Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện: Người đi suốt cuộc trường chinh

Ngôi nhà 18 Nguyễn Biểu, khu Ba Đình, Hà Nội là khu tập thể của Ban Thống nhất Trung ương, nơi tôi bắt đầu cuộc đời đi học với bậc học đầu tiên là lớp vỡ lòng, nơi em trai tôi đi nhà trẻ và mẫu giáo, nơi em gái tôi cất tiếng khóc chào đời. Đó cũng là nơi lưu giữ những kỷ niệm ấm áp và ngắn ngủi của gia đình chúng tôi khi còn đầy đủ thành viên ở Hà Nội các năm 1960 - 1962.

Ba tôi (*) lúc ấy là trung đoàn trưởng ở Nà Sản - quân khu Tây Bắc thỉnh thoảng về Hà Nội họp, kết hợp thăm nhà. Sau khi ba tôi được điều vào chiến trường Nam bộ, gia đình tôi chuyển về sống ở Khu tập thể quân đội 3B Ông Ích Khiêm, quận Ba Đình, Hà Nội.

Khu 3B Ông Ích Khiêm lúc đầu chỉ có 6 dãy nhà với hai cổng vào ở đường Ông Ích Khiêm, sau có thêm hai dãy nhà tách ra từ Trạm 354 (trạm tiếp đón gia đình quân nhân của Bộ Quốc phòng), tổng cộng khoảng 60 hộ. Trong hai dãy nhà nhập sau vào 3B Ông Ích Khiêm có gia đình các bác các chú Mai Văn Vĩnh, Trần Mạnh, Phan Tương, Nguyễn Xuân Đài, Nguyễn Văn Kiết... Con cái các gia đình mới, cũ ở khu 3B Ông Ích Khiêm dần dà quen thân với nhau.

Chúng đều là con bộ đội, cha thường xuyên vắng nhà, không đi chiến trường xa ở Khu Năm, Nam bộ hay Tây Nguyên thì cũng đi công tác tuyến lửa Khu 4... Đang chiến tranh, bọn trẻ đã quen với cảnh mọi việc lớn bé trong nhà đều tay mẹ lo. Quen cả với tiếng xe đơn vị đỗ xịch ở cổng giữa đêm khuya và sáng sớm để đưa đón những ông bố bộ đội trong chuyến về thăm nhà chớp nhoáng.

Trong bối cảnh “bố vắng nhà” ấy, bọn trẻ con 3B Ông Ích Khiêm chúng tôi gần như không biết mặt bố của nhau. Những ông bố bộ đội mà chúng tôi thường gặp mặt nhất có lẽ là nhạc sĩ - họa sĩ Nguyễn Đức Toàn, nhạc sĩ Trọng Loan, chú Quang nhà H6, chú Nghị nhà H12... - những người do công việc phải bám trụ Hà Nội.

Từ trái: Thiếu tướng Hồ Bá Phúc, Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, Thiếu tướng Nguyễn Thị Định, Thiếu tướng Lê Quốc Sản - những người bạn chiến đấu từng ở chiến trường Nam bộ trong một lần gặp nhau tại nhà Thiếu tướng Lê Quốc Sản ở Khu tập thể quân đội 3B Ông Ích Khiêm, Hà Nội. Ảnh tư liệu Nhà lưu niệm Hoàng Thế Thiện

Tôi nhớ vào khoảng cuối năm 1971, khi dắt xe đạp ra cổng để đi học (Đại học Ngoại ngữ Hà Nội ở Thanh Xuân - nơi tôi đang là sinh viên năm thứ nhất), tôi thấy một người đàn ông mặc quân phục đi ra từ nhà cô Trinh ở bên phải cổng khu tập thể.

Theo thói quen, tôi khẽ cúi đầu chào và đoán chắc đó là ba của Dân và Hoàng Hương. Ông cũng mỉm cười chào tôi rồi bước nhanh ra xe com măng ca đang chờ sẵn. Sáng hôm sau là ngày nghỉ, tôi lại gặp người đàn ông ấy ở máy nước của dãy H, ông mặc chiếc quần ta và áo may ô, tay cầm cái xô thiếc.

Tôi chào ông và chủ động hỏi chuyện: “Thưa, chú là bố của Dân, Hương ạ?”. Ông vừa đặt cái xô xuống và mở vòi nước, vừa trả lời tôi với vẻ hiền hậu dễ mến: “Ừ. Vòi nước bên dãy nhà chú nước chảy chậm hơn bên này. À, thế nhà cháu ở dãy nào?”. Tôi chỉ tay vào phía bên trái vòi nước: “Dạ ở đây ạ, H11”.

