Thiếu hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ đang 'cản bước' thu hút vốn FDI vào miền Trung

Khu vực miền Trung có nhiều ưu thế thu hút vốn FDI nhưng cũng còn nhiều 'điểm yếu' cần khắc phục, nổi bật là còn đang thiếu hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ.

Người lao động miền Trung gắn bó và đủ khả năng đáp ứng yêu cầu sản xuất

Tại diễn đàn mở rộng hợp tác đầu tư giữa Hàn Quốc và Việt Nam tại miền Trung Việt Nam do Tổng Lãnh sự Hàn Quốc tại Đà Nẵng phối hợp với UBND các địa phương: Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi tổ chức mới đây tại TP. Đà Nẵng, nhiều doanh nghiệp vốn FDI Hàn Quốc đang hoạt động tại miền Trung đã đánh giá cũng như nêu ra những điểm nổi bật của miền Trung trong thu hút vốn FDI.

Người lao động khu vực miền Trung được doanh nghiệp vốn FDI Hàn Quốc đánh giá cao về sự gắn bó, cần cù trong lao động

Trong đó, các doanh nghiệp Hàn Quốc đều đánh giá cao sự gắn bó của người lao động miền Trung đối với doanh nghiệp.

Theo ông Kim Hak Sun - Tổng giám đốc Công ty TNHH Seoul System Vina (doanh nghiệp công nghệ thông tin, đầu tư tại TP. Đà Nẵng), nhân lực công nghệ thông tin tại Đà Nẵng đủ khả năng đáp ứng thực hiện được những dự án công nghệ thông tin. “Ưu điểm lớn nhất là nguồn nhân lực IT tại TP. Đà Nẵng rất tốt. Sau khi trải qua những khó khăn ban đầu thì hiện tại nhóm nhân lực IT tại Việt Nam đã đảm nhận được những dự án rất lớn, rất quan trọng do trụ sở công ty ở Hàn Quốc chuyển”, ông Kim Hak Sun nói và cho biết, tại công ty, nhân lực IT người Việt Nam làm việc rất cần cù, chăm chỉ, đạt hiệu quả và gắn bó với doanh nghiệp, ý thức kỷ luật tốt.

Sau 5 năm đầu tư tại miền Trung, ông Lee Sung Hoon - Tổng giám đốc Công ty CTR Vina (doanh nghiệp chuyên sản xuất và cung cấp các linh kiện ô tô, đầu tư tại KCN Tam Thăng, TP. Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) nhận định, Việt Nam là quốc gia có môi trường đầu tư rất tốt trong khu vực Đông Nam Á.

Đại diện CTR Vina đánh giá cao người lao động miền Trung. Theo ông Lee Sung Hoon, riêng tại miền Trung, tỷ lệ nhảy việc thấp. Bên cạnh đó, người lao động tại miền Trung giao tiếp và hợp tác trong sản xuất với chủ doanh nghiệp rất tốt. “Đặc biệt, công đoàn công ty – tổ chức đại diện cho quyền lợi người lao động trong doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, nếu có vấn đề gì trong hoạt động lãnh đạo công ty sẽ làm việc với công đoàn công ty, sau đó công đoàn sẽ trao đổi với người lao động để cùng thống nhất”, ông Lee Sung Hoon đánh giá.

Ngoài ra, một số “điểm cộng” khi đầu tư tại khu vực miền Trung được chỉ ra là, hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện, thuận lợi, đi lại dễ dàng; chất lượng không khí miền Trung, đặc biệt là tại Đà Nẵng – thành phố lớn rất tốt; an ninh chính trị đảm bảo an toàn; hay điều kiện về hạ tầng cơ bản đáp ứng yêu cầu sản xuất. “Chúng tôi đã hoạt động ở miền Trung được 5 năm, và chưa bao giờ bị cúp điện đột xuất. Khi có cúp điện chúng tôi luôn được thông báo trước để chủ động trong sản xuất. Và tỷ lệ cúp điện cũng rất thấp”, ông Lee Sung Hoon cho hay.

Thiếu hệ sinh thái các doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ đang là một cản trở đối với nhà đầu tư FDI khi tìm hiểu đầu tư vào miền Trung

Thiếu hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ

Dù có những yếu tố thuận lợi thu hút đầu tư, nhưng trên thực tế, nguồn vốn FDI vào miền Trung có rất chênh lệch so với miền Bắc và miền Nam. Từ kinh nghiệm đầu tư vào khu vực miền Trung, các doanh nghiệp vốn FDI cho rằng cản trở rất lớn hiện nay ở khu vực đó là thiếu hệ sinh thái công nghiệp hỗ trợ.

