Thiếu 'nóc nhà', 15 kiểm lâm viên mất phụ cấp vùng biên giới đặc biệt khó khăn?

Sự việc 15 kiểm lâm viên công tác ở vùng biên giới đặc biệt khó khăn không được hưởng chế độ phụ cấp đặc biệt theo quy định của Thông tư số 09/2005/TT-BNV đã kéo dài gần 2 năm. Đây là câu chuyện không vui, khiến họ tâm tư...

Thiếu một “nóc nhà”?

Thông tin đến Báo Nghệ An qua đường dây nóng dịp cuối tháng 8/2019, một cán bộ kiểm lâm địa bàn (đề nghị giấu tên) đã phản ánh việc anh làm việc tại xã biên giới đặc biệt khó khăn, nhưng gần 2 năm qua không được hưởng chế độ phụ cấp theo Thông tư số 09/2005/TT-BNV.

Anh trao đổi: Công việc của chúng tôi ở địa bàn biên giới có vô vàn những khó khăn mà không phải ai cũng biết. Đơn cử, theo quy định trước đây, mỗi kiểm lâm viên có trách nhiệm quản lý 1.000 ha rừng. Nhưng hầu hết những cán bộ kiểm lâm địa bàn khu vực biên giới ở Nghệ An hiện được giao địa bàn quản lý trên 10.000 ha rừng. Riêng với tôi, được giao địa bàn rộng hơn 20.000 ha rừng, tức là nếu theo quy định thì đang gánh thêm việc của nhiều kiểm lâm viên khác.

Công tác tuần tra rừng là một công việc hết sức vất vả và nguy hiểm. Bởi vậy, luôn cần có sự hỗ trợ của đồng nghiệp và các lực lượng trên cùng địa bàn. Ảnh: C.T.V

Công tác tuần tra rừng là một công việc hết sức vất vả và nguy hiểm. Bởi vậy, luôn cần có sự hỗ trợ của đồng nghiệp và các lực lượng trên cùng địa bàn. Ảnh: C.T.V

Dẫu khó khăn, vất vả nhưng chúng tôi xác định đây là nghề, là nghiệp để gắng vượt qua, cùng các lực lượng trên địa bàn hoàn thành công tác quản lý, bảo vệ, phát triển rừng. Có điều các công chức, viên chức xã, giáo viên, cán bộ, chiến sỹ biên phòng... trên cùng địa bàn thì đều được hưởng chế độ phụ cấp, trong khi chúng tôi thì không có. Chúng tôi không so sánh trong công việc ai vất vả hơn ai, vì mỗi nghề có một đặc thù riêng. Nhưng đã cùng làm việc trên một địa bàn, thì nên xem xét để chúng tôi được hưởng chế độ phụ cấp?

Chúng tôi cũng đã nói ra những băn khoăn này với cấp trên trực tiếp. Sau đó được giải thích sở dĩ như vậy vì lý do trạm của chúng tôi không đóng tại địa bàn xã biên giới đặc biệt khó khăn. Và ngành đã có văn bản kiến nghị cấp thẩm quyền xem xét giải quyết... Nghe cấp trên giải thích như vậy chúng tôi cũng thấy buồn. Vì sự việc này đã kéo dài gần 2 năm rồi. Hơn nữa chỉ vì thiếu trạm, thì hóa ra xem trọng cái “nóc nhà” hơn thực tế công việc và con người đang thực hiện nhiệm vụ hay sao...?

Tìm hiểu, trên địa bàn các huyện biên giới Quế Phong, Kỳ Sơn, Tương Dương, có không ít những cán bộ kiểm lâm địa bàn chưa được hưởng phụ cấp vùng biên giới đặc biệt khó khăn. Thậm chí ngay cả ở huyện Con Cuông cũng có trường hợp tương tự. Với huyện Quế Phong, tại xã Tri Lễ có 2 kiểm lâm Dương Thành Luân, Nguyễn Thành Công; xã Nậm Nhoóng có kiểm lâm viên Nguyễn An Giang; xã Nậm Giải có kiểm lâm viên Bùi Văn Thanh; xã Hạnh Dịch có kiểm lâm viên Nguyễn Hữu Duy.

