Thiếu nước, EVN đề xuất giảm thời gian lấy nước vụ Đông Xuân

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể xem xét giảm ngày số ngày xả lấy nước đợt 2; trong đợt 3 duy trì mực nước tại Hà Nội như điều kiện vận hành bình thường.

Khó khăn trong việc cấp nước cho vụ Đông Xuân 2020. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS

Khó khăn trong việc cấp nước cho vụ Đông Xuân 2020. Ảnh: Đức Dũng/BNEWS

Thông tin từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho hay, với tình trạng khô hạn và lượng nước thiếu hụt ở các hồ chứa trên lưu vực sông Hồng như hiện nay, cùng với việc dự báo tình trạng khô hạn tiếp tục xảy ra đến đầu năm 2020..., việc đảm bảo cấp nước cho gieo cấy vụ Đông Xuân và những tháng còn lại của mùa khô sẽ gặp rất nhiều khó khăn.
Theo đó, Tập đoàn này cho rằng, để đảm bảo cân đối đủ nguồn nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân, cấp nước hạ du những tháng còn lại của mùa khô và cung cấp điện trong mùa nắng nóng năm 2020, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có thể xem xét giảm ngày số ngày xả lấy nước đợt 2; trong đợt 3 duy trì mực nước tại Hà Nội như điều kiện vận hành bình thường.
Đồng thời, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng công bố tình trạng hạn hán, thiếu nước, chỉ đạo các đơn vị, địa phương có liên quan khẩn trương thực hiện các giải pháp khắc phục tình trạng hạn hán, chủ động lấy nước đảm bảo gieo cấy vụ Đông Xuân 2019-2020. Đặc biệt, lắp đặt các trạm bơm dã chiến để có thể bơm lấy nước từ sông Hồng không phụ thuộc vào việc xả nước từ các hồ chứa thủy điện.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng sớm chủ trì làm việc với các địa phương, đặc biệt là Hà Nội và Bắc Ninh để bàn các giải pháp lấy nước đảm bảo nước gieo cấy trong điều kiện cắt giảm thời gian lấy nước như kiến nghị nêu trên.
Ngoài ra, với Bộ Tài nguyên và Môi trường, EVN kiến nghị cho phép hồ Hòa Bình, Sơn La, Thác Bà, Tuyên Quang vận hành đáp ứng các ràng buộc kỹ thuật của lưới điện miền Bắc, lưu lượng xả xuống hạ lưu nhỏ hơn qui trình; trong đó, hồ Hòa Bình vận hành đảm bảo lưu lượng xả xuống hạ du trung bình ngày không nhỏ hơn 400 m3/s.
Đồng thời, Bộ Tài nguyên và Môi trường cho phép mức nước các hồ Hòa Bình, Tuyên Quang, Thác Bà duy trì ở mức thấp hơn so với quy định tại Phụ lục III của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 740/QĐ-TTg ngày 17/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Hồng.
Về phía Bộ Công Thương, sớm báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tiết kiệm điện trong tình huống đặc biệt trong mùa khô 2019-2020.
Theo Lịch lấy nước phục vụ gieo cấy lúa vụ Đông Xuân 2019-2020 khu vực Trung du và Đồng bằng Bắc Bộ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, lịch lấy nước gồm 03 đợt tổng cộng 18 ngày. Cụ thể, đợt 1 từ 0h00 ngày 20/01/2020 đến 24h00 ngày 23/01/2020, 4 ngày. Đợt 2 từ 0h00 ngày 05/02/2020 đến 24h00 ngày 12/02/2020, 8 ngày. Đợt 3 từ 0h00 ngày 19/02/2020 đến 24h00 ngày 24/02/2020, 6 ngày. Trong thời gian lấy nước, mức nước tại Trạm thủy văn Hà Nội yêu cầu duy trì: đợt 1 từ 1,6 m trở lên; đợt 2 từ 2,0 m trở lên; đợt 3 từ 1,4 m trở lên.
Ông Trần Đình Nhân, Tổng giám đốc EVN cho hay, nếu xả nước như yêu cầu nêu trên thì tổng lượng nước xả từ các hồ thủy điện trong 3 đợt khoảng 4,3 tỷ m.
Cụ thể, hồ Hòa Bình giảm từ 102.5m về 84.46 m (cách mực nước chết 4,46m, dung tích còn lại 501 triệu m3, tương đương 8,3 % dung tích hữu ích); Thác Bà giảm từ 53.6 m về 49.83m (cách mực nước chết 3,83m, dung tích còn lại 396 triệu m3, tương đương 18,3 % dung tích hữu ích); Tuyên Quang giảm từ 116.5m về 93.56m (cách mực nước chết 3,56m, dung tích còn lại 142 triệu m3, tương đương 8,4 % dung tích hữu ích).
Với công suất 1.920 MW, nhà máy điện Hòa Bình đang đảm nhiệm việc đáp ứng nhu cầu phụ tải tăng cao trong cao điểm mùa khô (tháng 5, 6) và chống quá tải trong một số trường hợp. Theo đó, nhà máy điện Hòa Bình cần phải có công suất tối thiểu từ 1.700 – 1.920 MW tương ứng với mức nước giữ trong hồ là 91.5 – 101 m.
Bên cạnh đó, nhà máy thủy điện Hòa Bình còn có nhiệm vụ đảm bảo cấp nước cho nhà máy nước sạch sông Đà. Theo ước tính của EVN, để đảm bảo việc này, sản lượng phải huy động từ nhà máy điện Hòa Bình dao động từ 11 – 13 triệu kWh/ngày, tương đương ~55 – 65 triệu m3 nước/ngày.
Nói rõ hơn về việc sẽ thiếu hụt nước cho cấp điện, ông Nhân cho hay, sau đổ ải, mức nước hồ Hòa Bình sụt giảm xuống 84.5 m, việc nâng mức nước hồ Hòa Bình phụ thuộc vào vận hành hồ Sơn La. Do phải đáp ứng việc nâng nước cho hồ Hòa Bình và cung cấp nước cho hạ du nên dự kiến hồ Sơn La sẽ điều tiết xuống mức nước chết vào thời điểm giữa tháng 5 và khi đó hồ Hòa Bình sẽ không còn đảm bảo được cả 2 nhiệm vụ trên.
Sản lượng điện thiếu hụt trong tháng 5 dự kiến so với nhu cầu là 100 triệu kWh, tương đương 0.5 tỷ m3 nước. Tình hình này sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trong tháng 6 do hồ Sơn La đã về mức nước chết và không thể hỗ trợ điều tiết cho hồ Hòa Bình. Lượng điện dự kiến thiếu hụt trong tháng 6 là 300 triệu kWh, tương đương 1,5 tỷ m3.../.

Đức Dũng/BNEWS/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/thieu-nuoc-evn-de-xuat-giam-thoi-gian-lay-nuoc-vu-dong-xuan/142174.html