Thiếu hệ thống xử lý nước thải ở đô thị

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh chỉ có 1 công trình xử lý nước thải hoàn thành và đưa vào sử dụng tại TP.Biên Hòa. Tuy nhiên, công trình này lại chưa kết nối với nguồn nước thải từ các hộ gia đình mà đang bơm nước suối lên xử lý.

Nước sinh hoạt chưa qua xử lý từ hộ gia đình được thải ra suối trên địa bàn P.Tân Mai(P.Biên Hòa). Ảnh:B. Mai

Nước sinh hoạt chưa qua xử lý từ hộ gia đình được thải ra suối trên địa bàn P.Tân Mai(P.Biên Hòa). Ảnh:B. Mai

Việc thiếu hụt hạ tầng kỹ thuật xử lý nước thải đô thị; sử dụng công nghệ xử lý không phù hợp; đấu nối, thu gom và xử lý nước thải còn gặp nhiều khó khăn đang dẫn tới nhiều hệ lụy về môi trường mà phổ biến là ô nhiễm nguồn nước và ngập nước.

* Hơn 98% nước thải đô thị chưa được xử lý

Theo thống kê của Sở TN-MT, hiện tổng lượng nước thải ở các đô thị trên địa bàn tỉnh khoảng 289 ngàn m3/ngày đêm. Trong đó, TP.Biên Hòa 116 ngàn m3/ngày đêm, TP.Long Khánh 15,5 ngàn m3/ngày đêm, còn lại các đô thị khác. Hiện chỉ hơn 1% nước thải sinh hoạt được thu gom, xử lý theo quy định; hơn 98% còn lại đang được xả trực tiếp ra môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ về môi trường.

Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh có 1 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung duy nhất đi vào hoạt động. Đó là Trạm xử lý nước thải số 1, đặt tại P.Hố Nai (TP.Biên Hòa). Theo thiết kế ban đầu, trạm có công suất xử lý 9,5 ngàn m3 nước/ngày đêm. Nước thải sinh hoạt của khoảng 75 ngàn người dân thuộc các phường: Tân Biên, Tân Hòa, Hố Nai sẽ được kết nối xử lý tại trạm. Nhưng đến nay, dự án mới hoàn thành và đưa vào sử dụng giai đoạn 1A, công suất xử lý tối đa 3 ngàn m3 nước/ ngày đêm.

Đại diện Ban quản lý Trạm xử lý nước thải số 1 cho biết, giai đoạn 1A của dự án đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng từ năm 2018 nhưng đến nay chưa có hệ thống đường ống dẫn nước thải sinh hoạt từ các hộ gia đình đến trạm nên trạm này tạm thời bơm nước từ suối Săn Máu lên xử lý đạt chuẩn sau đó xả ngược ra môi trường. Trung bình mỗi ngày, trạm xử lý được khoảng 3 ngàn m3 nước, bằng 1/10 tổng lượng nước thải sinh hoạt đổ ra suối Săn Máu.

Ông Trần Quang Trung, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ công ích TP.Biên Hòa cho biết, địa phương đang chờ tỉnh triển khai giai đoạn 1B nâng công suất xử lý lên 9,5 ngàn m3 nước/ngày đêm và xây dựng giai đoạn 2 nâng công suất xử lý lên 19 ngàn m3/ngày đêm; chờ đầu tư tuyến ống thu gom nước thải của các hộ dân vùng lân cận về trạm xử lý.

TP.Long Khánh cũng được quy hoạch dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải sinh hoạt từ năm 2016. Địa phương đã lập báo cáo nghiên cứu khả thi, quy hoạch đất làm dự án nhưng hiện tại vẫn chờ vốn ODA từ Chính phủ Hàn Quốc.

