Thiếu điều kiện bảo đảm, khó tổ chức hoạt động giáo dục

Trên địa bàn tỉnh Lai Châu hiện còn thiếu về cơ sở vật chất và giáo viên. Cụ thể, tỉnh đang gặp khó về nguồn tuyển, đặc biệt đối với các môn học tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Điều này gây khó khăn cho việc tổ chức các hoạt động giáo dục đối với các môn học mới trong Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Nhiều khó khăn với học sinh dân tộc

Báo cáo với Đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội "Việc thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông", Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng cho biết: trong những năm qua, quy mô mạng lưới trường, lớp trên địa bàn được sắp xếp tinh gọn, ổn định, phù hợp với thực tiễn, cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư. Đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản đủ về số lượng, chất lượng được nâng lên. Học kỳ I năm học 2022 - 2023, toàn tỉnh có 227 trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên; với 3.825 lớp và 112.566 học sinh…

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Lai Châu. Ảnh: Lê Thủy

Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh - Phó Trưởng Đoàn giám sát phát biểu tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Lai Châu. Ảnh: Lê Thủy

Chuẩn bị cho Chương trình giáo dục phổ thông 2018, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lai Châu Đinh Trung Tuấn cho biết, tỉnh quan tâm triển khai cơ sở vật chất bằng nguồn vốn thích hợp, các chương trình từng bước xóa phòng học tạm, kiên cố hóa trường lớp. Nếu năm 2010, Lai Châu có trên 50% phòng học tạm, đến nay chỉ còn khoảng 5%, hiện toàn tỉnh còn 98 phòng học tạm. Dù nguồn lực hạn chế, nhưng tỉnh luôn dành nguồn ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, đến nay cơ bản các trường có các phòng học bộ môn, phòng học chức năng, phòng học, phòng làm việc kiên cố theo quy định.

Dù vậy, với đặc thù của tỉnh miền núi, biên giới, có 4 huyện nghèo đồng thời cũng là huyện biên giới (Mường Tè, Nậm Nhùn, Sìn Hồ và Phong Thổ), trong số 106 xã, phường, thị trấn có 54 xã đặc biệt khó khăn, 22 xã biên giới; đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 84%, tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo còn cao. Địa hình đồi núi chia cắt, phức tạp, độ dốc lớn, khí hậu thời tiết khắc nghiệt có ảnh hưởng đến công tác giáo dục. Bên cạnh đó, một số yêu cầu về năng lực trong Chương trình còn cao so với học sinh dân tộc vùng đặc biệt khó khăn. Chương trình mới đòi hỏi sự tham gia hỗ trợ thường xuyên của gia đình vào quá trình học tập của học sinh, nhưng thực tế đối với một số xã biên giới, xã đặc biệt khó khăn, thì việc quan tâm của gia đình đến việc học tập của con em còn hạn chế, do nhiều phụ huynh đi làm ăn xa. Mặt khác, ở các địa bàn này, thiết bị hỗ trợ học tập còn hạn chế, khiến các em học sinh khó khăn trong việc tự học, tự tìm hiểu kiến thức; nhiều học sinh dân tộc khó khăn khi tham gia các hoạt động chia sẻ, hợp tác trong quá trình học tập và tham gia các hoạt động giáo dục…

Cần giải pháp để bảo đảm đủ giáo viên

Tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát với tỉnh Lai Châu ngày 29 - 30.3 vừa qua, vấn đề thiếu giáo viên được đặc biệt quan tâm thảo luận. Theo báo cáo của UBND tỉnh Lai Châu, hiện tại số lượng người làm việc, hợp đồng lao động được giao của tỉnh còn thiếu so với định mức. Lai Châu cũng đang thiếu giáo viên, việc tuyển dụng gặp khó khăn về nguồn tuyển, đặc biệt đối với các môn học mới trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, như tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Chưa kể số lượng giáo viên chuyển công tác, nghỉ chế độ, thôi việc hàng năm vào khoảng 250 - 300 giáo viên.

Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ Trần Bảo Trung cho biết:Lai Châu là vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, dù có phụ cấp nhưng “không thấm vào đâu”, trong khi đó, giáo viên phải đi lại khó khăn, từ xã xa nhất đến vùng thấp là hơn 80km, vào bản hơn 20km đường đất. Bởi vậy, giáo viên vùng cao nếu không yêu nghề thì rất dễ nghỉ việc. Trong khi đó, công tác tuyển dụng giáo viên trên địa bàn rất khó khăn. Năm 2022, huyện Phong Thổ dự kiến tuyển 70 giáo viên, nhưng chỉ được 39 giáo viên (không có giáo viên Tin học và tiếng Anh), sau đó, trong khi làm việc do điều kiện quá khó khăn nên 2 giáo viên đã bỏ dạy.