Nước đầy xô nhưng ông chưa xách đi ngay, ông hỏi thêm tôi câu nữa: “Này, bố cháu tên gì nhỉ?”. Dạ, Nguyễn Thế Truyện ạ, tôi đáp. Bỗng nhiên tôi thấy vẻ mặt ông thay đổi, ông nhìn tôi thật chăm chú và mắt ánh lên vẻ xúc động: “À, thì ra cháu là con anh Truyện. Chú biết ba cháu, chú và ba cháu ở cùng một chiến trường B2. Khi ba cháu hy sinh ở mặt trận Sài Gòn - Gia Định chú biết tin ngay. Thôi, để chú xách nước về đã nhé”.

Tôi ào vào nhà, kể ngay với má tôi, rằng con vừa gặp ba của Dân, Hương nhà cô Trinh, chú ấy nói biết ba mình, má có biết chú ấy không. Má tôi nói ngay: “Má chưa từng gặp chú, nhưng má biết chồng cô Trinh là chú Hoàng Thế Thiện, mấy năm trước ở chiến trường B2 với ba của con. Vậy là chú đã ra Bắc”.

Hai mẹ con đang nói đến đó thì thấy có tiếng gõ cửa, nhìn ra đã thấy chú Hoàng Thế Thiện đứng ở cửa, quân phục chỉnh tề. Chú chào má tôi trước khi bước vào nhà, nhìn rất lâu tấm ảnh ba tôi đóng khung đen trên đầu tủ rồi mới ngồi xuống chiếc ghế tre ở nơi tiếp khách.

Chú nói: “Biết chị và các cháu đang sống ở đây, tôi muốn sang chào chị ngay. Hóa ra, tôi và anh Truyện ngoài là đồng đội còn là đồng hương và hàng xóm. Anh Truyện với tôi tuy rất ít gặp nhau khi còn ở ngoài Bắc cũng như khi vào chiến trường, nhưng anh em tôi có sự gần gũi vì cùng là người Hải Phòng, cùng là bộ đội Nam bộ thời chống Pháp, cùng tập kết ra Bắc và sau này lại cùng trở lại chiến trường Nam bộ.

Đầu đợt 2 Tổng tiến công Mậu Thân, nghe tin anh Truyện hy sinh tất cả chúng tôi trong ấy đều bàng hoàng, thương tiếc. Anh Truyện là một người chỉ huy giỏi và dũng cảm, được cấp dưới thương quý. Hai chúng tôi đều là những người góp phần xây dựng lực lượng quân sự chủ lực của Nam bộ trong chống Mỹ đấy chị ạ”.

Giữa câu chuyện, chú Hoàng Thế Thiện quay sang hỏi tôi: “Cháu đang học đại học năm thứ mấy, ngành gì?”. Dạ, năm thứ nhất ngành Pháp văn Đại học Ngoại ngữ Hà Nội ạ. Tôi trả lời. Chú Thiện cười bảo: “Ừ, cố gắng học và giúp mẹ chăm sóc các em nhé. Bây giờ cháu là một trụ cột trong gia đình đấy. Học xong, nếu muốn làm phiên dịch cho quân đội thì bảo chú nhé. Chú cũng đang ở chiến trường, ra Hà Nội họp vài hôm lại vào. Chưa biết sắp tới thế nào, ác liệt đấy, nhưng nếu chú còn trở ra thì sẽ giúp khi các cháu cần”.

Rồi, thật tự nhiên, chú đứng dậy đưa hai tay ôm lấy tôi thật chặt và nói: “Con bộ đội, cố gắng học tốt, sống tốt cháu nhé”. Tôi và má tôi đều rơi nước mắt trước cử chỉ gần gũi, ấm áp ấy của chú - một đồng đội của ba tôi và vẫn đang là một người lính luôn trong tư thế ra trận. Lúc ấy, quả là tôi không biết rõ chú đang làm nhiệm vụ gì, ở mặt trận nào và thực sự cũng không dám hỏi.