Hiện nay, nước thải sinh hoạt ở các đô thị trên địa bàn tỉnh đang được các hộ gia đình xử lý sơ bộ qua bể tự hoại sau đó theo các tuyến cống ra môi trường hoặc ngấm xuống đất, một số xả thẳng vào hệ thống thoát nước bề mặt. Nguyên nhân là do chưa có hạ tầng thoát nước thải. Bà Trần Thu Hạnh, Trưởng phòng Quản lý đô thị H.Nhơn Trạch cho biết, ở Nhơn Trạch, hệ thống thoát nước thải và nước mưa chưa được tách riêng; các trạm xử lý nước thải lớn chưa hoàn thiện. Không chỉ hạ tầng thoát nước thải, hạ tầng thoát nước mưa cũng chưa theo kịp với tốc độ đô thị hóa.

* Ưu tiên nguồn lực cho dự án thoát nước

Xử lý nước thải đô thị là một trong những vấn đề quan tâm của tỉnh phương vì nằm trong tiêu chí nâng cấp đô thị. Hiện Đồng Nai đang mời gọi các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào 6 dự án thoát nước, xử lý nước thải cho các khu đô thị. Trong đó có dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TP.Biên Hòa có vốn đầu tư 329 triệu USD; dự án thoát nước, xử lý nước thải cho đô thị Nhơn Trạch có tổng vốn đầu tư khoảng 153 triệu USD.

Ông Nguyễn Minh Hoàng, Phó giám đốc Sở Xây dựng cho rằng, hầu hết các đô thị trên địa bàn tỉnh đều thiếu dự án xử lý nước thải, công trình thoát nước mưa. Theo quy định của Luật Xây dựng, chỉ có đô thị đặc biệt trực thuộc Trung ương mới có quy hoạch thoát nước (bao gồm nước mưa, nước thải). Để hoàn thành tiêu chí và phát triển đô thị, các địa phương lồng ghép công trình, dự án thoát nước và xử lý nước thải vào quy hoạch của huyện, sử dụng nguồn vốn ngân sách đầu tư theo từng năm.

Ông Huỳnh Tấn Lộc, Phó chủ tịch UBND TP.Biên Hòa cho biết, tới đây thành phố có thêm dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải công suất 52 ngàn m3/ngày đêm. Dự án được kỳ vọng giải quyết nước thải cho 9 phường. Dự án đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và đang triển khai thiết kế bản vẽ, giải phóng mặt bằng.

Bên cạnh việc đầu tư hạ tầng, các địa phương cũng quan tâm lựa chọn công nghệ xử lý nước thải đô thị phù hợp. Mới đây, Sở KH-CN đã thẩm định công nghệ xử lý nước thải bằng bùn hoạt tính tuần hoàn đối với 2 dự án thoát nước đô thị. Đó là, dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TT.Long Thành giai đoạn ưu tiên quy mô công suất khoảng 1 ngàn m3/ngày đêm và dự án Hệ thống thoát nước và xử lý nước thải TT.Trảng Bom giai đoạn ưu tiên quy mô xử lý nước 1 ngàn m3/ngày đêm. Công nghệ này có ưu điểm: chi phí đầu tư thấp; diện tích chiếm đất nhỏ; chất lượng đầu ra đạt quy định.

Theo phản ánh của các địa phương, khó khăn hiện nay không chỉ ở việc bố trí nguồn vốn đầu tư công trình, công nghệ xử lý nước thải mà thách thức lớn là đầu tư đường ống và đấu nối nước thải từ các hộ gia đình vào hệ thống thu gom nước tập trung. Người dân chưa có ý thức và còn e dè với việc thu gom, xử lý và tái sử dụng nước thải sinh hoạt.

Theo các chuyên gia, một trong những giải pháp đảm bảo tăng trưởng xanh ở các đô thị là phải ưu tiên nguồn lực cho hạ tầng thoát nước, xử lý nước thải; áp dụng công nghệ, kỹ thuật phù hợp để xử lý và tái sử dụng nước bùn thải hiệu quả; tạo cơ chế thông thoáng để xã hội hóa các công trình, dự án xử lý nước thải đô thị.

Ban Mai

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202010/thieu-he-thong-xu-ly-nuoc-thai-o-do-thi-3026534/