Thiếu vai trò nhà nước, startup khó thoát 'thung lũng chết'

Khoảng 80-90% startup rơi vào 'thung lũng chết' do không tiếp cận được nguồn tài chính ở giai đoạn đầu. Nếu Nhà nước chịu đầu tư và chấp nhận thất bại, tình trạng này sẽ được cải thiện.

Hiện chưa có nhiều nguồn vốn tài trợ của Nhà nước vào khởi nghiệp. Ảnh: Thành Hoa

Giai đoạn “ngốn” vốn

Đầu tư vào doanh nghiệp khởi nghiệp (startup) gắn liền với rủi ro. Theo các chuyên gia, ngay cả với những nhà đầu tư dày dạn kinh nghiệm, cứ 10 doanh nghiệp bỏ vốn, có 2 doanh nghiệp có thể đi tiếp sang giai đoạn có lợi nhuận đã được xem là rất thành công.

Tỷ lệ rủi ro cao, tại sao các quốc gia trên thế giới vẫn thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo?

Nhiều cuộc nghiên cứu đưa ra kết quả rằng các startup có đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, tạo ra nhiều công ăn việc làm. Tại Mỹ, giai đoạn từ năm 1977-2005, startup là khu vực tạo ra nhiều việc làm mới nhất. Hơn nữa, các startup cũng tạo ra mô hình kinh doanh mới. Thậm chí, dù họ thất bại, những kinh nghiệm có được vẫn có thể là nền tảng phát triển cho người trẻ ở các công ty khác, hoặc ở lần khởi nghiệp sau.

Dù vậy, các startup luôn phải đối mặt với vô vàn khó khăn để có được nguồn lực cần thiết trong quá trình phát triển, đặc biệt liên quan tới nguồn vốn. Đây được coi là rào cản lớn nhất đối với các startup.

Bà Phan Hoàng Lan, Trưởng phòng Kế hoạch Tài chính, Cục Phát triển thị trường thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, cho biết vòng đời của startup được chia làm ba giai đoạn lớn: tìm hiểu thị trường (discovery), sản phẩm tới thị trường (validation) và mở rộng sản phẩm (expansion). Trong hai giai đoạn đầu các startup thường phải dùng vốn tự có, người thân gia đình hoặc một số ít gọi được vốn. Đây là giai đoạn “ngốn” vốn nhưng lại không có lợi nhuận. “80-90% startup thất bại trong quá trình này vì không có được nguồn vốn để chuyển sang giai đoạn tiếp theo, giai đoạn có lợi nhuận lớn hơn”, bà Lan nói và cho đây là “thung lũng chết” của chính các startup.

Nhu cầu vốn ngày một lớn

Nghiên cứu của Topica Founder Institute cho thấy số startup tại Việt Nam đã tăng đáng kể trong sáu năm qua, từ khoảng dưới 400 doanh nghiệp trong năm 2012 lên tới 3.000 doanh nghiệp năm 2017. Một số startup không chỉ hoạt động tại Việt Nam mà đã vươn ra thị trường thế giới.

Trong năm 2017, đã có 92 startup Việt Nam gọi được vốn đầu tư mạo hiểm với tổng giá trị lên tới hơn 290 triệu đô la Mỹ, tăng 85% về số thương vụ và 42% về giá trị so với năm trước đó. Bản nghiên cứu đưa ra kết luận: “So với con số 10 thương vụ năm 2011, rõ ràng, hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam đã phát triển vượt bậc”.

Tuy nhiên, tổng giá trị đầu tư vẫn rất thấp so với số lượng startup tại Việt Nam cũng như so với số vốn mà startup của các nước trong khu vực thu hút được.

Theo TechinAsia, trong năm 2017, khu vực Đông Nam Á thu hút khoảng 7,86 tỉ đô la Mỹ đầu tư vào startup, trong đó, Việt Nam chiếm không đến 1% nguồn vốn này.

Còn theo CBI insights, nếu tính tổng vốn đầu tư từ năm 2012 đến nay, Việt Nam đứng thứ 4 trong số các nước Đông Nam Á, sau Singapore, Indonesia và Malaysia. Vốn đầu tư thấp đã không đáp ứng được nhu cầu của khoảng 2.000-3.000 startup tại Việt Nam.

