Thiếu thuốc, vật tư y tế không phải do vướng từ Luật Đấu thầu

Tình trạng không minh bạch, 'quân xanh, quân đỏ' trong đấu thầu; Thiếu thuốc, sinh phẩm vật tư y tế hiện nay có phải do vướng mắc từ đấu thầu hay không, là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) được UBTVQH cho ý kiến chiều 20/9, cũng đã được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận về nội dung này.

Minh bạch, công khai trong đấu thầu

Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng đánh giá, đây là dự án luật rất khó, khó không chỉ vì những vướng mắc trong thực tiễn thời gian qua trong công tác đấu thầu, mà còn đối với công tác tổ chức thực hiện.

Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.

Chủ nhiệm UBPL Hoàng Thanh Tùng phát biểu tại phiên họp.

Nhiều bất cập không phải do quy định của luật mà do công tác tổ chức thực hiện. Cho nên phải phân biệt cho đâu là bất cập do quy định của luật, sơ hở dẫn đến tiêu cực trong công tác đấu thầu để khắc phục, còn đâu là do tổ chức thực hiện để chấn chỉnh.

Do vậy, cần tiếp tục rà soát để bám sát yêu cầu tổng kết cũng như những vướng mắc, bất cập mà chúng ta đã nhận diện để có phương án xử lý phù hợp, để làm sao sau khi được Quốc hội ban Luật đảm bảo chặt chẽ và khắc phục được những bất cập, sơ hở dẫn đến những tiêu cực trong công tác đấu thầu thời gian vừa qua.

Về chỉ định thầu, Chủ nhiệm UBPL cho rằng mục tiêu, quan điểm sửa đổi luật là nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu, nhưng dự thảo luật lại mở rộng phạm vi các trường hợp được chỉ định thầu, nên cần rà soát làm rõ những trường hợp bổ sung này. Vì về nguyên tắc là nên hạn chế chỉ định thầu, chỉ trong trường hợp thực sự cấp thiết và có lý do chính đáng thì mới tổ chức chỉ định thầu.

Hay quy định liên quan đến vấn đề vướng mắc hiện nay là gói thầu của ngành Y tế, là vấn đề cần triển khai ngay để tránh gây nguy hại đến tính mạng, sức khỏe người dân. Chính tiêu chí "cần triển khai ngay" để tránh gây nguy hại đến tính mạng, tính mạng, sức khỏe của người dân là phải làm rõ trường hợp như thế nào, trong trường hợp tình huống khẩn cấp về dịch bệnh…phải quy định cụ thể. Nếu quy định chung chung e rằng không rõ tiêu chí khó áp dụng, mà không dám áp dụng thì vướng mắc.

Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga cũng cho rằng, đấu thầu là một lĩnh vực mà khi đề cập đến người ta hay nghĩ ngay đến tình trạng “quân xanh, quân đỏ” và có nhiều gian lận, tiêu cực. Trong đánh giá của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng Trung ương cũng xác định đấu thầu là lĩnh vực có nhiều nguy cơ về tham nhũng. Nên cần xác định nguyên nhân có phải từ Luật hay do tổ chức thực hiện?

Về chỉ định thầu, Điều 19 quy định 11 trường hợp chỉ định thầu, mở rộng hơn so với Luật hiện hành. Đề nghị Chính phủ giải trình rõ lý do của từng trường hợp mở rộng chỉ định thầu.

Tuy nhiên, Chủ nhiệm UBTP Lê Thị Nga đồng ý như ý kiến của Ủy ban Tài chính, Ngân sách là chỉ nên chỉ định thầu trong các trường hợp: Dự án cấp bách; Đảm bảo bí mật liên quan đến quốc phòng, an ninh; đầu tư mua sắm thuốc, hóa chất sinh phẩm, trang thiết bị vật tư y tế phòng, chống dịch bệnh trong trường hợp khẩn cấp; các trường hợp đặc thù gắn với việc đảm bảo yêu cầu đồng bộ về công nghệ, nghiên cứu thử nghiệm, mua bán quyền sở hữu trí tuệ.

Vướng mắc về y tế hiện nay là do các Nghị định, Thông tư

Báo cáo giải trình thêm một số nội dung, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, hiện có nhiều quy định đôi khi lại chặt quá nhưng cũng có khi lại lỏng quá dẫn đến các nhà thầu hoặc người mời thầu lợi dụng để đưa ra các điều kiện trái với đấu thầu rộng rãi để cài cắm các điều kiện, tiêu chuẩn, tiêu chí vào. Nhà thầu có thể thông đồng với nhau để nâng giá, bỏ thầu, rất nhiều hình thức; dẫn đến không minh bạch và không hiệu quả.

Trong thực hiện các nhà thầu đều lợi dụng vào các sơ hở của chúng ta để làm và từ các lợi ích nhóm dẫn đến tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Họ mong muốn là không thực hiện hình thức đấu thầu rộng rãi mà chỉ thích chỉ định thầu để nhanh, dễ và có quyền lợi, lợi ích ở đằng sau. Trên thực tế hiện nay như vậy buộc phải có bổ sung, điều chỉnh để bịt các lỗ hổng đấy lại, Bộ trưởng cho biết.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạc và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: Sẽ khắc phục tình trạng "quân xanh", "quân đỏ" trong đấu thầu.

Theo Bộ trưởng, dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số quy định để nhằm hạn chế tình trạng đấu thầu hình thức. Hiện nay có tình trạng đấu thầu hình thức, tức là "quân xanh, quân đỏ", rồi gian lận trong đấu thầu. Nên dự luật đã bổ sung những quy định về tiêu chí để bảo đảm cạnh tranh trong nội dung hồ sơ mời thầu, tránh tình trạng bên đấu thầu đưa ra các điều kiện với mục đích cài cắm mời thầu, khi đưa ra đã biết ai trúng. Nên lần sửa này sẽ phải đảm bảo công khai, minh bạch như vậy.

Về khắc phục tình trạng trúng thầu với giá rẻ nhưng sau đó phải trả giá rất đắt, Bộ trưởng cho biết, đúng là có tình trạng như vậy.

Theo Bộ trưởng, hiện nay chúng ta đấu thầu nhưng tập trung vào giá rẻ nhiều quá mà chưa quan tâm đến chất lượng và năng lực của nhà thầu. Vậy nên hầu như gói thầu mua sắm thì rẻ nhưng khi sửa chữa, phụ tùng, linh kiện, duy tu, duy trì, bảo dưỡng lại rất đắt, nên tính tổng của dự đắt hơn cả dự án chúng ta mua được sản phẩm tốt và có được nhà thầu tốt. Nên lần này sẽ khắc phục điều đó, Bộ trưởng khẳng định.

Về vấn đề y tế, trong thời gian vừa qua có một số vướng mắc liên quan đến đấu thầu thuốc, sinh phẩm, trang thiết bị y tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, những vướng mắc chủ yếu hiện nay là do Nghị định 98 của Chính phủ về trang thiết bị y tế ban hành năm 2021; tiếp đến là những vướng mắc từ Thông tư 14/2020/TT-BYT về đấu thầu trang thiết bị y tế, Thông tư 15/2019/TT-BYT về đấu thầu thuốc các cơ sở công lập. Do vậy, chỉ cần sửa các Thông tư, Nghị định này là khắc phục được những vướng mắc, bất cập, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định.

Mai Thoa

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/thieu-thuoc-vat-tu-y-te-khong-phai-do-vuong-tu-luat-dau-thau-213877.html