Thiếu tiêu chí cụ thể quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ

Ngày 11/10, tại Đà Nẵng, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị Hội đồng Điều phối vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ (lần thứ 2).

Xác định bốn hành lang Đông - Tây

Tại Hội nghị, đơn vị tư vấn là Liên danh HASKONINGDHV - CIEM - ISPONRE cho biết, vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung nằm trên các trục giao thông chính Bắc - Nam, có ý nghĩa chiến lược về kinh tế Bắc - Nam và Đông - Tây.

Vùng có mật độ cảng biển, sân bay nhiều nhất trong cả nước, hệ thống bưu chính viễn thông phát triển... là nơi được các nước khu vực Bắc Á quan tâm đầu tư.

Phó thủ tướng Trần Hồng Hà phát biểu tại hội nghị.

Theo tư vấn, hạ tầng kinh tế - xã hội của vùng còn thiếu, yếu, chưa liên thông, nhất là hệ thống giao thông kết nối liên tỉnh, liên huyện, kết nối tuyến đường cao tốc, các đường "xương cá" nối với miền núi và Tây Nguyên.

Vai trò các cảng biển, đầu mối trung chuyển, quá cảnh, giao lưu hàng hóa… với Tây Nguyên, khu vực ASEAN và thế giới chưa được phát huy.

Tư vấn xác định bốn hành lang Đông - Tây chính trong vùng, gồm: Vinh - QL18 - Lào; Đà Nẵng - Huế - Quảng Trị - QL1 - QL9 - cửa khẩu Lao Bảo - Lào; Quy Nhơn - QL19 - Campuchia; Nha Trang - QL27, Phú Yên - QL29 - cửa khẩu Đắc Ruê - Stung Cheng - Xiêm Riệp (CPC).

Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy đề nghị tư vấn xác định tiêu chí cụ thể trong các đề xuất, nghiên cứu.

Đồng thời, hình thành và phát triển các trung tâm logistics cấp vùng và quốc gia trên cơ sở hệ thống cảng biển trong vùng và các hành lang vận tải quốc tế chính, gồm: Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Áng (Hà Tĩnh), Chân Mây (Thừa Thiên - Huế); Đà Nẵng, Quảng Nam; Quy Nhơn (Bình Định), Phú Yên; Vân Phong (Khánh Hòa).

Tư vấn quy hoạch "bỏ sót" địa phương

Ông Đặng Văn Minh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi cho biết, trong ba năm qua, các địa phương đã dành rất nhiều thời gian cho quy hoạch.

Đối với dự thảo lần 2 quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thời kỳ 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2050, đơn vị tư vấn chưa làm hết trách nhiệm.

Theo ông Minh, tư vấn chưa làm việc với địa phương thì làm sao quy hoạch đảm bảo tính khả thi.

"Đọc vào quy hoạch chẳng thấy Quảng Ngãi đâu. Cập nhật thông tin không đầy đủ thì làm sao quy hoạch có chất lượng?", ông Minh đặt câu hỏi.

Còn ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, quy hoạch sẽ phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của vùng, địa phương nếu như làm tốt; ở chiều ngược lại, nếu làm vội vàng thì sẽ kìm hãm sự phát triển của các địa phương, gây tác động xấu đến cả khu vực.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho rằng, cần làm rõ những công trình, dự án trọng điểm có thể thu hút được đầu tư vốn xã hội hóa để giảm gánh nặng cho ngân sách.

"Dự thảo quy hoạch chưa nêu bật được tính đột phá cần tập trung nguồn lực để phát triển nhanh trong ngắn hạn. Ví dụ như địa phương nào cũng có du lịch, nhưng đột phá về du lịch thì chưa chỉ ra được; Chưa có tính logic giữa việc xác định các lĩnh vực ưu tiên phát triển", ông Thanh nói.

Theo ông Thanh, có những lĩnh vực giai đoạn đầu đưa vào ưu tiên phát triển, giai đoạn sau lại không đề cập gì cả. Các lĩnh vực ưu tiên phát triển cũng chưa chỉ ra được nguồn lực ở đâu.

Chủ tịch Quảng Nam cho rằng, cần làm rõ những công trình, dự án trọng điểm có thể thu hút được đầu tư vốn xã hội hóa để giảm gánh nặng cho ngân sách. Trong tiểu vùng cần phải xác định chức năng, nhiệm vụ cơ chế riêng cho từng tiểu vùng để từng tiểu vùng phát triển.

Phải xác định tiêu chí cụ thể

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ là vùng có kết cấu hạ tầng giao thông dày đặc, có đầy đủ các phương thức vận tải, mật độ sân bay, đường quốc lộ trên diện tích lớn nhất nước.

