Thiếu hiểu biết về phòng vệ thương mại: Dễ bị 'bắt nạt'

Xu thế bảo hộ gia tăng trên thế giới đã khiến nhiều hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đứng trước nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá hay lẩn tránh thuế. Dù vậy, mức độ hiểu biết của các doanh nghiệp (DN) Việt trong vấn đề này vẫn còn hạn chế.

Doanh nghiệp còn… lơ mơ

Mới đây, Cục Phòng vệ thương mại - PVTM (Bộ Công Thương) đã gửi thư phản đối một số nội dung trong Dự thảo kết luận của Ủy ban chống bán phá giá Indonesia (KADI) liên quan đến công bố Dự thảo kết luận điều tra trong vụ việc chống bán phá giá đối với tôn mạ lạnh nhập khẩu từ Việt Nam và Trung Quốc. Theo đó, KADI cho rằng, tôn lạnh của Việt Nam đang bán phá giá và đã gây ra thiệt hại cho các công ty tôn lạnh của Indonesia.

Cục PVTM cũng đã bày tỏ sự phản đối với KADI về một số kết luận chưa phù hợp, chưa phản ánh đúng tình hình thực tế của DN Việt Nam như: Thuế giá trị gia tăng, sự trùng lặp trong tính toán… Các nội dung thiếu chính xác này dẫn tới biên độ bán phá giá cao và gây ra bất lợi cho DN Việt Nam.

Trước đó, Cục PVTM có đưa ra danh sách theo dõi bao gồm 13 mặt hàng xuất khẩu được xác định có nguy cơ cao bị phía Mỹ và EU điều tra PVTM hoặc điều tra gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Đại diện Cục PVTM cho biết, năm 2020, Việt Nam đang ứng phó với 27 vụ việc PVTM khác nhau. Đến hết tháng 3/2020, có 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế do nước ngoài khởi xướng điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.

Ông Phan Khánh An - Phó trưởng Phòng Pháp chế (Cục PVTM) - bày tỏ lo ngại, trong khi nguy cơ ngày càng gia tăng các biện pháp PVTM từ nhiều thị trường xuất khẩu thì sự hiểu biết của DN Việt Nam còn rất hạn chế. Theo một khảo sát gần đây, có khoảng 15% DN không biết gì về PVTM; chỉ có gần 2% đã tìm hiểu tương đối kỹ, nắm rõ; còn đa phần các DN có biết, nghe qua nhưng chưa nắm rõ vấn đề này. Trong khi đó, chỉ có 19,81% DN đã từng tìm hiểu sơ sơ, số DN tìm hiểu tương đối kỹ về PVTM hoặc là bên liên quan chỉ chiếm 1,89%. “Nhiều DN xuất khẩu Việt Nam bị điều tra nhưng không biết, chỉ khi hàng hóa xuất khẩu vào nước đó bị áp thuế cao mới “té ngửa” và có khi bị áp 4-5 năm rồi. Đây là khiếm khuyết về thông tin mà DN thường hay bỏ qua” - Ông Phan Khánh An thông tin thêm.

Gỗ dán là một trong những mặt hàng bị điều tra chống bán phá giá

Gỗ dán là một trong những mặt hàng bị điều tra chống bán phá giá

Nâng cao năng lực phòng vệ thương mại

Giới chuyên gia lưu ý, với những hạn chế nhất định trong vấn đề xuất xứ hàng hóa và sự thiếu hiểu biết cặn kẽ về PVTM, DN sẽ dễ bị “bắt nạt” khi đối mặt trước các vụ điều tra chống bán phá giá, lẩn tránh thuế từ quốc gia nhập khẩu. Đây là điểm yếu đòi hỏi các DN Việt không thể lơ là và cần khắc phục trong thời gian tới.

Gợi mở vấn đề, bà Phạm Châu Giang - Phó Cục trưởng Cục PVTM - cho biết, đối với thị trường EU, nguy cơ để sử dụng các biện pháp PVTM với nhau là tương đối thấp so với các thị trường khác vì hàng hóa hai khu vực mang tính bổ trợ cho nhau hơn là cạnh tranh với nhau. Tuy nhiên, trong quá trình đàm phán, Việt Nam cũng đã nhận định được những mặt hàng xuất khẩu sang EU có nguy cơ bị áp dụng các biện pháp PVTM như dệt may, da giày, nông - lâm - thủy sản để DN có sự chuẩn bị, ứng phó khi các vấn đề phức tạp xảy ra.

Theo đó, Cục PVTM sẽ luôn duy trì các kênh liên lạc với cơ quan điều tra PVTM của nhiều nước, cơ quan đại diện của Việt Nam ở nước ngoài, hiệp hội và DN để kịp thời cập nhật vụ việc PVTM. Bên cạnh đó, Phòng xử lý PVTM nước ngoài của Cục cũng sẽ hỗ trợ DN Việt Nam bày tỏ quan điểm phản bác các lập luận thiếu căn cứ, vi phạm quy định WTO của nguyên đơn khởi kiện hay cơ quan điều tra nước ngoài cũng như cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ, kịp thời trên cơ sở yêu cầu của cơ quan điều tra đối với Chính phủ và hỗ trợ DN trong quá trình xử lý vụ việc. Trên cơ sở đó, xây dựng chiến lược đa dạng hóa sản phẩm và thị trường xuất khẩu để phân tán rủi ro, tránh tập trung xuất khẩu với khối lượng lớn vào một thị trường vì điều này có thể tạo ra cơ sở cho các nước khởi kiện hay áp dụng biện pháp PVTM trong trường hợp xuất khẩu từ Việt Nam gia tăng đột biến.

Tuy nhiên, DN cần chủ động ứng phó với các biện pháp PVTM của nước ngoài bằng cách không tham gia, không tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, bất hợp pháp. Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng điều tra, ngăn chặn, tránh để hành vi của một vài DN làm ảnh hưởng tới các DN sản xuêët, kinh doanh chên chñnh.

Cục PVTM đã dựng hệ thống cảnh báo sớm nhiều ngành hàng, sản phẩm có nguy cơ bị kiện PVTM tại nhiều thị trường khác nhau để DN có thể thường xuyên theo dõi.

Việt Anh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thieu-hieu-biet-ve-phong-ve-thuong-mai-de-bi-bat-nat-142697.html