Thiếu thuốc y học cổ truyền: Các bệnh viện loay hoay tìm giải pháp

Thiếu dược liệu, vị thuốc để điều trị cho bệnh nhân là thực trạng đang diễn ra tại các bệnh viện, cơ sở y tế có khoa y học cổ truyền (YHCT). Nhiều đơn vị xoay xở tìm giải pháp khắc phục tạm thời, duy trì hoạt động và bảo đảm chăm sóc sức khỏe (CSSK) cho người bệnh.

Dừng cấp thuốc điều trị bệnh nhân ngoại trú

Trước đây, trung bình mỗi ngày, Bệnh viện YHCT LanQ, phường Trần Phú (TP Bắc Giang) có từ 0,5 - 1,5 nghìn bệnh nhân các tỉnh, TP về đây khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Số lượng thuốc YHCT sử dụng rất lớn, có thời điểm gần 1 tấn/ngày.

 Nhân viên Bệnh viện YHCT tỉnh đóng gói thuốc.

Nhân viên Bệnh viện YHCT tỉnh đóng gói thuốc.

Tháng 2/2022, Bệnh viện đã tổ chức đấu thầu hơn 140 vị thuốc, kinh phí khoảng 80 tỷ đồng. Tuy vậy, đơn vị trúng thầu không cung ứng được thuốc xuất phát từ Thông tư 38/2021/TT-BYT của Bộ Y tế yêu cầu các cơ sở y tế không được mua bán, sử dụng vị thuốc cổ truyền khi chưa có số đăng ký lưu hành.

Trước đây, việc mua bán vị thuốc YHCT chưa có quy định cụ thể về số lưu hành mà chỉ cần đơn vị cung cấp có đầy đủ giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, giấp phép nhập khẩu, cơ sở chế biến đạt tiêu chuẩn thực hành sản xuất tốt. Quy định này áp dụng trong nhiều năm tạo thành “nếp”, thuận lợi cho bệnh viện xây dựng kế hoạch dự trù mua sắm và đơn vị cung cấp.

Bác sĩ Nguyễn Đình Chiêm, Giám đốc Bệnh viện YHCT LanQ cho biết: Khoảng thời gian từ ngày Thông tư 38 được ban hành (31/12/2021) đến khi có hiệu lực (15/2/2022) quá ngắn. Vì vậy các bệnh viện bị động còn doanh nghiệp không kịp chuẩn bị thủ tục cần thiết để trình cơ quan có thẩm quyền cấp số lưu hành vị thuốc. Bệnh viện tính toán chuyển sang dùng chế phẩm thay vị thuốc đang thiếu song cũng cần thời gian xây dựng kế hoạch, mời thầu.

Nếu mua thuốc trên thị trường đưa vào sử dụng thì cơ quan BHXH sẽ không thanh toán. Một tuần nay, Bệnh viện buộc phải dừng cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân ngoại trú. Điều này ảnh hưởng tới việc điều trị, CSSK người bệnh.

Hiện toàn tỉnh có 1 bệnh viện YHCT tỉnh, 9 trung tâm y tế công lập các huyện có khoa YHCT. Các bệnh viện tư nhân như: LanQ (TP Bắc Giang), Tân Dân (Yên Dũng); Hùng Vương (Lạng Giang), Tâm Phúc (Tân Yên) cũng điều trị cho bệnh nhân bằng vị thuốc YHCT. Bệnh viện YHCT tỉnh và YHCT LanQ có tỷ trọng sử dụng vị thuốc YHCT lớn nhất.

Từ tháng 7 năm nay, nhiều đơn vị dừng cấp thuốc YHCT điều trị ngoại trú. Mới đây, bà Nguyễn Thị Vạn, 63 tuổi, xã Đức Giang (Yên Dũng) đến Trung tâm Y tế huyện tái khám và lấy thuốc điều trị bệnh máu nhiễm mỡ và rối loạn tiền đình bằng bài thuốc YHCT. Tuy nhiên, do không có thuốc nên bà đành chuyển sang sử dụng tân dược.