UBND huyện Phong Thổ đề xuất nên nghiên cứu có chính sách lương tốt và ưu đãi cho giáo viên ở địa bàn vùng sâu, vùng xa. Hiện nay, để bảo đảm giáo viên dạy môn Tin học và tiếng Anh, huyện thực hiện dồn dịch các điểm trường lẻ đối với các nơi có đủ điều kiện, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ, để có thể giảm số lớp/trường. Giai đoạn trước năm 2020, huyện Phong Thổ đã sáp nhập từ 65 trường xuống còn 48 trường, đưa học sinh về trung tâm để nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Năm học 2022 - 2023, huyện ưu tiên tối đa việc đưa học sinh lớp 3 về trung tâm để 100% số học sinh được học trực tiếp môn Tin học và tiếng Anh.

Tại cuộc làm việc với Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú tỉnh Lai Châu, Hiệu trưởng nhà trường Vương Văn Tâm cho biết, nhà trường chưa thực hiện dạy môn Âm nhạc và Mỹ thuật theo Chương trình mới do thiếu giáo viên. Thực tế, với lực lượng giáo viên và cơ sở vật chất như hiện nay, nhà trường xây dựng Chương trình phù hợp để học sinh lựa chọn hơn thì không đủ điều kiện. Trả lời vấn đề Đoàn giám sát đặt ra liên quan đến việc giảng dạy các chủ đề Mỹ thuật, Âm nhạc trong khi giảng dạy môn Giáo dục địa phương, cô Lý Thị Đông, giáo viên dạy môn Địa lý của nhà trường chia sẻ: do không có giáo viên bộ môn, nên các giáo viên Địa lý, Ngữ văn (được phân công giảng dạy Giáo dục địa phương) tự nghiên cứu chuẩn bị, tùy theo chuyên đề có thể linh hoạt theo các phương pháp, như sinh hoạt theo từng nhóm dân tộc, cho các em tập hát, thể hiện năng lực thiết kế video, tái hiện văn hóa dân tộc…

Để giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, thời gian tới, UBND tỉnh Lai Châu cho biết, tiếp tục thực hiện dồn dịch các điểm trường lẻ đối với các nơi có đủ điều kiện, sáp nhập các trường có quy mô nhỏ trong giai đoạn 2020 - 2025. Tiếp tục rà soát và có các giải pháp hữu hiệu sắp xếp lại đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý, nhân viên để bảo đảm cơ cấu phù hợp. Xác định số giáo viên đã có, còn thiếu, cần được tuyển dụng, bồi dưỡng trong thời gian tới và dự báo nhu cầu khi thực hiện Chương trình mới. Ưu tiên bố trí biên chế, bổ sung đủ số lượng giáo viên dạy Tin học, tiếng Anh và không để tình trạng thiếu giáo viên khi triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Trước tình trạng thiếu giáo viên, chúng tôi đã đưa ra bàn thảo nhiều, từng tính tới việc trình HĐND ra Nghị quyết cho thuê các trung tâm tiếng Anh từ Hà Nội giảng dạy trực tuyến cho học sinh, nhưng cũng chỉ thực hiện được ở một vài nơi. Bởi ở vùng sâu, vùng xa, chỉ có sóng điện thoại, internet rất yếu, giảng dạy qua internet cũng có những hạn chế”. Chia sẻ điều này, Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu Trần Tiến Dũng đề xuất với Đoàn giám sát nên chăng có đề án từ Chính phủ giải quyết những bất cập từ thực tiễn hiện nay, nhất là về giáo viên, trong đó có giáo viên tiếng Anh và Tin học, từ đó có cơ chế điều phối tổng thể trên phạm vi toàn quốc, không chỉ cho một tỉnh hay liên tỉnh. Làm được như vậy sẽ bài bản, lâu dài và quan trọng nhất là qua đó góp phần đào tạo đội ngũ giáo viên đạt chuẩn.

Lê Thủy

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/thieu-dieu-kien-bao-dam-kho-to-chuc-hoat-dong-giao-duc-i324104/