Thiếu trầm trọng trường mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất

Theo thống kê năm 2017, cả nước có khoảng 260 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động với tổng số 2,8 triệu lao động nhưng chỉ có 112 trường mầm non.

Trung tâm Hỗ trợ Giáo dục và Nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW) phối hợp và Hiệp hội vì giáo dục cho mọi người Việt Nam (VAEFA) vừa chia sẻ kết quả nghiên cứu “Tiếp cận giáo dục mầm non của con em lao động di cư - Thực trạng và khuyến nghị chính sách”.

Bà Ngô Thị Thu Hà, Phó Giám đốc CEFEW cho biết, nghiên cứu cho thấy, tình trạng thiếu trường mầm non công lập tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và những địa phương có đông lao động di cư tự do.

Hiện cả nước có khoảng 260 khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động với tổng số 2,8 triệu lao động nhưng chỉ có 112 trường mầm non.

Mặc dù Chính phủ đã có chính sách phát triển trường mầm non trong các khu có đông lao động nhưng quỹ đất quy hoạch để đầu tư xây dựng cơ sở giáo dục mầm non không đủ. Các chính sách hiện tại về quy hoạch đất xây dựng các công trình phục vụ người lao động còn nhiều bất cập nên không đủ quỹ đất trong các khu công nghiệp để xây dựng trường mầm non.

Phó Chủ tịch UBND phường Khai Quang, TP Yên, tỉnh Vĩnh Phúc cho biết: “Do thiếu nhà trẻ, mẫu giáo cho con công nhân và người dân địa phương, nên mở thêm hệ thống nhà trẻ, mẫu giáo vệ tinh tư thục, dân lập để lao động nhập cư gửi con… Tuy nhiên, một tháng hết khoảng 1-1,5 triệu đồng. Nhiều gia đình không đủ tiền, đành phải gửi con về quê nhờ ông/bà chăm sóc”.

Các chuyên gia chia sẻ kết quả nghiên cứu về tiếp cận giáo dục của con em lao động di cư

Nghiên cứu cho thấy, ở độ tuổi 15-59 nữ di cư chiếm tỷ lệ 17,7% so với tổng dân số nữ và nam chiếm tỷ lệ 16,8% so với tổng dân số nam trong độ tuổi này. Xét trong tổng số người di cư độ tuổi 15 -59 thì nữ chiếm tỷ trọng 52,4% và nam chiếm tỷ trọng 47,6%.

75% người được hỏi ở địa bàn nghiên cứu có mang theo con nhỏ đến nơi nhập cư. Hơn 80% người lao động di cư đem theo con với dự định định cư lâu dài và với hy vọng con em mình được hưởng nền giáo dục tốt hơn ở khu vực đô thị

Tuy nhiên, trẻ em di cư chịu nhiều thiệt thòi trong thụ hưởng quyền chăm sóc và vui chơi. Người lao động di cư không có thời gian dành cho bản thân và phải làm việc ca kíp, làm thêm giờ ảnh hưởng đến việc chăm sóc và nuôi dạy con cái.

Có tới 62% người được hỏi cho rằng trẻ em di cư không tham gia các hoạt dộng địa phương tổ chức và 25% cho rẳng ít tham gia do không có thông tin hay bố, mẹ bận đi làm nên không có thời gian đưa đón con tham gia.

9% nam giới và 18% phụ nữ tham gia nghiên cứu cho rằng không bao giờ cho con đi chơi ở nơi công cộng. Thêm vào đó, phần lớn trẻ con em lao động di cư tự do đều bị chi phối bởi việc kinh doanh phụ giúp gia đình. Do vậy, trẻ khó có cơ hội, điều kiện học tập và vui chơi. Một số cha mẹ cho rằng việc học không quan trọng bằng việc kiếm tiền nên thường cho trẻ theo họ buôn bán, kinh doanh kiếm sống.

“Địa bàn phường chỉ có một trường tiểu học, một trường trung học cơ sở và ba cơ sở trường mầm non công lập. Còn lại có khoảng 15 cơ sở mầm non tư thục nằm rải rác ở 14 khu dân cư”, lãnh đạo Hội LHPN phường Thịnh Liệt (Quận Hoàng Mai, Hà Nội).

Theo quy định, điều kiện quan trọng nhất để trẻ nhập học ở các trường công lập là có hộ khẩu thường trú hoặc sổ tạm trú dài hạn. Đây là một rào cản lớn khiến phần lớn trẻ di cư không được học ở các trường công lập. Nếu không có hộ khẩu, trẻ được xem ở diện trái tuyến. Trong trường hợp này, trẻ chỉ được nhận học nếu lớp học còn chỗ, đóng tiền trái tuyến và/hoặc trẻ phải đóng học phí cao hơn.

Trong khi đó, lao động di cư muốn gửi con ở trường công lập vì miễn học phí cho bậc tiểu học và học phí hợp lý ở bậc học mầm non, giáo viên có chuyên môn nghiệp vụ, cơ sở vật chất đầy đủ và độ an toàn cho trẻ cao hơn. Tuy nhiên, con em lao động di cư rất khó tiếp cận các trường công lập, nên phải gửi con vào các trường tư thục hoặc những cơ sở trông giữ trẻ tư nhân tự phát hay nhóm trẻ gia đình.

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: http://phapluatxahoi.vn/thieu-tram-trong-truong-mam-non-o-cac-khu-cong-nghiep-khu-che-xuat-115889.html