Thiếu Sandbox sẽ cản trở sáng tạo, đầu tư và gây thất thu quốc gia

Việc đổi mới tư duy quản lý kinh tế, đặc biệt với những ngành kinh doanh mới như kinh tế chia sẻ, Fintech… đòi hỏi những giải pháp quyết liệt từ tạo lập khung khổ chính sách (Sandbox) tới hành động của các cơ quan quản lý nhà nước.

Tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam”.

Tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam”.

Đây là ý kiến chia sẻ của các chuyên gia tại tọa đàm “Thúc đẩy triển khai cơ chế Sandbox trong kinh tế chia sẻ tại Việt Nam” do Báo Đầu tư tổ chức vào ngày 7/11 tại Hà Nội.

Theo đó, nhằm cụ thể hóa nhận thức và hành động, mới đây nhất, Bộ Chính trị đã có Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị về nâng cao năng lực tiếp cận cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và phê duyệt Đề án thúc đẩy mô hình kinh tế chia sẻ.

Nghị quyết 52 đã chỉ rõ phải xây dựng cơ chế quản lý phù hợp với môi trường kinh doanh số, tạo thuận lợi cho đổi mới sáng tạo. Sớm ban hành khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...

Vì thế, tại tọa đàm, đại diện các cơ quan quản lý, các chuyên gia và doanh nghiệp đã thảo luận về sự cần thiết, kinh nghiệm quốc tế và các khuyến nghị về việc xây dựng một cơ chế Sandbox (khung thể chế thí điểm) phù hợp với Việt Nam.

Theo ông Đào Đình Khả, Vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), khung thể chế thử nghiệm có kiểm soát là một công cụ quan trọng cần được nghiên cứu bởi tất cả các ngành, lĩnh vực để sẵn sàng triển khai nhằm hỗ trợ các mô hình đổi mới, sáng tạo mới cần thiết cho quá trình chuyển đổi số. Mô hình này giúp cho sự sáng tạo với tự tin, sự đổi mới với đầy đủ cơ sở thực tiễn.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoa Cương, Tổ trưởng Tổ chuyên trách đề án Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho biết, kinh nghiệm quốc tế và trong nước cho thấy, ưu đãi và khuyến khích là điều kiện tiên quyết để thu hút đầu tư vào nhân tài cho các hoạt động nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo, từ đó tạo ra công nghệ mới, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, nâng cao năng suất và hiệu quả của nền kinh tế. Vì thế, mục tiêu là phải tạo cơ sở pháp lý cho việc áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi cao nhất trong khung khổ pháp luật, phấn đấu tạo ra một môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa, là yếu tố quan trọng hàng đầu để Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia thành công.

Với lĩnh vực tài chính ngân hàng, ông Ngô Văn Đức, Phó trưởng phòng, Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước cho biết, cơ chế Sandbox đối với hệ thống tài chính ngân hàng đang phát triển rất nhanh. Hệ sinh thái Fintech tại Việt Nam rất rộng khi ngày càng nhiều công ty tham gia, hoạt động chính trong lĩnh vực thanh toán.

Cụ thể, đến nay có 30 tổ chức không phải ngân hàng đã được Ngân hàng Nhà nước cấp giấy phép hoạt động cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán, 24 ngân hàng triển khai thanh toán của QR Code, hơn 50.000 điểm chấp nhận thanh toán QR code, 76 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán của Internet và 44 tổ chức triển khai dịch vụ thanh toán điện thoại di động. Song điều này cũng tồn tại một khoảng trống pháp lý trong lĩnh vực Fintech tại Việt Nam.

Theo ông Đức, khoảng trống này là thể chế quản lý hoạt động Fintech chưa được đề cập tại bất kỳ văn bản pháp lý nào; chưa có quy định về đơn vị chuyên trách hỗ trợ, xử lý liên quan đến hoạt động Fintech; các hoạt động của Fintech chưa được quy định và điều chỉnh bởi các văn bản pháp chế hiện hành.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hòa Bình, Chủ tịch HĐQT Nextech chia sẻ, thiếu Sandbox sẽ cản trở sáng tạo, đầu tư, gây thất thu cho quốc gia do các doanh nghiệp sẽ tìm đến các kênh khác như thanh toán chui, thanh toán lậu...

Do đó, để thuận lợi cho hoạt động của doanh nghiệp, ông Nguyễn Xuân Việt Bình, đại diện Công ty Cổ phần Công nghệ và Dịch vụ Moca ủng hộ việc ban hành cơ chế Sandbox trong lĩnh vực công nghệ tài chính (Fintech). Nhưng bên cạnh các quy định then chốt, Moca đề xuất cơ chế Sandbox sẽ có các quy định phân biệt giữa cách làm mới và ý tưởng hoàn toàn mới.

Theo đó, đối với những cách làm mới khi thực thi các yêu cầu sẵn có, như eKYC, Sandbox sẽ chỉ tập trung đánh giá kiểm chứng về hiệu quả, độ tin cậy của phương pháp. Thời gian thử nghiệm có thể ngắn và có thể cho phép áp dụng ngay sau thời gian thử nghiệm. Còn đối với những ý tưởng hoàn toàn mới như cho vay ngang hàng thì thời gian thử nghiệm cần dài hơn.

Hương Dịu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/thieu-sandbox-se-can-tro-sang-tao-dau-tu-va-gay-that-thu-quoc-gia-114831.html