Xét về cơ cấu vốn cho startup tại Việt Nam, ngoài nguồn vốn từ bạn bè, gia đình và vốn tự có, nguồn tài chính cho startup chủ yếu đến từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, các quỹ đầu tư của doanh nghiệp, các vườn ươm, nhà đầu tư thiên thần, nhà đầu tư cá nhân trong và ngoài nước. Một số có thể vay được vốn của ngân hàng nhưng rất ít.

Nhà nước đi trước

Sự đóng góp của khu vực startup cho nền kinh tế sẽ mãi là tiềm năng nếu doanh nghiệp không được Nhà nước hỗ trợ để vượt qua “thung lũng chết”, giai đoạn rủi ro lớn nhất và cũng là giai đoạn mà hầu như không nguồn vốn tư nhân nào muốn đổ vào.

Theo một nghiên cứu của Phần Lan và Việt Nam về xây dựng hệ sinh thái và cơ chế tài chính cho khởi nghiệp (IPP2), các startup cần phải được “bơm” đúng lúc, phù hợp với chu kỳ phát triển của loại hình doanh nghiệp này.

Trên thực tế, từ năm 2015 đến nay, tại Việt Nam chưa có nhiều nguồn vốn tài trợ của Nhà nước vào khởi nghiệp. Hiện nay, Nhà nước mới chỉ chú ý đầu tư vào những startup ở giai đoạn giữa của quá trình phát triển.

Theo IPP2, việc Nhà nước đầu tư vào giai đoạn đầu của chu kỳ phát triển sẽ giảm được hiện tượng chèn lấn (crowding-out) với khu vực tư nhân, vì tại thời điểm này không nhiều nhà đầu tư muốn đổ tiền. Khi startup đã vượt qua được giai đoạn này, họ hoàn toàn có thể gọi vốn từ nhiều nguồn khác mà không còn lệ thuộc vào vốn đầu tư ban đầu của Nhà nước nữa.

Tuy nhiên, Nhà nước cần đầu tư tài chính cho các startup và chấp nhận tâm lý thất bại, không thể mong rằng đầu tư 1 đồng, sau thời gian nhất định sẽ thu hồi được 1 đồng. “Nhà nước cần thấy rằng việc đầu tư vào giai đoạn đầu của quá trình khởi nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích nhưng không thể đánh giá được trong vài tháng mà phải vài năm”, bà Lan nói.

Dù mới ở mức sơ khai, nhưng hệ sinh thái của Việt Nam phát triển đúng hướng, có nhiều startup hấp dẫn, một thành phần quan trọng trong hệ sinh thái, ông Jouko Ahvenainen, nhà sáng lập và là chủ tịch của Grow Vc Group, nhận xét.

Ông Jouko Ahvenainen nói: “Vấn đề của Việt Nam là không có nhiều người có kinh nghiệm đầu tư vào startup. Trong khi đó, việc đánh giá công ty để hiểu và đưa ra hỗ trợ đúng lại gần như một bí quyết”.

Người đứng đầu Grow Vc Group cho biết, đang có nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, ngân hàng tham gia vào thị trường khởi nghiệp. Những điều kiện này quan trọng nhưng chưa đủ, cần có cơ sở dữ liệu tốt để nhà đầu tư đưa ra quyết định đầu tư, cho vay.

Ông Jouko Ahvenainen cũng nói Việt Nam đang cần rất nhiều nhà đầu tư, cần cơ chế cho vay, cơ chế hỗ trợ để các startup có thể mở rộng ra quốc tế. Muốn vậy, Chính phủ cần đóng vai trò “người xây dựng” để hệ sinh thái phát triển, giúp các nhà đầu tư trong nước và quốc tế cũng như các startup hoạt động hiệu quả trong hệ sinh thái này. Ông cho rằng những khóa đào tạo chung chung sẽ không mang lại hiệu quả. Nhà nước nên có những chương trình hợp tác với các luật sư, tư vấn kinh doanh và dịch vụ xuất khẩu để thực hiện những buổi tư vấn theo nhu cầu của từng doanh nghiệp.

Thùy Dung

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/278058/thieu-vai-tro-nha-nuoc-startup-kho-thoat-thung-lung-chet.html