Thiếu hụt nguồn cung gỗ rừng trồng lớn

Gỗ nguyên liệu từ rừng trồng hiện nay phần lớn là gỗ nhỏ, giá trị thấp trong khi nhu cầu gỗ lớn, chất lượng cao đang tăng

Trong bối cảnh kinh tế khó khăn kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của nhiều ngành, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn là điểm sáng. Năm 2023, ngành gỗ xuất khẩu đạt 13,5 tỉ USD, dự kiến tăng khoảng 17,5 tỉ USD vào năm nay, đòi hỏi nguồn cung nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước khá lớn.

Chất lượng gỗ thấp

Theo tìm hiểu, nguồn gỗ nguyên liệu từ rừng trồng trong nước chủ yếu là cây keo, có giá trị không cao do phần lớn trồng ngắn ngày, chỉ cho gỗ nhỏ, phù hợp sản xuất gỗ dăm, viên nén. Điều này dẫn đến tình trạng thiếu nguồn gỗ lớn để sản xuất đồ gỗ xuất khẩu giá trị cao.

Bên cạnh đó, diện tích đất rừng trồng giao cho các hộ dân khá nhỏ, bình quân chỉ 1-2 ha/hộ, thậm chí có nơi chỉ vài ngàn m2/hộ, nên khó quản lý, dẫn đến tình trạng trồng rừng manh mún, không đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Chưa kể, cây gỗ lớn thường dễ bị gãy đổ, thiệt hại trong mùa mưa bão nên người dân không muốn kéo dài chu kỳ trồng. Trong khi đó, giá thu mua gỗ lớn không chênh lệch nhiều so với gỗ nhỏ nên chưa đủ sức hấp dẫn để kích thích người dân kéo dài chu kỳ trồng 7-12 năm để có gỗ lớn.

Nguồn nguyên liệu gỗ từ rừng trồng trong nước hiện khá lớn nhưng chủ yếu chỉ là gỗ nhỏ

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM, các doanh nghiệp (DN) chỉ quan tâm việc có nguồn cung gỗ mà không muốn tham gia trực tiếp vào việc trồng rừng do chi phí cao và rủi ro lớn. Bên cạnh đó, nhiều DN không am hiểu về trồng trọt, không tìm kiếm được diện tích đất rừng đủ lớn - khoảng 10.000 ha - để cho nước ngoài vào đầu tư.

Ông Đặng Minh Lành, Giám đốc Công ty TNHH Nội thất New GBI, cho rằng bởi tình trạng trồng rừng manh mún nên DN khó có thể thu mua được gỗ lớn và không đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc hợp pháp.

Ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam, thông tin diện tích rừng trồng ở Việt Nam đạt khoảng 4,4 triệu ha, trong đó có 1,4 triệu ha trồng với mục đích phòng hộ và 3 triệu ha đất rừng trồng thương mại phục vụ kinh doanh. Trong số đất rừng trồng thương mại, có đến 70%-80% là cây keo trồng 5-7 năm, cung cấp khoảng 30 triệu m3 gỗ/năm. Tiếp đến là cây cao su với sản lượng 3-4 triệu m3/năm và một số loại cây khác như bồ đề, bạch đàn, xoài, mít...

Cần giải pháp cụ thể

Nhu cầu nguồn cung gỗ trong nước vẫn lớn và đang tăng. Mỗi năm, ngành gỗ phải nhập khẩu 5-6 triệu m3 gỗ nguyên liệu để chế biến và tiêu thụ nội địa, đòi hỏi có giải pháp cụ thể để giải quyết triệt để vấn đề này.

Một đại diện Cục Lâm nghiệp - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), nhấn mạnh cần tăng diện tích rừng trồng và đầu tư vào các loại cây gỗ lớn. Đặc biệt, cần có chính sách hỗ trợ và khuyến khích người dân, DN tham gia trồng cây gỗ lớn, bên cạnh việc tăng cường kiểm soát, quản lý nguồn gỗ trong nước.

"Thực hiện Đề án nâng cao chất lượng rừng nhằm bảo tồn hệ sinh thái rừng và phòng chống thiên tai đến năm 2030, Bộ NN-PTNT đã xây dựng kế hoạch hành động với mục tiêu đạt 1 triệu ha rừng trồng gỗ lớn. Đây là nguồn nguyên liệu chất lượng cao nhằm từng bước đáp ứng nhu cầu gỗ nguyên liệu cho xuất khẩu. Muốn làm được, cần xây dựng hợp tác xã để tập hợp các hộ trồng rừng nhỏ lẻ, có chính sách bảo hiểm rừng trồng, hỗ trợ tín dụng cho người trồng rừng gỗ lớn..." - đại diện Cục Lâm nghiệp góp ý.

Ông Đặng Minh Lành cho rằng các tổ chức, hiệp hội cần đồng hành, hỗ trợ người dân trồng rừng với thủ tục gọn nhẹ, chi phí thấp hơn để có giấy chứng nhận rừng trồng hợp pháp, minh bạch ngay từ đầu, tạo thuận tiện cho DN thu mua.

Về chính sách vĩ mô, ông Nguyễn Chánh Phương kiến nghị nhà nước hỗ trợ người trồng rừng vay vốn với lãi suất thấp và bảo đảm đủ đất đai phục vụ trồng cây gỗ lớn. Song song đó, cần khai thác các giá trị khác từ rừng trồng như bán tín chỉ carbon, qua đó người dân có thu nhập cao hơn nên sẽ giữ rừng trồng lâu năm.

Ông Trần Quốc Mạnh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Mỹ nghệ Xuất khẩu Việt Nam, nêu quan điểm cần tiến tới xuất khẩu nguyên liệu gỗ trong tương lai. Ông Mạnh cũng đề xuất giải pháp khuyến khích DN sử dụng nguyên liệu một cách hợp lý, áp dụng biện pháp xanh hóa như sử dụng nguyên liệu thay thế... nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường và đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp gỗ.

Được biết, từ năm 2013, Bộ NN-PTNT đã có chương trình tái cấu trúc ngành lâm nghiệp với mục tiêu kéo dài chu kỳ kinh doanh rừng trồng để có gỗ lớn với chất lượng cao hơn; nghiên cứu khoa học để chọn những loại cây cho gỗ có chất lượng tốt...

Khó giữ gìn nguồn gỗ rừng trồng

Việc giữ gìn gỗ từ rừng trồng đang gặp nhiều khó khăn. Ông Huỳnh Quang Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Chế biến gỗ Hiệp Long, kể trước đây đã thử trồng hơn 40 ha cây keo tại Gia Lai nhưng không thành công do không có phương án bảo vệ rừng phù hợp. Ngoài ra, có một thực tế là DN thiếu đất để trồng rừng nên không thể tham gia trồng cây gỗ lớn.

Ông Lê Mạnh, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Leglor, nhìn nhận cần tập trung tăng mức độ chuyên môn hóa cho người chế biến gỗ và người trồng rừng. Đặc biệt, DN không nên tham gia vào quá nhiều lĩnh vực bởi nguồn lực sẽ bị chi phối.

Bài và ảnh: NGUYỄN HẢI

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/thieu-hut-nguon-cung-go-rung-trong-lon-196240322215239773.htm