Thiếu tá QNCN Trương Công Biên và chuyện đi gỡ mìn

Hiện tại chưa có con số thống kê chính xác về số lượng bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên địa bàn các tỉnh Tây Nam Bộ, điều đó cũng đồng nghĩa với việc hàng nghìn héc-ta mặt đất, mặt nước có nguy cơ bị ô nhiễm bởi bom mìn, vật nổ. Gần 30 năm trong quân ngũ, Thiếu tá QNCN Trương Công Biên, Đội trưởng Đội rà phá bom mìn, vật nổ (Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9) luôn nỗ lực, quyết tâm cùng đồng đội thực hiện nhiệm vụ có tính chất nguy hiểm là thu gom, làm sạch bom mìn, vật nổ, trả lại bình yên cho đất ở vùng châu thổ sông Cửu Long.

Gắn bó với việc rà phá bom mìn

Chất giọng nhẹ nhàng cùng nụ cười ấm áp là ấn tượng đầu tiên tôi cảm nhận được khi trò chuyện với Thiếu tá QNCN Trương Công Biên. Anh sinh ra và lớn lên ở miền Bắc (xã Đông Cơ, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình), nhưng cuộc đời binh nghiệp lại gắn bó với vùng đất Vĩnh Long gần 30 năm qua.

Đầu năm 1994, khi vừa tròn 21 tuổi, Trương Công Biên theo gia đình người anh trai (công tác tại Lữ đoàn Công binh 25, Quân khu 9) vào Vĩnh Long sinh sống. Đến tháng 9 năm đó, anh tình nguyện nhập ngũ. Kết thúc khóa huấn luyện chiến sĩ mới, anh được điều về Đội rà phá bom mìn, vật nổ (Lữ đoàn Công binh 25). Trải qua nhiều nhiệm vụ như lái xe, vận hành máy công trình, thợ sửa chữa... năm 2011, anh được giao làm Đội trưởng Đội rà phá bom mìn, vật nổ từ đó cho đến nay.

Thiếu tá QNCN Trương Công Biên bên các loại bom mìn, vật nổ được trưng bày tại nhà truyền thống Lữ đoàn.

Khi được hỏi: “Anh có thấy lo khi nhiệm vụ của mình luôn phải đối mặt với gian khó, hiểm nguy?”, Trương Công Biên mỉm cười, bảo: “Xử lý bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là công việc đặc biệt nguy hiểm. Thật lòng mà nói, mỗi khi nhận nhiệm vụ, tôi cũng không tránh khỏi những băn khoăn, lo lắng. Hiểm nguy luôn rình rập nên việc đầu tiên là phải tự làm tốt công tác tư tưởng cho chính mình và người thân; thường xuyên rèn luyện bản lĩnh, ý chí, sự tự tin và cẩn trọng thông qua việc luôn tìm hiểu, nắm chắc tính năng, nguyên lý hoạt động, quy trình xử lý từng loại bom mìn, vật nổ cũng như sử dụng thành thạo các loại máy móc, phương tiện chuyên dùng. Quá trình thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo, hướng dẫn sâu sát, thường xuyên về chuyên môn, sự động viên kịp thời về tinh thần của lãnh đạo các cấp; đồng thời luôn chủ động và chuẩn bị kỹ về tâm lý, sức khỏe, trang bị, phương tiện... Tất cả những điều đó giúp chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Lữ đoàn Công binh 25 không có tổ chức biên chế chính thức lực lượng làm nhiệm vụ dò tìm, xử lý bom mìn, vật nổ. Các tổ, đội được thành lập lâm thời mỗi khi được giao nhiệm vụ, với lực lượng là các nhân viên chuyên môn kỹ thuật, lái xe, vận hành máy, thợ sửa chữa... được bộ môn Bom mìn, Khoa Công trình, Trường Sĩ quan Công binh huấn luyện, đào tạo, sát hạch, kiểm tra nghiêm ngặt và cấp chứng chỉ theo quy định của Bộ Quốc phòng. Điều kiện địa hình ở các khu vực bị ô nhiễm bom mìn, vật nổ đa dạng, phức tạp như ven bờ biển, ngoài đảo, nơi rừng núi, khu dân cư, dưới đáy sông, hồ, kênh rạch, bùn lầy... vì vậy, các anh phải thực hiện nhiệm vụ trong môi trường độc hại, địa hình hiểm trở.

