Thiếu nhân lực công nghệ Israel đau đầu

Tình trạng thiếu hụt lao động đang đe dọa vị trí dẫn đầu của Israel trong ngành công nghệ toàn cầu, gây ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế cũng như thị trường lao động của nước này.

Bốn năm trước, khi Alexey Chalimov sáng lập công ty thiết kế phần mềm Eastern Peak tại Israel, anh đã biết mình sẽ khó tìm đủ số lập trình viên tại chỗ. Để đáp ứng các đơn hàng ngày càng tăng từ khách hàng quốc tế và các công ty khởi nghiệp Israel có quy mô nhỏ hơn, Alexey Chalimov buộc phải tìm đến thị trường lao động Ukraine để tuyển dụng 120 nhân sự chuyên thiết kế các ứng dụng trên điện thoại di động và nền tảng web.

Wix.com - một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Israel đang sử dụng nhiều lao động từ nước ngoài. (Nguồn: Reuters)

“Từng làm việc nhiều năm tại thị trường Israel, tôi biết chi phí nhân công ở đây không hề rẻ nhưng nguồn nhân lực vẫn luôn thiếu”, Alexey Chalimov chia sẻ.

Khủng hoảng thiếu nhân lực

Với động lực chính là các công ty khởi nghiệp, công nghệ là một trong những lĩnh vực tăng trưởng nhanh nhất, đóng góp nguồn thu đáng kể vào nền kinh tế Israel. Ngành này hiện chiếm 14% sản lượng kinh tế và 50% tổng lượng xuất khẩu của cả nước.

Tuy nhiên, sau ba năm, Israel đã tụt 6 hạng xuống thứ 17 trong Bảng xếp hạng các quốc gia có nhiều nhân lực có trình độ trong ngành công nghệ. Cơ quan Sáng tạo thuộc Chính phủ dự đoán, Israel sẽ thiếu khoảng 10.000 kỹ sư và lập trình viên trong vòng một thập kỷ tới.

Việc thiếu trầm trọng nguồn nhân lực trong ngành công nghệ đang đẩy hơn 5.000 công ty khởi nghiệp của Israel đứng trước cuộc cạnh tranh nhân sự khốc liệt với nhiều tập đoàn công nghệ thế giới như Google, Intel, Microsoft hay Apple. Các công ty Israel gần như không thể thu hút được các lập trình viên giỏi trước một loạt những ưu đãi hấp dẫn từ phía các ông lớn ngành công nghệ. “Israel sẽ mất đi lợi thế cạnh tranh nếu sự thiếu hụt nguồn cung lao động không được giải quyết. Mức lương sẽ bị đẩy lên rất cao trong khi nhiều khâu phải chuyển sang gia công, xuất khẩu ở nước khác”, bà Noa Acker, Giám đốc phụ trách chính sách tại Cơ quan Sáng tạo của Chính phủ Israel cho hay.

Các chuyên gia về lao động nhận định, nguyên nhân chính dẫn đến sự thiếu hụt nguồn cung lao động là do lượng sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học máy tính, toán học và thống kê đã giảm mạnh, từ mức cao nhất 3.000 người vào năm 2005 xuống còn 1.600 người vào năm 2008.

Đáng chú ý, rất nhiều trường trung học và tiểu học tại Israel thậm chí còn thiếu đội ngũ giáo viên giỏi và những trang thiết bị cần thiết như máy tính, mô hình Toán học...

Những năm 2000, khi bong bóng ngành công nghệ đổ vỡ tại Israel, nhiều công ty công nghệ lâm vào tình trạng phá sản, khiến một lượng lớn nhân sự ngành này bị mất việc. Sinh viên cũng ngày càng tỏ ra ít mặn mà với các ngành kỹ thuật, số đơn xin vào học các ngành này giảm hẳn.

Thu hút nhân lực từ nước ngoài

Trước những thách thức về thiếu hụt nguồn lao động, song song với các giải pháp khuyến khích tăng trưởng nhân lực trong nước, Israel cũng đang xét đến việc thay đổi quy trình cấp thị thực nhằm thu hút thêm nhiều nhân lực nước ngoài. Chính phủ nước này dự kiến cho phép cấp khoảng 500 thị thực cho các sinh viên nước ngoài có nguyện vọng học ngành khoa học - kỹ thuật tại các trường đại học Israel và ở lại làm việc cho các công ty công nghệ thêm một năm sau khi tốt nghiệp.

Về phía các công ty khởi nghiệp, do không thể chờ đợi nên nhiều công ty phải tìm đến các nguồn lao động từ các quốc gia láng giềng. Trong đó, Ukraine đang nổi lên là điểm đến yêu thích của khoảng 100 trung tâm phát triển nguồn nhân lực Israel. Với nền tảng vững vàng về khoa học tự nhiên và máy tính, mỗi năm, Ukraine có tới 20.000 sinh viên công nghệ thông tin tốt nghiệp. Ngoài Ukraine, Ba Lan và Bulgaria cũng là hai quốc gia thu hút nhiều công ty công nghệ của Israel.

Wix.com - một trong những tập đoàn công nghệ hàng đầu Israel cũng đang tuyển dụng khoảng 120 lao động từ hai trung tâm phát triển đặt tại Ukraine và 80 nhân sự khác tại Lithuania.

“Họ đều là nguồn nhân lực chủ chốt của chúng tôi. Họ ở cùng chung múi giờ, thành thạo tiếng Anh và phần lớn là người nói tiếng Nga. Giữa hai quốc gia cũng thường xuyên có các chuyến bay thẳng, tạo điều kiện tối đa cho hai nước trao đổi và liên lạc”, Boaz Inbal – Giám đốc điều hành Trung tâm phát triển của Wix chia sẻ về bộ phận lao động người Ukraine tại đây.

Bích Nhi

(theo Reuters)

Nguồn TG&VN: http://baoquocte.vn/thieu-nhan-luc-cong-nghe-israel-dau-dau-52038.html