Tiêu điểm: Thiếu sách giáo khoa cho học sinh đặc biệt

Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018 đang được triển khai tới các cấp học cho mọi đối tượng người học. Chương trình mới với nhiều điểm mới, chuyển từ truyền thụ tri thức sang phát triển năng lực người học.

THIẾU SÁCH GIÁO KHOA CHO HỌC SINH ĐẶC BIỆT

Ghi nhận từ hoạt động giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện Nghị quyết số 88 và Nghị quyết số 51 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông” cho thấy đang còn nhiều bất cập, vướng mắc cần tháo gỡ.

Đây là một tiết học hòa nhập lớp 1 của các bạn học sinh khiếm thị cùng với các bạn học sinh mắt sáng tại trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Chương trình giáo dục thay đổi, sách giáo khoa cũng thay đổi. Thế nhưng mãi đến học kì 2, các em học sinh khiếm mới có một số đầu sách giáo khoa được in chữ nổi chuyên biệt.

Dù theo chương trình mới, sách giáo khoa không còn là tài liệu học tập duy nhất, nhưng vẫn là một tài liệu cần thiết. Tại buổi làm việc của Đoàn giám sát chuyên đề về thực hiện chương trình GDPT mới, có không ít ý kiến lo ngại về khả năng đáp ứng của học sinh khuyết tật với chương trình. Tuy nhiên, giáo viên khẳng định đó không phải điều đáng lo nếu các điều kiện học tập như sách vở, đồ dùng của các em được đảm bảo.

Hiện nay chưa có đơn vị cung cấp sách chữ nổi cho học sinh, nhà trường phải tự chuyển đổi nội dung sách, tự in ấn và phát cho các em, đồng thời kêu gọi xã hội hóa từ phụ huynh.

Hiện nay, khối tiểu học và trung học cơ sở của nhà trường có 74 học sinh khiếm thị thiếu sách, số cuốn sách giáo khoa chữ nổi còn thiếu là hơn 800 cuốn. Dù là 1 trường học chuyên biệt ngay giữa thủ đô nhưng sách vở, trang thiết bị cho các em học sinh còn khó khăn là vậy, huống hồ, với các em học sinh khuyết tật ở các tỉnh thành khác, nhiệm vụ đổi mới giáo dục có lẽ sẽ còn không ít trăn trở…

HỌC SINH VẪN PHẢI “HỌC CHAY”

Không chỉ với học sinh khuyết tật, hiện nay việc thiếu trang thiết bị, đồ dùng học tập nói chung và sách giáo khoa nói riêng đang là vấn đề với nhiều nhà trường. Cụ thể, với môn học Giáo dục địa phương - một môn học mới của chương trình 2018, vì nhiều lý do khác nhau mà các địa phương không thể in ấn sách giáo khoa khiến cả thầy và trò phải trong tình trạng dạy chay, học chay.

Giáo dục địa phương là môn học mới trong chương trình GDPT 2018 nhằm cung cấp cho học sinh kiến thức cơ bản, thực tế về tỉnh thành nơi sinh sống như lịch sử, địa lý, văn hóa, nghệ thuật… Môn học này được giao cho Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh biên soạn, trình UBND cấp tỉnh thẩm định, sau đó báo cáo về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Tuy nhiên, sau khi đã biên soạn, thẩm định, hầu hết các địa phương không thể in ấn.

Thiếu sách giáo khoa với môn học giáo dục địa phương là tình trạng phổ biến ở nhiều tỉnh thành. Một số trường phải kêu gọi phụ huynh đóng tiền để tổ chức in sách, một số trường thì gửi tài liệu điện tử cho học sinh.

Không chỉ thiếu sách với phân môn đặc biệt này, nhiều trường còn thiếu các trang thiết bị khác.

Đổi mới giáo dục cần có các điều kiện đảm bảo từ các điều kiện cơ sở vật chất. Khi vẫn phải duy trì hình thức “học chay” như hiện nay, rất khó để giáo viên đổi mới toàn diện phương pháp giảng dạy mà không bị nặng về lý thuyết.

GIÁO VIÊN LOAY HOAY VỚI LIÊN MÔN

Còn một yếu tố khác quan trọng không kém, đó là yếu tố con người, nói cách khác chính là đội ngũ giáo viên. Giáo viên là những người trực tiếp tham gia vào quá trình đổi mới giáo dục và cũng sẽ quyết định lớn đến sự thành công của đổi mới. Thế nhưng, họ gặp không ít khó khăn trong chặng đường này.

“Khoa học tự nhiên” là một môn học mới tại cấp trung học cơ sở. Môn học này yêu cầu học sinh không coi các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học như những vùng đất riêng biệt, mà phải nhìn thấy sự liên kết, bổ trợ lẫn nhau giữa các bộ môn Khoa học tự nhiên.

Về lý thuyết, môn học này hứa hẹn giúp học sinh phát huy cái nhìn bao quát hơn về kiến thức. Nhưng thực tế, giáo viên được đào tạo để dạy đơn môn và vẫn luôn dạy đơn môn suốt những năm qua nên không hề tự tin khi phải giảng dạy liên môn như vậy.

Hiện nay, các cơ sở giáo dục đại học chuyên ngành sư phạm đã điều chỉnh chương trình để sinh viên đáp ứng việc giảng dạy liên môn. Thế nhưng, với những giáo viên đã quen với chương trình cũ trong 1 thời gian dài, việc lập tức giảng dạy liên môn với họ chỉ sau một khóa bồi dưỡng 2 – 3 tháng là một thách thức lớn và cần có sự quan tâm, hỗ trợ liên tục từ các nhà trường.

Mời quý vị theo dõi nội dung chi tiết!

Thực hiện : Đỗ Minh Phan Hằng Đức Minh

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/thieu-sach-giao-khoa-cho-hoc-sinh-dac-biet