Anh Dương Thành Luân (kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Kỳ Sơn và Cắm Muộn) hỏi chuyện già làng bản Cắm Nọc (xã Cắm Muộn) về tập tục làm hậu sự cho người già của địa phương này. Ảnh: Nhật Lân

Theo kiểm lâm địa bàn xã Tri Lễ, anh Dương Thành Luân trao đổi, dẫn đến thực trạng này là bởi đơn vị của anh không đóng tại xã Tri Lễ. Làm việc ở địa phương này, anh phải “tá túc” ở trụ sở xã, còn trạm thì đóng tại xã Châu Thôn, cách xã Tri Lễ khoảng hơn 20 km. Anh Dương Thành Luân nói: “Cá nhân tôi được giao nhiệm vụ trên địa bàn 2 xã Tri Lễ và Cắm Muộn. Địa bàn rất rộng, diện tích rừng được giao lớn, công tác khó khăn, vất vả, trong khi trách nhiệm thì cao. Ở những địa phương này, nào có ai dám chắc được tình trạng phá rừng sẽ không xảy ra. Mà mỗi lần như thế, dẫu nguyên nhân gì đi nữa thì chúng tôi cũng là người có lỗi...”.

Kiểm lâm viên Nguyễn Văn Hiếu được giao phụ trách địa bàn xã Môn Sơn (Con Cuông) năm 2019, với diện tích lên đến 38.000 ha; trong đó, có những bản dân cư nằm trong vùng lõi Vườn Quốc gia Pù Mát, cách trung tâm xã đến 25 km đường rừng. Vậy nhưng anh cũng chưa được hưởng phụ cấp do trạm không đóng tại địa bàn xã Môn Sơn.

Anh Nguyễn Văn Hiếu trao đổi: “So sánh với cán bộ và chiến sỹ làm việc, đóng quân trên cùng địa bàn thì chúng tôi còn thiệt thòi lắm. Tôi mong chính sách sớm có thay đổi để được hưởng chế độ phụ cấp, qua đó thấy đảm bảo công bằng, yên tâm công tác...”.

Đợi đến bao giờ?

Chi cục Kiểm lâm Nghệ An xác nhận về thông tin nêu trên và cho biết trên địa bàn toàn tỉnh hiện có 15 kiểm lâm viên chưa được hưởng chế độ phụ cấp đặc biệt theo quy định tại Thông tư số 09/2005/TT-BNV. Trong đó, Hạt Kiểm lâm Kỳ Sơn có 2 trường hợp; Hạt Kiểm lâm Con Cuông có 2 trường hợp; Hạt Kiểm lâm Quế Phong có 5 trường hợp; Hạt Kiểm lâm Tương Dương có 6 trường hợp.

Lực lượng kiểm lâm phối hợp cùng chính quyền xã Cắm Muộn (Quế Phong) bắt giữ lâm tặc. Ảnh: C.T.V

Để giải quyết vấn đề này, từ năm 2017, Chi cục Kiểm lâm đã có văn bản kiến nghị đến Sở Nội vụ, Sở Tài chính và UBND tỉnh. Tuy nhiên, đến nay chưa được giải quyết. Cụ thể, ngày 2/11/2017, UBND tỉnh có Văn bản số 8557/UBND-KT giao Sở Nội vụ chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Chi cục Kiểm lâm căn cứ quy định hiện hành của Nhà nước và tình hình thực tế của địa phương để tham mưu văn bản cho UBND tỉnh báo cáo, xin ý kiến Bộ Nội vụ.