Xe đầu kéo xếp hàng qua Lào từ cửa khẩu La Lay (tỉnh Quảng Trị).

Tại hội nghị, Thứ trưởng đề nghị đơn vị tư vấn nghiên cứu kỹ hơn và đề xuất các tiêu chí cụ thể để làm cơ sở đánh giá, xem xét, quyết định.

Theo Thứ trưởng, Bộ GTVT khi quy hoạch các lĩnh vực giao thông đều phải xây dựng tiêu chí cụ thể. Như quy hoạch cảng biển phải có tiêu chí cái nào là chủ lực, cái nào là bổ trợ, hoạch định hết vị trí, vai trò, chức năng.

"Mỗi cảng biển có một vai trò nhất định. Việc quy hoạch từng cấp đều đầy đủ cơ sở khoa học, cơ sở thực tiễn và ràng buộc với nhau. Không có cảng biển của địa phương nào cạnh tranh với địa phương khác", Thứ trưởng cho hay.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy, vấn đề hoạch định một đầu mối, tuyến đường của hành lang kinh tế vấn đề cơ bản nhất là dự báo lượng hàng hóa, hành khách.

"Khi chúng tôi thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, tham gia một hợp phần của Bộ KH&ĐT chúng tôi dự báo tất cả các hành lang vận tải đều phải đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội của cả nước và của địa phương nói riêng", Thứ trưởng nói.

Theo Phó thủ tướng Trần Hồng Hà, cần phải xác định trong quy hoạch đó, cái nào cần ưu tiên để tốt cho kết nối của Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ với các vùng khác.

Phó Thủ tướng cho biết, quy hoạch vùng không phải là phép cộng của các tỉnh mà phải đưa ra những phương án mang tính phương pháp luận một cách rõ ràng, nêu bật được tầm quan trọng của vùng. Quy hoạch vùng phải lựa chọn những vấn đề các địa phương trong vùng quan tâm, lựa chọn.

Đồng thời, quy hoạch cần xác định rõ nhiệm vụ trước mắt lâu dài, linh hoạt và sáng tạo, tạo ra sự phát triển, không gian sáng tạo, kết nối giữa các địa phương, cả vùng và liên vùng. Các tiêu chí để quy hoạch vùng cần dựa trên cơ sở quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch các địa phương.

Theo ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, các cảng ở miền Trung cảng nào cũng có những lợi thế riêng, nhưng quan trọng nhất là xác định nó phục vụ cho đối tượng hàng hóa nào?.

Cụ thể, khi quy hoạch cảng phải gắn với nguồn hàng hóa, lưu lượng, tốc độ tăng trưởng… từ đó định vị được vai trò của cảng đó đối với vùng.

Ông Thanh nêu ví dụ, tại Chu Lai (Quảng Nam) đã hình thành trung tâm cơ khí, trung tâm công nghiệp phụ trợ, tới đây hình thành trung tâm chế biến hàng nông sản xuất khẩu trên cơ sở nguyên liệu từ Lào, Campuchia, Tây Nguyên đưa về.

Thaco đăng ký đầu tư một cảng nước sâu tại Chu Lai gắn với chế biến hàng xuất khẩu đối với các ngành công nghiệp ô tô, cơ khí, nông nghiệp. Chính vì lượng chân hàng ổn định nên sự hình thành của cảng Chu Lai là tất yếu.

Do đó, cảng Chu Lai phải được ưu tiên đầu tư trong thời kỳ tới nhưng trong quy hoạch không có.

Ngoài ra, cảng hàng không (CHK) Chu Lai được quy hoạch là CHK cấp 4F (cấp lớn nhất) nên cũng cần ưu tiên đầu tư trong giai đoạn này với hình thức xã hội hóa.

Các CHK không chỉ phục vụ hành khách mà còn phục vụ logistics và các ngành phụ trợ xung quanh, nên định hướng các CHK cần được làm rõ, nguồn lực ở đâu để thực hiện.

“Tất cả hạ tầng quan trọng mà chỉ dựa vào nhà nước thì lấy đâu ra nguồn lực đầu tư. Sân bay Chu Lai hoàn toàn có thể huy động nguồn lực từ bên ngoài.

Những hạ tầng quan trọng có khả năng thu hút được nguồn bên ngoài thì phải ưu tiên đưa vào danh mục đầu tư”, ông Thanh cho biết thêm.

Vĩnh Nhân

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/thieu-tieu-chi-cu-the-quy-hoach-vung-bac-trung-bo-va-duyen-hai-trung-bo-192231011135535651.htm