Cùng với kiến thức chuyên môn vững, trên cương vị Đội trưởng, Trương Công Biên luôn quán triệt cho cán bộ, chiến sĩ thực hiện nghiêm các quy tắc an toàn, tuân thủ quy trình xử lý đối với mỗi kiểu, loại bom mìn, vật nổ. Thiếu tá QNCN Trương Công Biên cho biết thêm: “Ngoài quy trình xử lý chung thì mỗi đợt làm nhiệm vụ đều có những vấn đề riêng do điều kiện địa hình, thời tiết, chủng loại bom mìn, vật nổ chi phối. Do vậy, chúng tôi phải tính toán, dự liệu chi tiết, tỉ mỉ nhất để bảo đảm không một sai sót nào có thể xảy ra. Mặt khác, hệ thống kho chứa, bãi tập kết bom mìn, vật nổ còn khó khăn; tuyến đường vận chuyển đến khu vực xử lý hủy nổ thường xa hàng trăm ki-lô-mét, qua nhiều vùng đô thị, khu dân cư nên công tác bảo đảm an toàn trong quá trình vận chuyển, tập kết và xử lý phải đặt lên hàng đầu trong từng khâu, từng việc, từng động tác dù là nhỏ nhất. Bởi, chỉ một sai sót nhỏ hoặc thiếu tập trung trong quá trình xử lý bom mìn, vật nổ thì sẽ gây hậu quả rất lớn và không còn cơ hội để rút kinh nghiệm”.

Bất chấp gian khổ, hiểm nguy

Theo số liệu thống kê, trên địa bàn Quân khu 9, các địa phương còn bị ô nhiễm bom mìn nhiều là: Tiền Giang, Cần Thơ, Cà Mau, Bến Tre, Trà Vinh... Hầu hết bom mìn, vật nổ sau nhiều năm chịu tác động của môi trường đã gỉ sét, làm thay đổi tính chất hóa, lý của thuốc nổ nên nguy cơ mất an toàn là rất lớn. Một số chủng loại chứa chất độc hóa học, chất napan vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế-xã hội, đe dọa trực tiếp đến sự an toàn các công trình, tính mạng và tài sản của nhân dân.

Thiếu tá QNCN Trương Công Biên bên quả bom mới được xử lý tại Trà Vinh.

Quá trình thực hiện nhiệm vụ, Thiếu tá QNCN Trương Công Biên cũng như đồng đội luôn đối mặt với không ít thử thách. Theo anh, các loại bom mìn, vật nổ nằm dưới nước thì việc xử lý không hề đơn giản. Dù gặp không ít khó khăn nhưng bằng tinh thần chủ động và tâm thế mỗi khi bắt đầu công việc như bước vào một cuộc chiến khi phải đối mặt với những ẩn họa của chiến tranh, số lượng bom mìn, vật nổ được anh và đồng đội vô hiệu hóa ngày càng nhiều. Tính từ năm 2018 đến nay, anh cùng đồng đội đã dò tìm, thu gom, vận chuyển, xử lý hủy nổ hơn 100 tấn bom mìn, vật nổ các loại, làm sạch gần 1.500ha đất ô nhiễm; bảo đảm tuyệt đối an toàn về lực lượng, phương tiện cũng như tính mạng và tài sản của nhân dân.