Tốt nghiệp đại học, vào sống và làm việc ở Sài Gòn đến mấy năm sau tôi mới biết rành rẽ chiến tích của chú Hoàng Thế Thiện qua các bạn đồng nghiệp ở báo Quân đội Nhân dân. Hóa ra, chú Hoàng Thế Thiện - người hàng xóm bình dị của chúng tôi ở khu tập thể 3B Ông Ích Khiêm, Hà Nội là một người từng lập nhiều thành tích lẫy lừng trong chiến tranh và có vị thế rất đáng kính nể trong quân đội. Tôi cũng như bao bạn bè lứa thanh niên sinh ra trước và sau 1954 nghe nhiều và mơ nhiều về Trường Sơn qua những lời hát câu thơ “Chào em cô gái Trường Sơn, ơi cô gái Trường Sơn, hẹn gặp nhé giữa Sài Gòn...”, “Cùng mắc võng trên rừng Trường Sơn, hai đứa ở hai đầu xa thẳm...”... vậy mà tôi đâu có biết người Chính ủy, Bí thư Đảng ủy Bộ Tư lệnh Trường Sơn chính là chú Hoàng Thế Thiện.

Tôi cũng đâu có biết bước chân của người lính và nhà chỉ huy quân sự Hoàng Thế Thiện đã đi gần khắp các mặt trận nóng bỏng ở Đường 9 - Nam Lào, ở Tây Nguyên và để lại đó dấu ấn thắng lợi khó phai mờ trong lịch sử quân sự Việt Nam: chiến dịch Đắc Tô 1 trên đồi 875 ở Tây bắc Kon Tum.

Và tôi đã biết vì sao ông có sự sẻ chia, gần gũi với ba tôi - một người quê Hải Phòng nhưng cả cuộc đời binh nghiệp gắn bó với vùng đất Nam bộ, khi đọc những dòng viết của Đại tá - Tiến sĩ sử học Hồ Sơn Đài: “Có thể nói rằng, chặng đường chiến đấu của Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện ở Nam bộ gắn liền với các đơn vị chủ lực, với quá trình xây dựng, chiến đấu và công tác của lực lượng vũ trang chủ lực ở Nam bộ, từ trung đoàn đến cấp quân đoàn... Những gì ông để lại cho lực lượng vũ trang Nam bộ là hình ảnh một cán bộ chính trị - quân sự kiên trung, tận tụy, sâu sắc, mực thước và dung hậu. Với tư cách một người lính cầm súng, trên dọc đường hành quân đánh giặc, Nam bộ là nơi ông dừng chân nhiều nhất, cũng là nơi ông dừng lại sau cùng”.

Cũng qua tìm hiểu mà tôi mới biết chú Hoàng Thế Thiện có đến 3 lần được Bộ Quốc phòng điều vào công tác ở chiến trường B2 (Nam bộ): lần thứ nhất là vào năm 1949, lần thứ hai vào năm 1964 và lần thứ 3 là tháng 2.1975. Đối với một cán bộ quân sự, việc được tín nhiệm cử đến 3 lần vào Nam bộ - nơi có tổng hành dinh của đối phương để tham gia chỉ huy chiến trường là rất hiếm. Ở những nơi chú Hoàng Thế Thiện từng công tác, bộ đội và nhân dân đều thương quí chú vì tác phong gần gũi và chân tình.

Những năm sau này, vào dịp họp mặt những đứa con bộ đội từng sống ở khu tập thể 3B Ông Ích Khiêm, tuy không nói ra, trong lòng tôi vẫn luôn có niềm tự hào sâu sắc về những người cha - người lính mà chúng tôi may mắn và vinh dự được làm con. Họ, để lại phía sau gia đình êm ấm của mình với người vợ trẻ và những đứa con thơ dại, đã đi không ngần ngại tới tuyến đầu của cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, không cần biết mình có may mắn vượt qua bom đạn chiến tranh để trở về hay không...

Với những người cha - người lính ấy, trách nhiệm đối với gia đình riêng của mình đã hòa quyện làm một với trách nhiệm non sông trao gửi. Họ xứng đáng để các thế hệ hôm nay và mai sau ghi nhớ, biết ơn. Trong những người cha - người lính đáng tự hào ấy có Thiếu tướng Hoàng Thế Thiện, người hàng xóm thân thương, đặc biệt của chúng tôi...

Nguyễn Thế Thanh

________________

(*) Đại tá Nguyễn Thế Truyện - Liệt sĩ, Anh hùng Lực lượng Vũ trang, nguyên Tư lệnh tiền phương Bắc Phân khu I Sài Gòn - Gia Định, hy sinh trong cuộc Tổng tấn công Mậu Thân 1968.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/thieu-tuong-hoang-the-thien-nguoi-di-suot-cuoc-truong-chinh-20239.html