Bào chế, sản xuất vị thuốc tại chỗ

6 tháng đầu năm nay, Bệnh viện YHCT tỉnh có 23 nghìn lượt bệnh nhân khám và điều trị nội trú cho khoảng 1,8 nghìn người. Thời điểm này, Bệnh viện vẫn còn đủ các nhóm thuốc để sử dụng song dự kiến 1-2 tháng nữa sẽ thiếu trầm trọng các vị thuốc như: Đương quy, bạch thược, thục địa, hà thủ ô, hoàng kỳ, cam thảo, trần bì...

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Bệnh viện cho biết: Bệnh viện đang cân đối để bảo đảm duy trì cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân nội trú. Với bệnh nhân ngoại trú sẽ phải cắt giảm thuốc YHCT, thay thế bằng chế phẩm hoặc thuốc tây y.

Chỉ đạo các khoa phát huy hiệu quả phương pháp điều trị không dùng thuốc bằng các thủ thuật YHCT, phục hồi chức năng như: Châm cứu, xoa bóp, điện xung, điện phân, chiếu lazer nội mạch..., kết hợp điều trị bằng thuốc tân dược. Bệnh viện YHCT may mắn vì có đủ hệ thống trang thiết bị, máy móc để bào chế một số vị thuốc tại chỗ, bù đắp những dược liệu có nguy cơ thiếu do gặp vướng mắc về thủ tục đấu thầu.

Sở Y tế khuyến khích các đơn vị chủ động mua sắm trang thiết bị để tổ chức chế biến, bào chế thuốc cổ truyền tại chỗ. Nếu có nhu cầu và bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, các đơn vị cần nhanh chóng làm hồ sơ theo quy định tại Thông tư số 32/2020/TT-BYT ngày 31/12/2020, nộp tại bộ phận một cửa của Sở Y tế (tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh).

Dịp này, tại các đơn vị cung ứng như: Liên danh dược liệu Ninh Hiệp-T.W.I; Công ty cổ phần dược Sơn Lâm; Công ty cổ phần dược phẩm Bắc Ninh đã ra thông báo dừng cung ứng để làm thủ tục và chờ Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền cấp số đăng ký lưu hành. Trong khi chờ đợi cơ quan thẩm quyền tháo gỡ vướng mắc thì việc gián đoạn nguồn thuốc cung ứng đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động khám, chữa bệnh và quyền lợi của người dân khi có nhu cầu CSSK.

Ông Nguyễn Văn Bình, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trước tình hình đó, Sở Y tế đã gửi văn bản (3 lần) đề nghị Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền và Bộ Y tế hướng dẫn để sớm giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh, Sở Y tế hướng dẫn các cơ sở y tế thường xuyên cập nhật thông tin về số đăng ký lưu hành vị thuốc được công bố trên website của Cục Quản lý Y, Dược cổ truyền để kịp thời mua sắm.

Sở Y tế khuyến khích các đơn vị chủ động mua sắm trang thiết bị để tổ chức chế biến, bào chế tại chỗ. Nếu có nhu cầu và bảo đảm cơ sở vật chất, nhân lực, các đơn vị cần nhanh chóng làm hồ sơ nộp tại bộ phận một cửa của Sở Y tế (tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh) để sớm được công bố đáp ứng đủ tiêu chuẩn chế biến, bào chế thuốc cổ truyền. Các cơ sở khám, chữa bệnh chủ động thông tin với BHXH tỉnh để được hướng dẫn về việc thanh quyết toán BHYT theo quy định.

Bài, ảnh: Hải Vân - Khôi Nguyên

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/suc-khoe/387366/thieu-thuoc-y-hoc-co-truyen-cac-benh-vien-loay-hoay-tim-giai-phap.html