thì trên nhiều khu đất 'vàng' tại các quận trung tâm thành phố từng được quy hoạch làm nơi trông giữ xe nay lại được sử dụng vào các mục đích thương mại khác.

Gian nan tìm điểm trông xe ô tô

Nhà ở khu đô thị Đặng Xá (huyện Gia Lâm), cuối tuần là anh Phạm Sơn đưa cả nhà lên bờ Hồ để thư giãn, dạo quanh khu phố đi bộ. Mặc dù giải pháp đưa gia đình đi chơi là hợp lý nhưng có điều là việc tìm kiếm điểm trông giữ ô tô xung quanh khu vực hồ Hoàn Kiếm luôn rất khó khăn.

Anh Sơn chia sẻ: “Xung quanh khu vực trung tâm Thủ đô không có một bãi trông giữ xe được xây dựng theo đúng nghĩa. Điều đó không chỉ khiến cá nhân tôi mà nhiều người gặp muôn vàn khó khăn để tìm cho mình một điểm đỗ xe ô tô hợp lý, chính đáng. Hôm nào may mắn, tôi có thể tìm được chỗ để ô tô gần bờ hồ. Nếu đi muộn, các điểm trông giữ xe ở đây sẽ hết chỗ.

Tôi phải đi xa hơn để tìm kiếm các điểm trông giữ xe khác, đồng nghĩa với việc chúng tôi sẽ phải đi bộ xa hơn. Giá gửi xe hiện nay được tính theo giờ nên với mỗi buổi đi chơi, chúng tôi phải trả hàng trăm nghìn đồng chỉ để gửi xe”.

Để đáp ứng nhu cầu bức thiết của người dân, chính quyền Hà Nội đành tận dụng vỉa hè, lòng đường để cấp phép cho các điểm trông giữ xe hoạt động. Tuy nhiên, nhu cầu gửi xe của người dân vẫn rất lớn nên các điểm trông giữ xe không phép vẫn tiếp tục mọc lên dày đặc ở khu vực này.

Lô đất ngã tư Hàng Bài – Hai Bà Trưng từng được quy hoạch làm bãi đỗ xe.

Với anh Nguyễn An Tuấn thì khác, sống tại một chung cư tại phường Giảng Võ (quận Ba Đình, Hà Nội) nhưng anh cảm thấy vô cùng mệt mỏi khi phải tìm nơi gửi xe ô tô. Gia đình anh Tuấn có 2 chiếc ô tô nhưng tầng hầm của chung cư không đáp ứng được nhu cầu để ô tô gia đình nên anh chỉ gửi được một ô tô. Chiếc xe còn lại, anh đành nhờ nhân viên mang đến công ty để, vì tòa nhà không còn chỗ để. Trong khi đó, gần nơi anh sống cũng không có chỗ gửi xe nào khác. Các khách hàng đến giao dịch tại tầng thương mại của tòa nhà thường xuyên phải để xe trên vỉa hè hoặc đỗ dưới lòng đường...

Những điểm trông giữ xe trên... giấy

Qua tìm hiểu, theo quy hoạch từ năm 2003, thành phố Hà Nội sẽ xây dựng 34 điểm/bãi đỗ xe công cộng tại 7 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Ba Đình, Tây Hồ, Thanh Xuân, Cầu Giấy) với tổng diện tích 205.838m2; tổng diện tích sàn đỗ 381.752m2; sức chứa 13.588 xe sẽ thay thế các điểm đỗ xe trên hè phố. Tuy nhiên, sau 15 năm, không khó để thống kê trong số 34 điểm/bãi đỗ xe, hiện có bao nhiêu điểm được xây dựng và đưa vào sử dụng.

