Thiếu hụt nhân lực công tác xã hội

Nhu cầu của xã hội với nghề công tác xã hội (CTXH) rất lớn, nhưng việc tuyển sinh của nhiều trường và đào tạo người làm việc trong lĩnh vực này chưa cao. Một trong những nguyên nhân là các chính sách pháp luật chưa sát nhu cầu của thị trường nên chưa thu hút người học.

Nghề “làm dâu trăm họ”

Ngày đầu tuần, Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Ung bướu TPHCM có hàng ngàn người bệnh tới thăm khám. Nhiều người loay hoay không biết làm thủ tục khám bệnh thế nào và đều được đội ngũ nhân viên Phòng CTXH của bệnh viện hướng dẫn tỉ mỉ.

ThS Nguyễn Hồng Diễm, Trưởng Phòng CTXH, có hơn 20 năm gắn bó với Bệnh viện Ung bướu TPHCM, cho biết, mỗi ngày riêng tại cơ sở 2 của bệnh viện (TP Thủ Đức) có khoảng 3.000-4.000 lượt người bệnh đến thăm khám, điều trị. Bị quá tải, bác sĩ không đủ thời gian, sức lực để tư vấn và trả lời hết những thắc mắc của người bệnh cùng người nhà, dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có.

“Thực tế, có nhiều người thân vì lo lắng cho người bệnh nên xung đột với y, bác sĩ. Sau khi chúng tôi tìm hiểu nguyên nhân, tư vấn, giải thích cặn kẽ, đa số bà con đã vui vẻ, tích cực hợp tác với bác sĩ điều trị. Nhờ đó, đội ngũ y, bác sĩ cũng giảm áp lực tâm lý, nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”, ThS Nguyễn Hồng Diễm chia sẻ.

ThS Nguyễn Hồng Diễm, Trưởng Phòng CTXH, Bệnh viện Ung bướu TPHCM trao tặng quà cho bệnh nhân đang điều trị tại bệnh viện

Ngoài việc là “cánh tay nối dài” giữa người bệnh và y, bác sĩ, nhân viên làm CTXH ở các bệnh viện còn thường xuyên đi “gõ cửa” để vận động các nhà hảo tâm, doanh nghiệp giúp đỡ những người bệnh khó khăn, kém may mắn vượt qua bạo bệnh. Dù rất vất vả, nhưng họ cảm thấy thật hạnh phúc khi người bệnh thông báo đã khỏe, được xuất viện.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện 100% bệnh viện tuyến trung ương, 97% bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố và gần 90% bệnh viện tuyến quận, huyện có phòng/tổ CTXH. Tuy nhiên, chế độ đãi ngộ đối với nhân viên CTXH trong bệnh viện chưa phù hợp; nhân lực CTXH ở bệnh viện chủ yếu là kiêm nhiệm (chiếm trên 60%), trong khi đó tỷ lệ cán bộ/nhân viên của phòng/tổ CTXH được đào tạo chuyên ngành thấp. Bên cạnh đó, hiện vẫn chưa có chương trình đào tạo nhân viên CTXH làm việc trong bệnh viện/cơ sở khám, chữa bệnh; chưa có chuẩn năng lực nhân viên CTXH trong cơ sở y tế…

Tháo gỡ khó khăn về nhân lực

Theo Bộ LĐTB-XH, cả nước hiện có mạng lưới cộng tác viên, công chức, viên chức CTXH khoảng 230.000 người. Trong đó, 35.000 người là công chức, viên chức, người lao động làm việc tại các cơ sở xã hội công lập và ngoài công lập; gần 100.000 người làm việc tại các hội, đoàn thể các cấp; còn lại là cộng tác viên giảm nghèo, phòng chống tệ nạn xã hội, bảo trợ trẻ em và phát triển cộng đồng… Nhu cầu nguồn nhân lực CTXH tại Việt Nam rất lớn, nhưng hiện cả nước chỉ có 76 trường, cơ sở đào tạo nhân lực CTXH ở bậc cao đẳng, đại học, do vậy chỉ mới đáp ứng 30% nhu cầu trợ giúp xã hội.

Riêng tại TPHCM, hiện có 6.500 người làm việc CTXH. Cụ thể, 3.000 người làm việc ở các cơ sở cai nghiện; hơn 1.000 người là cán bộ, nhân viên thuộc phòng LĐTB-XH quận, huyện và nhân viên CTXH phường, xã, thị trấn; khoảng 2.500 người thuộc các Sở Y tế, Sở LĐTB-XH, Sở Tư pháp, Thành đoàn TPHCM… hỗ trợ 92 cơ sở trợ giúp xã hội (công lập và ngoài công lập), chăm sóc, nuôi dưỡng, thực hiện các chính sách xã hội cho khoảng 170.000 người hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên tại cộng đồng.

“Công tác phối hợp với các cơ sở đào tạo ngành CTXH đã được triển khai trước đây. Tuy nhiên, tính chất phối hợp chỉ dừng lại ở các chương trình, đề án riêng lẻ, chưa hệ thống hóa thành một kế hoạch hợp tác dài hơi và quy tụ nhiều bên tham gia, chưa có hệ thống mục tiêu, chỉ tiêu rõ ràng. Chính vì vậy nên chưa phát huy hết nội lực và thế mạnh của các cơ sở đào tạo ngành CTXH để nghề CTXH của thành phố có cơ hội được phát triển mạnh mẽ nhất”, ông Lê Văn Thinh, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho biết.

Theo ông Lê Văn Thinh, để tháo gỡ khó khăn nguồn tuyển nhân lực CTXH, hướng đến chuyên nghiệp, hiệu quả hơn, mới đây Sở LĐTB-XH đã ký kết hợp tác với 7 trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố để tổ chức thực hiện công tác đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng CTXH đối với cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên CTXH nhằm đáp ứng yêu cầu trong giai đoạn hiện nay.

TS Phạm Ngọc Thành, Giám đốc Cơ sở II, Trường Đại học Lao động - Xã hội (tại TPHCM) chia sẻ, nghề CTXH là một nghề khá mới tại Việt Nam, vì thế cần có sự chung tay, phối hợp giữa các ban, ngành, cơ sở đào tạo để thúc đẩy sự phát triển của nghề CTXH. Nhà trường cam kết đồng hành với Sở LĐTB-XH TPHCM trong việc đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực vừa giỏi chuyên môn, vừa tận tâm với nghề CTXH.

PGS-TS NGUYỄN TUẤN HƯNG, Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế ): Sớm ban hành chuẩn năng lực nhân viên CTXH Để hoạt động CTXH trong các cơ sở y tế đạt được hiệu quả, cán bộ, nhân viên y tế yên tâm gắn bó lâu dài với bệnh viện…, thời gian tới cần sớm ban hành chuẩn năng lực nhân viên CTXH trong bệnh viện; hoàn thiện Thông tư 43/2015/TT-BYT của Bộ Y tế quy định về hình thức, nhiệm vụ của nhân viên CTXH trong bệnh viện; xây dựng tiêu chí đánh giá chất lượng CTXH trong bệnh viện. Đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo, tập huấn, nghiên cứu khoa học; thành lập thêm bộ môn CTXH ở các Trường Đại học Y Hà Nội, Khoa Y - Đại học Quốc gia TPHCM, Đại học Y dược TPHCM…

QUANG HUY

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/thieu-hut-nhan-luc-cong-tac-xa-hoi-post716443.html