Thiếu một “nhạc trưởng”

(HNM) - Tình trạng thiếu trường học trong các khu đô thị mới (KĐTM) không phải bây giờ mới được bàn đến nhưng tại kỳ họp của HĐND thành phố Hà Nội diễn ra tuần qua, vấn đề đó đã trở thành đề tài nóng trong phiên chất vấn.

Nguyên nhân của tình trạng này thì có nhiều và đã được chỉ ra rằng, rà soát và yêu cầu các chủ đầu tư thực hiện quy hoạch đã được duyệt có thể giải quyết việc thiếu trường học ở những KĐTM đã hình thành, nhưng chưa hóa giải triệt để nguyên nhân phù hợp quy hoạch dân cư, để thành phố đẹp lên đến đâu thì cũng thuận tiện cho người dân đến đấy. Có đất mà không có trường Trường Lý Thái Tổ tại khu Trung Hòa - Nhân Chính do chủ dự án là Tổng Công ty Vinaconex đầu tư xây dựng. Ảnh: Huyền Linh Trong khi Hà Nội thiếu đất để xây dựng trường thì tại các KĐTM lại tồn tại một nghịch lý: có đất mà không có trường. Về mặt nguyên tắc, khi thiết kế, các KĐTM đều dành quỹ đất để xây dựng trường học. Diện tích đất trường học được tính toán căn cứ quy mô dân cư của khu đô thị đó (chiếm khoảng 10-15% diện tích). Theo số liệu chưa đầy đủ, chỉ tính riêng khu vực Hà Nội (cũ) đã có hơn 40 KĐTM và khu tái định cư, Hà Nội sau mở rộng có gần 100 KĐT, trong đó có nhiều KĐT lớn đã cơ bản hoàn thành đi vào sử dụng. Tuy nhiên, chỉ có một số KĐTM là có trường, số nơi có trường công lập lại còn ít hơn và chủ yếu chỉ có ở khu tái định cư phục vụ cho mục đích giải phóng mặt bằng. Một số KĐTM chỉ có trường ngoài công lập, hoặc do chính chủ dự án đầu tư xây dựng như hệ thống Trường Lý Thái Tổ tại khu Trung Hòa - Nhân Chính, hoặc được những tổ chức, cá nhân mở trường bỏ kinh phí trả cho chủ dự án tiền đầu tư xây dựng hạ tầng như Phương Nam ở Định Công; Lê Quý Đôn, Đoàn Thị Điểm tại Mỹ Đình… Ở Trung Hòa - Nhân Chính, hàng chục nhà cao tầng nhưng không có trường mầm non bình dân, 5.000m2 đất ở đây được dùng để xây trường mầm non "VIP" với học phí hơn 2 triệu đồng/tháng, số tiền mà không phải ai cũng chịu được. Ở một số KĐTM có bố trí quỹ đất cho các trường công lập lẫn ngoài công lập thì thực hiện chủ trương xã hội hóa giáo dục, trường ngoài công lập được ưu tiên, còn trường công lập chưa được bố trí vốn. Hoàng Mai là một ví dụ, có tới 4 KĐTM ở quận này chưa có trường công lập. Thực tế trên dẫn đến việc người dân phải cho con đi học ở nơi khác vì KĐTM chưa có trường, hoặc vì không có điều kiện cho con học trường ngoài công lập. Cứ mỗi mùa tuyển sinh, dư luận lại ồn ào về thực trạng này và dường như "lỗi" luôn thuộc về ngành giáo dục. Lúc ấy, người ta lại đòi hỏi các cấp quản lý giáo dục phải phân tuyến thế nào để con em nhân dân ở KĐTM muốn học trường công cũng có lớp học trường công. Nguyên nhân thực trạng trên không chỉ ở chỗ các chủ đầu tư chỉ quan tâm tới việc kinh doanh lợi nhuận bán nhà, ít đơn vị bỏ tiền xây trường học, bởi lĩnh vực kinh doanh này khó thu lợi và thời gian thu hồi vốn dài mà còn do việc phân cấp quản lý giáo dục chưa thực sự khoa học và hợp lý. Quản lý ôm đồm, "cha chung, không người khóc" Trường THPT Việt - Úc Hà Nội, một trường chất lượng cao nằm trong KĐT Mỹ Đình I, nhưng không phải gia đình nào cũng đủ tiền cho con theo học tại đây. Ảnh: Bảo Lâm Theo Quyết định số 05/2003/QĐ-UB ngày 9-1-2003 của UBND thành phố về việc phê duyệt quy hoạch mạng lưới trường học đến năm 2010, thì mỗi xã, phường, thị trấn và các khu đô thị phải có ít nhất 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường THCS công lập, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân. Để thực hiện được quy định trên, khi phê duyệt quy hoạch các KĐTM cần quy định rõ chủ đầu tư phải xây trường đồng bộ với xây nhà ở. Nếu là trường công, cần có quy định về nguồn vốn xây dựng (vốn cấp, vốn vay…) giao cho chủ đầu tư thực hiện. Đối với các chủ đầu tư triển khai xây dựng trường học chậm, thành phố có thể thu hồi giao cho quận, huyện quản lý và triển khai xây dựng trường học. Nhưng những giải pháp trên vẫn chưa đủ trong việc phát triển mạng lưới trường học. Có một thực tế là, với chức năng quản lý nhà nước về giáo dục, phòng giáo dục huyện, quận, thị xã cần phải nắm rõ nhất về sự phát triển về quy mô học sinh cũng như quy hoạch mạng lưới trường học trên địa bàn. Tuy nhiên, ngành giáo dục dường như bị đứng ngoài cuộc trong việc quyết định xem tại địa bàn sẽ mọc lên một KĐTM cần có trường học thuộc loại hình nào, công lập hay dân lập; quy mô thế nào để hài hòa với mạng lưới hiện có. Ngành GD-ĐT không được tham gia vào việc xây dựng quy hoạch, càng không có quyền trong việc yêu cầu các nhà đầu tư lo nhà ở nhưng không được quên trường học. Trong khi đó, các ngành chức năng lại thiếu sự phối hợp trong việc giải quyết tổng thể các mục tiêu của thành phố nên tình trạng các KĐTM thiếu công trình hạ tầng xã hội chưa được giải quyết. Trong nhiều dự án, người ta ưu tiên cho xây dựng nhà ở hơn ưu tiên cho xây dựng trường học. Câu chuyện này không chỉ xảy ra ở các KĐTM mà còn ở những dự án cải tạo các khu tập thể cũ thành chung cư hiện đại. Tại những nơi này, chưa chủ đầu tư nào phải trích lợi nhuận thu được từ việc bán căn hộ để đầu tư cho trường học trên địa bàn mở rộng quy mô về dân cư, đáp ứng nhu cầu tăng thêm về chỗ học khi dãy nhà tập thể 5 tầng cũ kỹ trở thành khu chung cư cao cấp 15, 17 tầng. Nhiều ý kiến cho rằng, nên sớm thanh tra quy hoạch mạng lưới trường học tại các KĐTM, đó là việc cần làm ngay. Nhưng cũng có một việc không thể chậm trễ, đó là cần "cử" ra một "nhạc trưởng" để phối hợp các "nhạc công" cùng chơi bản nhạc phức tạp: phát triển mạng lưới trường học thỏa mãn mọi nhu cầu học tập của học sinh Thủ đô, bằng cách phân cấp quản lý một cách khoa học trên nguyên tắc, trách nhiệm đi cùng với quyền hạn. Vân Vũ

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/vn/47/214073/