Thiếu xe chiến đấu bộ binh, Pakistan có VT-4 cũng 'như không'

Mặc dù Quân đội Pakistan được trang bị xe tăng VT-4 của Trung Quốc, nhưng các chuyên gia vẫn cho rằng thực lực tác chiến thiết giáp của Pakistan, vẫn kém Ấn Độ.

Vào ngày 17/11 vừa qua, Quân đội Pakistan đã công bố một đoạn video xác nhận rằng xe tăng chiến đấu chủ lực VT-4 của Quân đội Pakistan (nhập từ Trung Quốc), đã tham gia cuộc tập trận quy mô lớn cấp quân đoàn do Quân đoàn 1 của Quân đội Pakistan tổ chức lần đầu tiên.

Cuộc diễn tập chủ yếu nhằm xác minh khả năng phòng thủ và tấn công của các đơn vị cơ giới, nhằm đối phó với các tình huống khẩn cấp. Cuộc tập trận xe tăng VT-4 của Quân đội Pakistan lần đầu tiên tổ chức tấn công theo cụm, nhưng cho thấy tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Qua cuộc diễn tập xe tăng này cho thấy, quân đội Pakistan không có một loại xe chiến đấu bộ binh nào phù hợp để phối hợp chiến đấu với những chiếc xe tăng VT-4; nếu như vậy, những chiếc VT-4 khó có thể “trụ” được trên chiến trường, nếu không có những “hộ vệ” đi kèm.

Những chiếc xe bọc thép M113 cũ, mà Quân đội Pakistan đang có trong biên chế, cũng được sử dụng để phối hợp tác chiến với xe tăng VT-4. Kết quả không chỉ đáng lo ngại về tốc độ, hỏa lực; mà còn mục tiêu dễ tiêu diệt cho các đơn vị bộ binh thiết giáp, có hỏa lực mạnh hơn cùng cấp của Ấn Độ.

Đánh giá từ các bức ảnh được công bố, các binh sĩ thiết giáp của Sư đoàn Thiết giáp 6 Quân đoàn 1 của Pakistan đã tiến hành ngụy trang VT-4 bằng lớp vải chống trinh sát hồng ngoại; có thể gây nhiễu mục tiêu của đối phương.

Theo quảng cáo của Trung Quốc, VT-4 cũng sử dụng sơn chống tia hồng ngoại, với việc sử dụng cả lớp sơn chống tia hồng ngoại và lớp vải ngụy trang, giúp giảm thiểu xác suất bị đối phương phát hiện bằng trinh sát ảnh nhiệt hồng ngoại.

Hiện nay lực lượng thiết giáp Ấn Độ cũng có một số lượng lớn xe tăng T-72M1, nhưng chưa được nâng cấp kính ngắm, không có kênh trinh sát ảnh nhiệt nên VT-4 có thể ngụy trang tốt trước những chiếc T-72M1 khi đối đầu.

Tuy nhiên, dù xe tăng VT-4 được Trung Quốc cho là “rất tiên tiến”, nhưng quân đội Pakistan lại không có một loại xe chiến đấu bộ binh phù hợp, để phối hợp tác chiến với loại xe này.

Trên thực tế, quân đội Pakistan hiện không được trang bị xe chiến đấu bộ binh mà chỉ có xe thiết giáp chở quân M113 kiểu cũ, được Mỹ phát triển từ đầu thập niên 1960, có hỏa lực rất yếu; đây là một bất lợi so với quân đội Ấn Độ.

Bộ binh thiết giáp của quân đội Ấn Độ được trang bị xe tăng T-90S và T-72M1; phối hợp chiến đấu với hai loại xe tăng này là xe chiến đấu bộ binh BMP-2, được Quân đội Ấn Độ nhập nguyên chiếc từ Nga.

Với hỏa lực là pháo 30mm, tên lửa chống tăng 9M113 và súng máy trên xe, không chỉ là sự bổ sung quan trọng cho hỏa lực của xe tăng, mà còn độc lập tiến hành các cuộc tấn công hiệu quả vào xe tăng và xe bọc thép của Pakistan.

Xe bọc thép M113 của bộ binh Pakistan chỉ có súng máy phòng không 12,7mm, hỏa lực kém hơn một bậc, nếu đối đầu xe tăng cũng chẳng làm được gì; trong khi đó, sức mạnh xe chiến đấu bộ binh BMP-2 của Ấn Độ, có sức mạnh tương đương như xe tăng và là lực lượng “hộ vệ” quan trọng của xe tăng.

Hiện Pakistan cũng đang cố gắng lắp tháp pháo và trang bị pháo cỡ nhỏ trên khẩu M113, để phát triển xe chiến đấu bộ binh, nhằm thu hẹp khoảng cách về hỏa lực với đơn vị bộ binh thiết giáp của Ấn Độ. Tuy nhiên M113 vốn là xe thiết giáp chở quân, nên khả năng nâng cấp khó khăn.

Còn xe tăng VT-4 mà Trung Quốc xuất khẩu cho Pakistan, được nâng cấp nhẹ từ xe tăng MBT-2000 (phiên bản dành cho lục quân Pakistan, được phát triển từ dòng xe tăng chủ lực Type-90 IIM của Trung Quốc).

Mặc dù được quảng bá rộng rãi với tính năng chiến đấu đỉnh cao trong khi giá thành rẻ, nhưng đến nay chỉ có Thái Lan và Pakistan là khách hàng thử nghiệm của xe tăng này.

Vào năm 2018, truyền thông Trung Quốc vừa đăng tải hình ảnh gây bất ngờ khi một chiếc tăng VT-4 được cho là bị Pakistan trả lại nhà sản xuất; việc này làm dư luận Pakistan lo lắng về chất lượng thực sự của các loại siêu vũ khí mà nước này nhập từ Trung Quốc.

Trước đây Peru từng được coi là khách hàng tiềm năng, họ đã đặt vấn đề chính thức để mua loại xe tăng này, thậm chí Trung Quốc đã gửi trước cho Peru 5 chiếc để duyệt binh và thử nghiệm đánh giá.

Sau khi xem xét cẩn thận, Peru phát hiện ra những xe tăng này đều không dùng động cơ 6TD-2 và hệ thống truyền động do Ukraine sản xuất; không những vậy, hệ thống ngắm bắn và điều khiển hỏa lực của xe cũng không hề mạnh như quảng cáo, họ đã trả lại xe tăng và hủy hợp đồng với Trung Quốc. Nguồn ảnh: Foxt.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/thieu-xe-chien-dau-bo-binh-pakistan-co-vt-4-cung-nhu-khong-1629941.html