Thiếu hợp tác, khó khai thác du lịch di tích Hải Vân Quan

Hải Vân Quan trên đèo Hải Vân được xây vào thời Nguyễn (Minh Mạng thứ 7, 1826) hiện nay là di tích lịch sử nổi tiếng. Tuy nhiên, hiện nay do thiếu sự hợp tác giữa hai địa phương là Đà Nẵng và Thừa Thiên-Huế nên vẫn khó thu hút khách du lịch.

Khách du lịch tham quan di tích Hải Vân Quan. Ảnh: Nhân Tâm

Theo ông Phan Thanh Hải, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, dự án góp phần cải tạo không gian cảnh quan khu vực, tạo động lực phát triển văn hóa xã hội của địa phương, cụ thể là thị trấn Lăng Cô (Thừa Thiên-Huế) và quận Liên Chiểu (Đà Nẵng).

Trong khi đó, theo ông Huỳnh Văn Hùng, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể Thao Đà Nẵng, phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan là cần thiết vì vậy cần tiến hành cải tạo không gian mặt bằng xung quanh di tích, tạo cảnh quan, xây dựng cơ sở hạ tầng, các công trình phục vụ đón tiếp khách tham quan, du lịch và nghỉ dưỡng tại khu vực này.

“Hai địa phương cần giải quyết đúng các vấn đề pháp lý và đề cao vai trò giám sát, đồng hành trong bảo tồn di tích văn hóa, lịch sử Hải Vân Quan,” ông Hùng nói và chia sẻ thêm có như vậy mới phát triển kinh tế và du lịch.

Tuy nhiên theo những người làm trong ngành du lịch việc hợp tác nhằm khai thác khu di tích Hải Vân Quan và khu vực xung quanh sẽ rất khó trừ phi có sự phối hợp quản lý hiệu quả của chính quyền hai địa phương.

Ông Nguyễn Hữu Quý, một hướng dẫn viên du lịch tự do có kinh nghiệm 15 năm nay, cho biết di tích Hải Vân Quan là điểm đến ưa thích không chỉ của khách du lịch trong nước và nước ngoài, tuy nhiên “khu vực Hải Vân Quan hiện nay rất lộn xộn”.

Dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích Hải Vân Quan nằm trên đèo Hải Vân, ngay giữa địa phận thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên-Huế sẽ được thực hiện vào năm sau nhằm gìn giữ một mảng giá trị lịch sử - văn hóa - nghệ thuật của quốc gia.

Khách du lịch vô tư xả rác (vì khó tìm thùng rác), xe du lịch đậu ngổn ngang, các cửa hàng bán thức ăn, thức uống và đồ lưu niệm thì bát nháo. Tour lặn ngắm san hô ở phía Nam đèo Hải Vân chưa được chính thức cấp phép vì cả Thừa Thiên-Huế và Đà Nẵng đều không cấp phép với lý do chưa có sự phân định rõ ràng về ranh giới.

“Vấn đề cốt lõi là cần sự phối hợp quản lý của chính quyền 2 địa phương, từ đó mới có thể cải thiện môi trường, cảnh quan, giao thông và tôn tạo di tích”, ông Quý nói.

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Du lịch Việt Nam (VITOURS), chia sẻ muốn phát triển du lịch tốt khu vực Hải Vân Quan thì cần quan trọng là kêu gọi nhà đầu tư lớn và có cơ chế tốt cho họ với quy hoạch cụ thể và cơ chế ưu đãi thu hút đầu tư.

“Nhưng khu vực giữa Huế và Đà Nẵng lâu nay khó thực hiện lắm vì không có sự rõ ràng về quản lý của hai địa phương”, ông nói và cho biết thêm khu vực đảo, biển phía Nam đèo Hải Vân cũng không thể khai thác du lịch vì chưa có sự thống nhất quản lý giữa Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng.

Nhân Tâm

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278893/thieu-hop-tac-kho-khai-thac-du-lich-di-tich-hai-van-quan.html