Thiếu một nhà lãnh đạo toàn cầu trong cuộc chiến chống đại dịch COVID-19

Dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Trong khi đó, thế giới đang thiếu một người 'nhạc trưởng' trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch này.

Diện mạo mới của một thảm họa toàn cầu

Ở Frankfurt, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu, đưa ra lời cảnh báo về dịch COVID-19 có thể gây ra một thảm họa kinh tế lớn hơn cả năm 2008. Ở Berlin, Thủ tướng Đức dự đoán rằng 2/3 người dân nước Đức có thể bị nhiễm dịch. Ở London, Thủ tướng Anh đã quyết định tung ra gói cứu trợ hơn 40 tỷ đô la để giảm sốc cho nền kinh tế.

Vào lúc mà số những người nhiễm bệnh trên thế giới đang tăng vọt theo cấp số nhân, khi các thị trường chứng khoán Tokyo hay New York đều lao dốc, các nhà lãnh đạo trên thế giới bắt đầu lên tiếng cảnh báo về mức độ nghiêm trọng của dịch COVID-19 mà mới đây nhất Tổ chức Y tế thế giới vừa thừa nhận là một “đại dịch”.

Tuy nhiên, những tiếng nói cất lên vẫn chỉ là những “giọng ca đơn lẻ” chứ không hề giống như một “dàn hợp xướng”, mỗi nhà lãnh đạo chọn một phương pháp tranh đấu khác nhau để chống chọi lại những thách thức mà cororavirus mang tới đất nước họ: gánh nặng quá lớn đối với các bệnh viện và nhân viên y tế, sự tàn phá đối với nền kinh tế, số lượng người chết mỗi ngày lại tăng cao. Thế giới đang thiếu một người “chỉ huy dàn nhạc” trong cuộc chiến toàn cầu chống lại đại dịch.

Từ trái qua phải: Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Từ trái qua phải: Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde, Thủ tướng Anh Boris Johnson và Thủ tướng Đức Angela Merkel.

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không hợp tác với những nhà lãnh đạo khác trên thế giới để có thể đưa ra những giải pháp chung như hạn chế du lịch và đi lại, phong tỏa biên giới. Thay vào đó ông chỉ đưa ra những lời khuyên dựa theo ý kiến của những cố vấn thân cận. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ, Mike Pompeo thì khăng khăng gọi con virus này là “virus Vũ Hán” (để công kích Trung Quốc), việc này càng làm phức tạp thêm tình hình, suy yếu khả năng phối hợp hành động để đưa ra một giải pháp chung trên toàn thế giới.

COVID-19 đã vô hiệu hóa tất cả những công cụ mà thế giới đã sử dụng trước đây để đối phó với các thảm họa toàn cầu. Hỗn loạn trong việc áp dụng các tiêu chuẩn xét nghiệm, hủy bỏ đột ngột các buổi họp đông người càng làm tăng thêm nỗi lo lắng và xói mòn lòng tin của người dân vào các nhà lãnh đạo đất nước mình.

Chuỗi cung ứng toàn cầu bị rối loạn khi các nhà máy sản xuất iPhone ở Trung Quốc bị đóng cửa, những con thuyền gondola trống vắng ở Venice, khách du lịch bỏ chạy khỏi các du thuyền, hủy đặt phòng khách sạn, hủy những chuyến bay. Đó là một hiện tượng hoàn toàn mới, những biện pháp chống khủng hoảng trước đây mà các chính phủ đã áp dụng sau cuộc khủng bố không tặc năm 2001 hay cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đều không có tác dụng.

“Bản chất cuộc khủng hoảng lần này khác cả về chất và lượng so với khủng hoảng 2008, các công cụ truyền thống sẽ không có tác dụng”. Richard N. Haass, Chủ tịch Hội đồng các Quan hệ Đối ngoại Mỹ tuyên bố. “Kể cả khi Mỹ đứng ra đảm nhiệm vai trò lãnh đạo, các chiến lược cũ vẫn sẽ không còn thích hợp”.

Những chiếc gondola không một bóng khách ở Venise, Ý.

Việc cần làm ngay lúc này: Giảm thiểu tối đa sự lây lan của virus

Richard N. Haass cho rằng, trước hiện tượng hàng loạt các công ty trên thị trường đang suy kiệt và dần đi đến chỗ “bị bức tử”, việc tìm cách hạn chế những tổn thương trong kinh tế là điều dễ hiểu, nhưng hiện nay việc này còn quá sớm. Việc cần làm ngay, theo ông, đó là mọi quốc gia phải dồn mọi nỗ lực vào việc kìm hãm và giảm thiểu tối đa sự lây lan của virus trước khi bắt tay vào các chương trình thuế để sửa chữa thiệt hại kinh tế.

Vấn đề là, ngoại trừ vài trường hợp ngoại lệ, những nỗ lực của các chính phủ đã không thành công. Sự chậm trễ trong việc phát triển các bộ xét nghiệm coronavirus và sự khan hiếm các dụng cụ xét nghiệm ở Mỹ đã ngăn cản các cơ quan chức năng có được một bức tranh chân thực về quy mô của dịch, thậm chí ngay cả vài tuần sau khi các trường hợp nhiễm dịch đầu tiên bị phát hiện.

Ở Ý, nơi bệnh dịch đang tàn phá dữ dội, đã nổ ra những cuộc tranh cãi giữa các chính trị gia và các chuyên gia y tế xung quanh vấn đề liệu chính quyền có tiến hành xét nghiệm tràn lan ở Lombardia, hậu quả làm tăng vọt con số người bị nhiễm gây hoang mang trong dư luận. Các biện pháp của chính quyền cũng vấp phải sự chống đối của phong trào Five Star, một phong trào chủ trương chống vắc- xin, đã từng nắm giữ quyền lực trong chính phủ nhiệm kỳ trước.