Theo ông Lee Sung Hoon, nhược điểm lớn nhất khi đầu tư vào miền Trung Việt Nam đó là thiếu hệ sinh thái các công ty hợp tác – các doanh nghiệp phụ trợ. “Đối với công ty tôi, hơn 90% nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất là phải nhập khẩu từ Hàn Quốc. Chúng tôi hiểu rằng khi đầu tư tại đâu thì cần tạo thêm nhiều giá trị cho địa phương đó, phải mua những nguyên vật liệu tại địa phương, khu vực đó, thế nhưng ở khu vực miền Trung Việt Nam chưa đáp ứng được, không còn cách nào khác chúng tôi phải nhập khẩu”, ông Lee Sung Hoon nói và cho biết, vì vậy, khi các doanh nghiệp FDI đầu tư vào miền Trung sẽ phải đặt câu hỏi: Liệu những nguyên vật liệu cần cho sản xuất có ở miền Trung hay Việt Nam hay không, nếu không thì phải tính toán đến việc mua, nhập như thế nào.

Tương tự, trong một chương trình gặp mặt doanh nghiệp tại TP. Đà Nẵng, đại diện Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng (doanh nghiệp vốn FDI Nhật Bản) đề nghị TP. Đà Nẵng cần tiếp tục kêu gọi đầu tư, mở rộng các ngành công nghiệp hỗ trợ. “Hiện tại phần lớn nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ở công ty chúng tôi phải nhập khẩu từ nước ngoài. Lợi ích về mặt chi phí khi mua nguyên vật liệu nội địa và tránh được sự gián đoạn chuỗi cung ứng do COVID19 gây ra sẽ ngày càng nâng cao khả năng cạnh tranh sản xuất tại Việt Nam và doanh nghiệp cũng có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam”, đại diện Mabuchi Motor Đà Nẵng nói.

Một “điểm yếu” được doanh nghiệp FDI chỉ ra liên quan đến thủ tục hành chính. Theo đại diện công ty Seoul System Vina, đơn vị gặp rất nhiều khó khăn khi thực hiện các thủ tục hành chính. “Từ năm 2022 đến nay, tôi đã phải thực hiện gia hạn visa 3 tháng/lần. Gần đây nhất tôi xin được visa định cư 2 năm. Bên cạnh đó, mỗi lần doanh nghiệp muốn thay đổi địa chỉ kinh doanh, thay đổi vốn điều lệ…, tất cả phải có những thủ tục, hồ sơ liên quan thì thực hiện rất khó khăn”, ông Kim Hak Sun nói và cho rằng, nếu việc này được cải thiện hơn thì việc thu hút đầu tư FDI Hàn Quốc vào miền Trung Việt Nam sẽ được cải thiện hơn rất nhiều.

Doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ giới thiệu sản phẩm tại Hội chợ triển lãm công nghiệp phụ trợ TP. Đà Nẵng năm 2023

“Tại Hàn Quốc, nhiều doanh nghiệp IT vừa và nhỏ cũng đang theo dõi và có ý định đầu tư tại Việt Nam. Tôi cũng đã giới thiệu cho nhiều bạn bè tại Hàn Quốc về việc đầu tư tại miền Trung. Tôi mong muốn chính quyền các địa phương miền Trung hỗ trợ các thủ tục hành chính để doanh nghiệp IT Hàn Quốc yên tâm, xúc tiến đầu tư nhanh hơn”, ông Kim Hak Sun nói.

Một số điểm hạn chế cũng là “rào cản” thu hút đầu tư vào miền Trung mà các doanh nghiệp FDI cân nhắc đó là hoạt động logistics quốc tế tại miền Trung chưa phát triển. Số chuyến tàu đi nước ngoài xuất phát từ cảng Đà Nẵng (TP. Đà Nẵng) và cảng Chu Lai (tỉnh Quảng Nam) rất ít so với miền Bắc và miền Nam. Khu vực miền Trung cũng khó tuyển nhân lực chất lượng cao, thiếu hạ tầng văn hóa xã hội; giao thông công cộng chưa phát triển; thiên tai, bão lũ nhiều.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thieu-he-sinh-thai-cong-nghiep-ho-tro-dang-can-buoc-thu-hut-von-fdi-vao-mien-trung-289137.html