Thiếu quy chuẩn phòng cháy, chữa cháy cho nhà ống đô thị

Thực tế đã xảy ra nhiều vụ cháy nhà ống riêng lẻ để lại hậu quả nặng về người và tài sản, tuy nhiên, loại nhà này hiện chưa có quy chuẩn riêng về phòng cháy, chữa cháy.

Theo thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC&CNCH, Bộ Công an), trong 6 tháng đầu năm 2023, cả nước đã xảy ra 881 vụ cháy, làm chết 45 người, bị thương 43 người, tài sản thiệt hại ước tính 87,15 tỷ đồng. Trong đó cháy nhà dân là 320 vụ, khiến 27 người chết. Số lượng nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh bị cháy là 82 vụ, chết 19 người.

Phần lớn các vụ cháy xảy ra tại nhà ở riêng lẻ hoặc nhà ở kết hợp kinh doanh

Đại diện Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cho biết, nhà ở hoặc nhà ở kết hợp kinh doanh tại nhiều khu đô thị lớn ở nước ta được xây dựng dạng nhà ống. Các nhà ống này có 1 lối thoát nạn qua cầu thang bộ thông giữa các tầng và thoát ra ngoài qua cửa chính tại tầng 1. Bên cạnh đó, trong các nhà dạng ống có thể sử dụng lối ra ban công, lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (thường gọi là lối thoát nạn khẩn cấp) để thoát sang nhà hoặc công trình liền kề.

Tuy nhiên, vì lý do an ninh nên các hộ gia đình thường trang bị nhiều lớp tại cửa chính ở tầng 1, thông thường là 2 lớp (như cửa gỗ - cửa xếp, cửa kính - cửa cuốn). Những lối thoát nạn khẩn cấp cũng được trang bị các khung sắt kiên cố tạo thành lồng sắt bảo vệ (còn được gọi là chuồng cọp).

Trường hợp xảy ra sự cố cháy, nổ, chính những lớp cửa và lồng sắt này sẽ khiến cho người dân sống trong các ngôi nhà đang hỏa hoạn khó khăn trong việc thoát nạn hoặc không thể thoát ra ngoài (trường hợp thoát qua các lối thoát nạn khẩn cấp nhưng đã lắp lồng sắt bảo vệ và không có ô cửa thoát nạn trên lồng sắt). Các lớp cửa và lồng sắt này cũng đồng thời gây ra rất nhiều khó khăn cho lực lượng PCCC&CNCH khi tiếp cận ngôi nhà để cứu người và dập tắt đám cháy.

Bên ngoài ban công của nhà dạng ống được lắp lồng sắt kiên cố

Đại diện Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cho biết thêm, mặc dù tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ nhưng trong Luật PCCC và các văn bản liên quan đều không yêu cầu cụ thể về phòng cháy đối với nhà ở riêng lẻ dưới 7 tầng (trừ nhà kết hợp kinh doanh).

Hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn phòng cháy cho nhà và công trình theo thông tư năm 2022 của Bộ Xây dựng (Quy chuẩn 06) chỉ áp dụng với nhà ở riêng lẻ có chiều cao từ 7 tầng trở lên hoặc có nhiều hơn một đến ba tầng hầm; nhà ở riêng lẻ kết hợp sản xuất, kinh doanh với diện tích sàn dành cho mục đích sản xuất, kinh doanh chiếm trên 30% tổng diện tích sàn.

Để đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy, vị đại diện Hiệp hội PCCC&CNCH Việt Nam cho rằng, cơ quan chức năng cần có các quy định phòng cháy đối với nhà ở từ tầng 6 trở xuống, các nhà có mặt sàn lớn và nhà ở kết hợp kinh doanh. Từ việc có quy định cụ thể về PCCC để có điều kiện trong việc thiết kế, lắp đặt thiết bị PCCC… Qua đó sẽ giảm thiểu được nguy cơ phát sinh cháy và có thể phát hiện ra sớm các vụ cháy, để xử lý ngay từ giai đoạn ban đầu.

Đình Hiếu

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/thieu-quy-chuan-phong-chay-chua-chay-cho-nha-ong-do-thi-2219992.html