Tổng thống Donald Trump gặp gỡ đại diện các ngân hàng tại Nhà trắng hôm thứ ba tuần này để bàn giải pháp đối phó với đại dịch COVID-19.

Theo Tiến sĩ Chris Smith, một chuyên gia về virus học tại Đại học Cambridge, ngay cả việc so sánh số lượng những người nhiễm bệnh giữa nước này và nước khác cũng hoàn toàn không chính xác bởi quy trình xét nghiệm và tiêu chuẩn để chẩn đoán có nhiễm bệnh hay không nhiễm bệnh dịch coronavirus ở các nước khác nhau là hoàn toàn khác nhau.

Minh họa rõ ràng nhất cho nhận định này là trường hợp của Trung Quốc. Số người nhiễm bệnh đột ngột tăng vọt khi thay đổi các tiêu chuẩn chẩn đoán bệnh: việc kết luận dương tính sẽ dựa trên các triệu chứng của người bệnh thay vì dựa trên các kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm.

Ngay các kết quả xét nghiệm trong phòng thí nghiệm cũng có thể dẫn đến những kết luận khác nhau ở những địa điểm khác nhau, tùy thuộc vào mục tiêu mà phòng thí nghiệm đó hướng đến và cách các nhân viên y tế thu thập các mẫu phẩm của bệnh nhân. “Các nước khác nhau sẽ xử lý khác nhau”, Tiến sĩ Chris Smith đề cập đến các phương pháp xét nghiệm “bạn không thể đánh đồng quả táo với quả lê”.

Sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy đã làm vấn đề thêm trầm trọng bởi nó phá hoại sự hợp tác giữa các quốc gia. Các nhà lãnh đạo châu Âu, trong cuộc hội thảo kéo dài hơn ba giờ vào tối 10-3 đã đồng ý thành lập một quỹ đầu tư 25 tỷ euro, tương đương 28,1 tỷ đô la, và nới lỏng các hạn chế áp đặt lên các hãng hàng không với mục đích để vực dậy các nền kinh tế.

Nhưng trước sự phản đối từ trong nước, những nhà lãnh đạo này đã không thể đạt một sự đồng thuận về việc chia sẻ các thiết bị và khẩu trang y tế để giúp đỡ các nước đang khó khăn. Đức, Cộng hòa Séc và một vài quốc gia khác muốn hạn chế việc xuất khẩu những mặt hàng này để giữ lại cho công dân nước mình.

Cảnh báo của Thủ tướng Đức Angela Merkel rằng COVID-19 sẽ lây nhiễm 60-70% số người dân ở Đức, một con số như bà đã khẳng định có được "sự đồng thuận của các chuyên gia", là sự thừa nhận trực tiếp nhất về mức độ nghiêm trọng của vấn đề từ một nhà lãnh đạo thế giới. Đây là điều hoàn toàn dễ hiểu khi chúng ta nhớ lại rằng bà Angela Merkel xuất thân là một nhà vật lý trước khi trở thành chính trị gia và bà cũng đã trở thành nhà lãnh đạo biểu tượng của thế giới phương Tây thay thế cho ông Donald Trump.

Tuy nhiên, ngay cả ảnh hưởng của bà Merkel cũng đã bị suy yếu nhiều do sự trỗi dậy của phe cực hữu ở Đức. Đức đã từ chối yêu cầu của Ý được cung cấp thiết bị y tế, nhằm mục đích ép Trung Quốc phải đứng ra cung cấp cho người Ý một gói viện trợ bao gồm 2 triệu khẩu trang và 100.000 mặt nạ phòng độc.

Một người dân ở Vũ Hán, Trung Quốc, cách ly tại nhà.

Nước Anh, sau Brexit đã lo ngại rằng họ sẽ không được tiếp cận với vắc-xin, hoặc sẽ phải trả nhiều hơn so các nước châu Âu khác. Chính phủ hiện tại của Thủ tướng Johnson hiện đang vất vả tìm cách truyền đạt những mối đe dọa và mức độ nguy hiểm của dịch bệnh tới công chúng, đa phần còn đang rất thờ ơ.

Từ đầu tuần này, chính quyền ở Anh mới bắt đầu công bố rộng rãi thông tin về khu vực cư trú của những người nhiễm virus. John Ashton, cựu Giám đốc Y tế Công cộng khu vực Tây Bắc nước Anh, cho rằng chính quyền nên cung cấp thông tin chi tiết hơn, chẳng hạn giống như ở Hồng Kông, đăng tải công khai bản đồ các tòa nhà của người bị nhiễm bệnh, thời gian họ đã lưu trú ở đó và cách thức mà họ đã nhiễm virus.

“Bạn phải đối xử với người dân như những người đã trưởng thành, thay vì kìm giữ họ trong bóng tối để không nhìn thấy, không nghe thấy gì cả. Làm như thế bạn sẽ tạo điều kiện cho những tin đồn và sự hoảng loạn bùng phát. Minh bạch thông tin là một trong các biện pháp hữu hiệu để chống lại bệnh dịch", Ashton nhấn mạnh.

Dương Quốc Bảo (tổng hợp)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/thieu-mot-nha-lanh-dao-toan-cau-trong-cuoc-chien-chong-dai-dich-covid-19-586108/