Thiếu hụt thịt lợn: Sẵn sàng nguồn cung thay thế

Quý IV hàng năm và quý I của năm sau bao giờ cũng là thời điểm tiêu thụ thực phẩm cao nhất, trong đó có thịt lợn. Sự thiếu hụt nguồn cung thịt lợn do tác động của dịch tả lợn châu Phi sẽ được bù đắp bằng các sản phẩm thay thế.

Không lo thiếu hụt nguồn cung

Thông tin về diễn biến giá thịt lợn, ông Nguyễn Xuân Dương - Quyền Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - NN&PTNT) - cho biết, quý I/2019, do ảnh hưởng của bệnh dịch tả lợn châu Phi, giá thịt lợn hơi xuống thấp, dưới 30.000 đồng/kg. Quý II, giá lợn hơi cao nhất khoảng 49.000 đồng/kg, thấp nhất 35.000 đồng/kg. Từ đầu tháng 10 đến nay, giá lợn hơi liên tục tăng. Hiện, giá lợn cao nhất ghi nhận tại Hà Nội đạt khoảng 62.000 đồng/kg. Giá thịt lợn trung bình trên cả nước đạt khoảng 57.000 đồng/kg. Cùng với tăng giá, tổng đàn lợn cả nước đã giảm 5,6 triệu con. Do đó, nhiều ý kiến lo ngại về nguy cơ có thể thiếu thịt lợn những tháng cuối năm.

Bảo đảm nguồn cung thực phẩm thay thế

Bảo đảm nguồn cung thực phẩm thay thế

Chỉ tính riêng trên địa bàn Hà Nội, nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô là 18.594 tấn thịt lợn hơi/tháng, chiếm 45% lượng thực phẩm tiêu thụ; trong đó tính riêng tháng tết là 22.300 tấn/tháng. Theo số liệu của Cục thống kê Hà Nội, ước tính đàn lợn toàn thành phố hiện có 1.170 nghìn con, giảm 31,2% so với cùng kỳ năm trước; sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng 9 tháng năm 2019 đạt 211,2 nghìn tấn, giảm 14,1%. Như vậy, sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng tháng 9 của Hà Nội là 14.200 tấn, so với nhu cầu của người dân trong 1 tháng thì còn thiếu 4.394 tấn thịt lợn đối với tháng bình thường và tháng tết còn thiếu 8.100 tấn/tháng.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho hay, xác định nguồn cung thiếu hụt do tác động của dịch tả lợn châu Phi, ngay từ đầu năm, Bộ đã có chủ trương tăng đàn gia cầm, gia súc ăn cỏ. Đến nay, đàn gia cầm cả nước tăng trưởng 12%; đại gia súc ăn cỏ tăng 4,2%; thịt gia cầm tăng 13,5%, thủy sản tăng 6,5%… Với cơ cấu 3 loại thực phẩm này, không chỉ bù đắp lại nguồn thực phẩm thiếu hụt do bệnh dịch tả lợn châu Phi mà còn phục vụ xuất khẩu. “Sức sản xuất nông sản, thực phẩm… sẽ đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu thị trường, kể cả những ngày cuối năm là thời kỳ nhu cầu tiêu dùng thực phẩm tăng mạnh” - Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Tăng cường liên kết, bình ổn thị trường

Bà Trần Thị Phương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội - cho hay, hiện nay, 21 doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đã chủ động đăng ký và dự trữ lượng thực phẩm với tổng số vốn dự trữ hàng hóa là 9.000 tỷ đồng/tháng (gấp đôi so với kế hoạch được giao). Trong đó, mặt hàng thịt và các sản phẩm thực phẩm chế biến được doanh nghiệp đăng ký dự trữ bảo đảm đáp ứng nhu cầu.Để chủ động nguồn cung thịt lợn và cung cấp các nhóm hàng thực phẩm thay thế thịt lợn trên địa bàn TP. Hà Nội, từ nay đến cuối năm, Sở Công Thương tăng cường tổ chức kết nối sản phẩm thực phẩm, thực phẩm chế biến từ các tỉnh, thành phố cung cấp cho thị trường Hà Nội. Đồng thời, phối hợp với Sở Công Thương các tỉnh, giới thiệu doanh nghiệp sản xuất các loại thực phẩm chế biến có uy tín để kết nối với doanh nghiệp Hà Nội. Tiếp tục vận động doanh nghiệp dự trữ thịt lợn cấp đông và thịt phục vụ sản xuất các loại thực phẩm chế biến để bảo đảm nguồn cung thực phẩm cho thị trường… Các sản phẩm thịt (lợn, bò, gà…), sản phẩm thực phẩm chế biến sẽ được Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT tính toán nhập khẩu thay thế một phần sản phẩm trong nước còn thiếu.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường:

Các doanh nghiệp phải bảo vệ thị trường cùng với người tiêu dùng, không được tăng giá vô lối, không găm hàng làm giá. Các trang trại, doanh nghiệp tuyệt đối không được xuất khẩu lợn sang Trung Quốc, bởi Việt Nam và nước bạn chưa có ký kết chính thức việc xuất khẩu chính ngạch; đồng thời chúng ta cũng phải có trách nhiệm bảo vệ kiểm dịch động vật ở biên giới.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/thieu-hut-thit-lon-san-sang-nguon-cung-thay-the-126982.html