Hỏi về những kỷ niệm đáng nhớ trong thực hiện nhiệm vụ, anh Biên chia sẻ: “Đó là vào tháng 6-2020, chúng tôi nhận nhiệm vụ vận chuyển một quả bom hóa học từ tỉnh Đồng Tháp đến bãi hủy tại Kho K882 (Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật) để xử lý. Quãng đường vận chuyển rất xa (gần 500km), phương tiện giao thông phức tạp, qua nhiều vùng đô thị đông dân cư nên khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt này, tôi đã trao đổi với anh em trong đội thống nhất phương án hành quân vận chuyển vào ban đêm, nhằm hạn chế sức nóng mặt trời và giảm mật độ phương tiện giao thông. Quá trình vận chuyển, quả bom được cố định chống xóc và thường xuyên được kiểm tra trạng thái an toàn. Sau 7 giờ hành quân, từ 20 giờ tối hôm trước đến 3 giờ sáng hôm sau, chúng tôi đã vận chuyển thành công, sau đó xử lý an toàn quả bom này. Chuyến công tác ấy thực sự là bài học từ thực tiễn rất đáng nhớ đối với chúng tôi”.

Không chỉ thực hiện nhiệm vụ theo kế hoạch phân công, mỗi khi nhận được tin báo của người dân phát hiện có bom mìn, vật nổ là anh Biên cùng đồng đội lập tức có mặt. Vào tháng 7-2022, anh cùng đồng đội đến tìm kiếm, xử lý thành công xác máy bay của đế quốc Mỹ bị rơi trong chiến tranh tại địa bàn phường 1, thị xã Duyên Hải (Trà Vinh). Vị trí xác máy bay rơi ở địa hình sình lầy, nằm rải rác trên diện tích rộng khoảng gần 4.000m2, xa đường lớn nên rất khó triển khai phương tiện cơ giới. “Khi tiếp nhận hiện trường, chúng tôi chọn phương án tận dụng vật liệu tại chỗ, kết hợp với lực lượng của địa phương, sử dụng xe máy để khoanh vùng dò tìm. Tôi và anh em trong đội phải ngâm mình trong sình lầy để đóng cọc cừ, khoanh vùng bơm rút bùn nước. Quá trình tìm kiếm, chúng tôi thường xuyên tiếp xúc với các vật thể sắc nhọn, những mảnh vỡ và đặc biệt là các vũ khí của máy bay như bom, đạn 20mm vẫn còn nguyên cơ cấu gây nổ. Với tinh thần trách nhiệm cao, qua gần 20 ngày, chúng tôi đã thu hồi hầu hết các mảnh vỡ của máy bay, trong đó có 1 quả bom còn nguyên ngòi nổ nằm ở độ sâu 5m. Kết thúc nhiệm vụ, chúng tôi được Bộ tư lệnh Quân khu 9, chính quyền địa phương, Văn phòng MIA Bộ Quốc phòng và cơ quan chức năng của Bộ Ngoại giao đánh giá cao”, anh Biên kể.

“Con số hơn 100 tấn bom mìn, vật nổ các loại mà chúng tôi dò tìm, thu gom và xử lý hủy nổ trong 5 năm qua đã là giảm nhiều so với những giai đoạn trước. Số liệu này mỗi năm đều giảm đồng nghĩa với mức độ ô nhiễm bom mìn, vật nổ trên địa bàn Quân khu giảm. Chúng tôi luôn mong muốn đến một lúc nào đó, con số này sẽ trở về 0, để Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, cả nước nói chung hoàn toàn không còn bị ô nhiễm bởi bom mìn, vật nổ và nhiệm vụ nguy hiểm này của chúng tôi sẽ kết thúc. Để có được điều đó, chúng tôi đã, đang và sẽ tiếp tục nỗ lực, khắc phục mọi khó khăn, vượt qua mọi nguy hiểm để khuất phục những tử thần của chiến tranh vẫn đang ẩn mình”, Thiếu tá QNCN Trương Công Biên khẳng định.

Bài và ảnh: LƯU QUANG ĐỨC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/thieu-ta-qncn-truong-cong-bien-va-chuyen-di-go-min-761250