Ngày 7/11/2017, Sở Nội vụ có Văn bản số 1902/SNV-CCVC về việc thực hiện chế độ phụ cấp theo Thông tư số 09/2005/TT-BNV gửi Bộ Nội vụ. Ngày 15/12/2017, Bộ Nội vụ có Văn bản số 6555/BNV-TL hồi đáp với nội dung: “Điểm b, Khoản 2, Mục II Thông tư số 09/2005/TT-BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp đặc biệt đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang đã quy định “Phụ cấp đặc biệt chi trả cho những tháng thực sự công tác trên địa bàn, khi rời khỏi địa bàn từ 1 tháng trở lên hoặc đến công tác không tròn tháng thì không được hưởng”. Vì vậy, đề nghị Sở Nội vụ tỉnh Nghệ An căn cứ thời gian thực tế công tác của cán bộ, công chức, viên chức làm việc có quy định mức phụ cấp đặc biệt tại phụ lục danh sách ban hành kèm Thông tư số 09/2005/TT-BNV để báo cáo UBND tỉnh Nghệ An xem xét quyết định”.

Dù vậy, tháng 2/2018, Sở Tài chính tiếp tục có Văn bản số 394/STC-HX gửi Bộ Tài chính đề nghị giải đáp vướng mắc. Sở Tài chính nêu ra 2 ví dụ: Trường hợp 1, ông X là kiểm lâm viên công tác tại trạm bảo vệ rừng đóng tại xã A. Theo phân công nhiệm vụ, ông X phụ trách địa bàn xã A, xã B, xã C, trong đó có xã C thuộc danh mục quy định của Thông tư số 09; Trường hợp 2, ông Y là kiểm lâm viên công tác tại trạm bảo vệ rừng đóng tại xã D. Theo phân công thì ông Y phụ trách địa bàn xã D, xã E, xã F, trong đó xã D thuộc danh mục quy định của Thông tư số 09.

Cán bộ kiểm lâm Vườn Quốc gia Pù Mát kiểm kê cây gỗ bị chặt hạ trái phép trên địa bàn xã biên giới Môn Sơn. Ảnh: C.T.V

Theo Sở Tài chính, căn cứ theo quy định của Thông tư 09 thì hiện chỉ có ông Y được hưởng phụ cấp đặc biệt, còn ông X không được hưởng. Do Bộ Nội vụ có ý kiến tại Văn bản số 6555/BNV-TL; Chi cục Kiểm lâm có văn bản kiến nghị UBND tỉnh cấp kinh phí chi trả cho các đối tượng thuộc trường hợp 1. Vì vậy, đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến về nội dung này.

Đại diện Chi cục Kiểm lâm trao đổi: Thực tế là Chi cục cùng các sở, ngành và UBND tỉnh đã quan tâm về vấn đề này. Tuy nhiên, Bộ Tài chính chưa có hồi đáp nên Sở Tài chính chưa thể cấp kinh phí chi trả. Cũng theo vị đại diện, do tình hình đặc thù của công tác chuyên môn và thực tế địa bàn nên phải phân bổ kiểm lâm viên phù hợp, đảm bảo thực hiện tốt nhiệm vụ. Vì vậy, có nhiều kiểm lâm viên cùng lúc phụ trách địa bàn 2 hoặc 3 xã, trong đó có 1 xã thuộc địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn.

Kiểm lâm địa bàn xã Tri Lễ (Quế Phong) trên được tuần tra rừng biên giới. Ảnh: C.T.V

Chính vì vậy dẫn đến thực trạng kiểm lâm viên thực hiện nhiệm vụ tại địa bàn biên giới đặc biệt khó khăn nhưng trạm lại đóng ở khu vực không thuộc quy định của Thông tư 09, dẫn đến họ chưa được hưởng chế độ phụ cấp. “Chúng tôi biết những kiểm lâm viên công tác trên địa bàn xã biên giới đặc biệt khó khăn hết sức vất vả, và hiểu về những băn khoăn của họ. Vì vậy, đang tiếp tục kiến nghị để họ được hưởng chế độ phụ cấp...” - vị đại diện Chi cục Kiểm lâm trao đổi.

Nhật Lân

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/thieu-noc-nha-15-kiem-lam-vien-mat-phu-cap-vung-bien-gioi-dac-biet-kho-khan-253705.html