Thiếu lộ trình, không thể tự chủ Giáo dục Đại học

5 năm thực hiện tự chủ Đại học, thực tiễn Việt Nam vẫn xa rời mục đích.

Tham luận của TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến - chuyên gia Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý Giáo dục - tại Diễn đàn Khoa học "Tự chủ trong giáo dục Đại học - những vấn đề đặt ra" do Liên Hiệp Hội Việt Nam tổ chức đã nêu ra vấn đề tổng quát đối với tự chủ Đại học ở Việt Nam hiện nay.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến - Viện Nghiên cứu Khoa học Quản lý Giáo dục

Ở nước ta, các quy định về tự chủ Đại học đã được luật hóa cách đây tròn 20 năm trong Luật Giáo dục 1998. Luật Giáo dục đại học (GDĐH) được Quốc hội thông qua, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013. Nhưng đến nay, từ "tự chủ" trong văn bản đến "tự chủ" trên thực tế vẫn là một khoảng cách lớn.

TSKH.Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, ngoài những bất cập về thể chế còn có những bất cập trong tổ chức thực hiện. Điều này có liên quan đến hai yếu tố chính.

Một là, chưa có một lộ trình cụ thể, phù hợp với các điều kiện cần có để một nhà trường được giao quyền tự chủ.

Đổi mới quản trị Đại học theo hướng phát huy quyền tự chủ phải đi liền với việc đổi mới quản lý Nhà nước về Giáo dục Đại học theo hướng chuyển từ mô hình Nhà nước chỉ huy và kiểm soát sang mô hình Nhà nước trao quyền và giám sát.

Đây là một tiến trình phức tạp về mặt thể chế cũng như về tổ chức thực hiện.

Lộ trình thực hiện theo NĐ16 ở nước ta hiện nay chỉ quan tâm đến một điều kiện, đó là việc tự bảo đảm các khoản chi, từ chi thường xuyên, đến chi quản lý và chi đầu tư.

Ông Tiến cho rằng, điều này là "thiếu nhất quán" về mặt thể chế với Luật GDĐH và "xa rời thực tế" với lộ trình cần có trong thực hiện tự chủ Đại học.

Theo vị chuyên gia, các điều kiện về kiểm định chất lượng GDĐH và cơ chế quản trị mới của trường (thông qua Hội đồng trường) là vấn đề phải được xem trọng hàng đầu khi muốn thực hiện tự chủ Đại học.

Nhận thức sai lầm về tự chủ Đại học và các điều kiện để tự chủ Đại học, sự thiếu nhất quán về thể chế, sự thao túng của các lợi ích ngành, lợi ích nhóm là nguyên nhân chính dẫn tới tình trạng xa rời thực tế này.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến cho biết, từ Báo cáo thẩm tra của Ủy ban VHGDTTNNĐ của Quốc hội và ý kiến đóng góp của các Đại biểu Quốc hội, các quy định về tự chủ đại học cần được tiếp tục hoàn thiện nhưng trước một hệ thống phức hợp như hệ thống GDĐH ở Việt Nam, thì không dễ có một lời giải thống nhất về các vấn đề còn tồn đọng: khái niệm tự chủ, điều kiện đảm bảo tự chủ, nội dung tự chủ, mức độ tự chủ, lộ trình giao quyền tự chủ.

Vị chuyên gia cho rằng, tự chủ đại học là sự tái phân bổ quyền lực theo hướng Nhà nước giao một số quyền quyết định cho nhà trường trong các lĩnh vực chuyên môn, tổ chức, nhân sự và tài chính với niềm tin rằng nhà trường có điều kiện để ra các quyết định phù hợp hơn, hiệu quả hơn và khả thi hơn. Do đó, nó chỉ là một phương thức quản lý nhà trường.

Vì là một phương thức quản lý nên tự chủ Đại học là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo. Tuy nhiên, tổng kết thực tiễn cho thấy không có mối liên hệ nhân quả trực tiếp giữa tự chủ Đại học với chuẩn đầu ra của nhà trường.

Một thành tố quan trọng đi liền với tự chủ Đại học là trách nhiệm giải trình. Nếu thiếu một cơ chế giải trình hiệu quả thì tự chủ đại học thậm chí còn đem lại các kết quả đào tạo tồi hơn so với khi chưa có tự chủ. Trách nhiệm giải trình có sự khác biệt với các trường chưa có tự chủ ở chỗ: giải trình cái gì, giải trình với ai và giải trình như thế nào.

Hai thành tố khác cũng quan trọng trong tự chủ Đại học là Nhà trường đã được kiểm định và công nhận về chất lượng; Nhà trường có một hội đồng trường có năng lực và thực lực.

TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến cho rằng, để tự chủ Đại học phát huy tác dụng, cần có cơ chế được thể hiện bởi mô hình 3A: tự chủ, đánh giá và giải trình.

Mối quan hệ giữa tự chủ và trách nhiệm giải trình ở các trường Đại học trong khu vực Đông Á

Trong đó, tự chủ được thực hiện thông qua vai trò của Hội đồng trường; đánh giá được thực hiện thông qua các công cụ đánh giá việc học của sinh viên và việc dạy của giảng viên; giải trình được thực hiện thông qua hệ thống thông tin quản lý giáo dục đại học HEMIS.

Đáng nói là các thành tố trên không ngay lập tức sẵn có mà hình thành qua từng quá trình phát triển của Nhà trường.

Bên cạnh sự nỗ lực của Nhà trường, các cơ quan quản lý cũng cần có sự chuyển đổi về tư duy, tổ chức và năng lực để “sẵn sàng” cho tự chủ Đại học.

Nếu các cơ quan quản lý không có ý chí thực sự giao một số thẩm quyền quyết định cho nhà trường, không có năng lực thích ứng với sự thay đổi, không có vốn tri thức cần thiết để hỗ trợ nhà trường thực thi quyền tự chủ thì cơ quan quản lý trở thành rào cản cho việc thực hiện tự chủ Đại học.

Làm sao để Hội đồng trường có năng lực?

Từ các hướng giải quyết nêu trên, TSKH. Phạm Đỗ Nhật Tiến nêu một số đề xuất.

Các quy định hiện nay trong Dự thảo đã làm rõ vai trò của Hội đồng trường với tư cách là cơ quan quyền lực cao nhất và có thực quyền, giữ chức năng quản trị, quyết định những vấn đề lớn của nhà trường liên quan đến chiến lược phát triển, tổ chức bộ máy, tài chính và nhân sự (kể cả nhân sự Hiệu trưởng).

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/dien-dan-tri-thuc/thieu-lo-trinh-khong-the-tu-chu-giao-duc-dai-hoc-3366250/