Thiệu Hóa: Quan tâm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích

Hệ thống di tích lịch sử - văn hóa được ví như một 'bảo tàng sống', phản ánh sâu sắc về cội nguồn, truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước hào hùng của quê hương, đất nước. Bởi vậy, công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích luôn được huyện Thiệu Hóa xác định là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên và liên tục.

Di tích lịch sử văn hóa đình - đền thôn Đắc Châu, xã Tân Châu là điểm đến sinh hoạt tâm linh của đông đảo bà con địa phương.

Theo thống kê, trên địa bàn huyện Thiệu Hóa có 44 di tích đã được xếp hạng (gồm 6 di tích cấp quốc gia, 38 di tích cấp tỉnh). Trong đó, có nhiều di sản văn hóa có giá trị như: Di chỉ Khảo cổ học Núi Đọ (nơi phát hiện ra sự sống của người Việt cổ), các đền thờ: Khổng Minh Không, Nguyễn Quán Nho, Đinh Lễ, Nhà sử học Lê Văn Hưu...

Nhận thức được tầm quan trọng của các di tích lịch sử - văn hóa trong công tác giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng, khơi dậy lòng yêu nước, tự hào về dân tộc cho các thế hệ, những năm qua, huyện Thiệu Hóa đã chủ động, tích cực phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn gắn với triển khai đề án phát triển du lịch huyện giai đoạn 2015 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Đồng thời, lồng ghép công tác bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử - văn hóa với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới. Dành nguồn vốn từ ngân sách huyện, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong Nhân dân để tôn tạo, sửa chữa các di tích lịch sử - văn hóa.

Đền thờ Trà Đông, xã Thiệu Trung.

Trong giai đoạn từ 2017 - 2021, từ nguồn vốn của tỉnh, huyện, nguồn kinh phí địa phương và xã hội hóa là gần 75 tỷ đồng, huyện Thiệu Hóa đã tiến hành trùng tu, tôn tạo nhiều di tích như: khu di tích lịch sử quốc gia đền thờ nhà sử học Lê Văn Hưu, di tích quốc gia đền thờ Trà Đông (xã Thiệu Trung); cụm di tích chùa Yên Lộ (xã Thiệu Vũ); lăng mộ Vua Lê Ý Tông (xã Thiệu Nguyên); di tích lịch sử cách mạng nhà đồng chí Lê Huy Toán (xã Thiệu Toán); di tích cách mạng Trụ sở làm việc của Tỉnh ủy thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (giai đoạn 1967-1973) (xã Thiệu Viên).

Cùng với đó, huyện đã phối hợp với các cấp, ngành tiến hành kiểm kê 9 di tích, địa điểm di tích; lập hồ sơ đề nghị cấp có thẩm quyền công nhận 6 di tích cấp tỉnh; tiến hành tu bổ 10 di tích. Việc trùng tu, tôn tạo các di tích trên địa bàn đã góp phần quan trọng trong việc bảo lưu, gìn giữ các giá trị văn hóa, lịch sử, tạo nền tảng phát triển du lịch trên địa bàn huyện.

Song song với việc trùng tu, tôn tạo các di tích, công tác tổ chức lễ hội, gắn với phát triển du lịch được huyện đặc biệt quan tâm. Các lễ hội không chỉ phản ánh đậm nét những giá trị văn hóa đặc sắc của địa phương mà còn là dịp để huyện khôi phục những thuần phong mỹ tục, loại bỏ những tập tục lạc hậu trong đời sống. Qua đó, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tín ngưỡng của người dân, góp phần tạo dựng môi trường văn hóa, xã hội lành mạnh, văn minh.

Thời gian tới, huyện Thiệu Hóa chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử văn hóa, cách mạng, quảng bá, giới thiệu về di tích để thu hút đông đảo Nhân dân và du khách tới tham quan; qua đó, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đồng thời, quan tâm tổ chức các lớp tập huấn về công tác bảo tồn di tích, tổ chức hội nghị triển khai thực hiện các văn bản về bảo vệ di tích cho cán bộ, những người làm công tác văn hóa; tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý việc trùng tu, tôn tạo di tích trên địa bàn…

Nguyễn Đạt

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/van-hoa/thieu-hoa-quan-tam-bao-ton-phat-huy-gia-tri-cac-di-tich/24499.htm