Mảnh đất nằm tại góc phố Hai Bà Trưng - Hàng Bài trước đây do Công ty Nhựa Hà Nội sử dụng, theo quy hoạch ban đầu dự kiến xây dựng bãi đỗ xe nhiều tầng ngầm và nổi để thay thế các điểm đỗ trên hè phố Hai Bà Trưng, Hàm Long, Hàng Trống, Bà Triệu... Để giải phóng mặt bằng, TP Hà Nội đã phải tiêu tốn rất nhiều tiền để đền bù cho người dân.

Tuy nhiên sau đó nó lại được chuyển đổi sang mục đích kinh doanh thương mại, thay vì mục đích phục vụ dân sinh, công cộng. Sau nhiều lần thay đổi quy hoạch từ bãi trông giữ xe thành chung cư rồi khách sạn thương mại, đến nay mảnh đất này vẫn tiếp tục bỏ hoang và được quây tôn kín xung quanh.

Ví dụ điển hình, mảnh đất nằm tại góc phố Hai Bà Trưng - Hàng Bài trước đây do Công ty Nhựa Hà Nội sử dụng, theo quy hoạch ban đầu dự kiến xây dựng bãi đỗ xe nhiều tầng ngầm và nổi để thay thế các điểm đỗ trên hè phố Hai Bà Trưng, Hàm Long, Hàng Trống, Bà Triệu... Để giải phóng mặt bằng, TP Hà Nội đã phải tiêu tốn rất nhiều tiền để đền bù cho người dân.

Tuy nhiên sau đó nó lại được chuyển đổi sang mục đích kinh doanh thương mại, thay vì mục đích phục vụ dân sinh, công cộng. Sau nhiều lần thay đổi quy hoạch từ bãi trông giữ xe đến chung cư, khách sạn... đến nay mảnh đất này vẫn tiếp tục bỏ hoang và được quây tôn kín xung quanh.

Hai khu đất ở địa chỉ số 66 và 68 Lê Văn Lương cùng một phường Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) theo phê duyệt là hai dự án bãi đỗ xe công cộng kết hợp trồng cây xanh, công trình dịch vụ. Tuy nhiên, hiện nay cả hai dự án bãi đỗ xe này đều bị biến tướng thành nơi cho thuê làm trung tâm tiệc cưới, showroom ô tô, làm văn phòng cho thuê.... Việc biến tướng này đã diễn ra nhiều năm nay, chính quyền từ phường, quận đến thành phố đều biết nhưng vi phạm vẫn ngang nhiên tồn tại mà không hề bị xử lý.

Còn trên địa bàn quận Thanh Xuân, tại hai địa chỉ số 66 và số 68 Lê Văn Lương, đều là khu vực được cấp phép để làm bãi trông đỗ xe công cộng nhưng giờ đây, chỉ 1/3 diện tích làm bãi đỗ xe, diện tích còn lại được sử dụng vào mục đích kinh doanh như: Trung tâm tiệc cưới, showroom ô tô, cửa hàng bán xăng... Các công trình này đều được xây dựng từ những năm 2010.

Ngay tại vùng trung tâm của khu đô thị Trung Hòa – Nhân Chính, nơi có mật độ dân cư thuộc hàng cao nhất của Thủ đô, một khu đất được quy hoạch làm cây xanh, bãi gửi xe nay cũng thành nhà hàng, nơi bán bia hơi của Tập đoàn Lã Vọng. Rất nhiều năm trôi qua, nhà hàng này vẫn tồn tại bất chấp những phản ứng dữ dội của người dân.

Không những thế, hàng loạt các dự án bãi đỗ xe khác như: Dự án cống hóa mương Phan Kế Bính (quận Ba Đình); mương Nghĩa Đô-Nguyễn Khánh Toàn (Cầu Giấy)… kết hợp bãi đỗ xe nay đều bị biến tướng. Các sai phạm này đã được dư luận là chính quyền chỉ ra là sử dụng sai mục đích, xây dựng sai phép lâu nay không được các cơ quan quản lý xử lý nghiêm.

Thanh Hà

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/thieu-diem-trong-giu-o-to-o-ha-noi-bai-toan-kho-chua-co-loi-giai-80318.html